Điểm đến Gia Lai

Về An Khê vui hội đầu Xuân

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Ngày 28-1 (tức mùng 4 Tết Canh Tý), thị xã An Khê (Gia Lai) đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 249 năm Khởi nghĩa Nông dân Tây Sơn (1771-2020), 231 năm Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa (1789-2020) và khai hội Cầu Huê.

Về dự lễ có các đồng chí: Đặng Phan Chung-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Đỗ Tiến Đông-Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Đinh Duy Vượt-Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, đoàn thể của tỉnh; đại diện lãnh đạo thị xã An Khê và các địa phương trong tỉnh; 2 huyện Tây Sơn, Vĩnh Thạnh (tỉnh Bình Định); lực lượng quân đội đứng chân trên địa bàn cùng đông đảo nhân dân trong vùng.

Lãnh đạo tỉnh, các địa phương và nhân dân dự lễ kỷ niệm. Ảnh: Hồng Thi
Lãnh đạo tỉnh, các địa phương và nhân dân dự lễ kỷ niệm. Ảnh: Hồng Thi

Trang nghiêm lễ kỷ niệm

Như đã thành thông lệ, cứ vào sáng sớm mùng 4 Tết, cán bộ và nhân dân trong tỉnh lại cùng tề tựu về khu vực An Khê Trường (Khu di tích Tây Sơn Thượng đạo) để tham dự lễ kỷ niệm Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa. Tiết trời An Khê sáng nay trong xanh, nắng đẹp như chiều lòng du khách khắp nơi về trẩy hội. Cờ hoa trang trí rực rỡ cả khuôn viên. Hàng ngàn người dân trong trang phục chỉnh tề, đủ màu sắc đã có mặt tại đây từ khá sớm để kịp hòa mình vào lễ hội.

Đang tìm cho mình và các con một vị trí thuận lợi trước khi buổi lễ bắt đầu, chị Đinh Thị Phiên (làng Krúi-Chai, xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ) hồ hởi nói: “Biết tin có lễ hội này, sáng sớm, gia đình tôi đã đến đây. Cả làng cũng có gần 20 người cùng đi. Không khí thật đông vui và náo nhiệt”.

Chủ tịch UBND thị xã An Khê Nguyễn Hùng Vỹ đọc diễn văn kỷ niệm Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa. Ảnh: Hồng Thi
Chủ tịch UBND thị xã An Khê Nguyễn Hùng Vỹ đọc diễn văn kỷ niệm Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa. Ảnh: Hồng Thi

Dưới ánh nắng đầu Xuân ấm áp, Lễ kỷ niệm Khởi nghĩa Nông dân Tây Sơn và Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa diễn ra trong không khí đầy trang nghiêm. Thay mặt lãnh đạo thị xã An Khê, ông Nguyễn Hùng Vỹ-Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã-đọc bài diễn văn ôn lại trang sử hào hùng của cuộc Khởi nghĩa Nông dân Tây Sơn; tưởng nhớ đến Tây Sơn tam kiệt và tri ân công lao to lớn của vua Quang Trung-Nguyễn Huệ cùng các tướng sĩ.

Phần lễ được tổ chức trang nghiêm theo đúng nghi thức truyền thống. Ảnh: Hồng Thi
Phần lễ được tổ chức trang nghiêm theo đúng nghi thức truyền thống. Ảnh: Hồng Thi

Theo đó, cuộc giao tranh Trịnh-Nguyễn kéo dài hơn 200 năm đã khiến đất nước ta rơi vào tình cảnh bị chia cắt làm hai, nhân dân lầm than, cực khổ. Trước tình cảnh đó, năm 1771, 3 anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ đã lấy vùng Tây Sơn Thượng đạo (mà trung tâm là thị xã An Khê ngày nay) làm căn cứ, hiệu triệu nhân dân, tích trữ quân lương, khởi binh chống lại triều đình. Từ 1773-1787, nghĩa quân Tây Sơn đã giải phóng một vùng rộng lớn ở đồng bằng; 5 lần tiến vào Gia Định đánh đổ chế độ Chúa Nguyễn ở Đàng Trong, đánh tan 5 vạn quân Xiêm xâm lược, lập nên chiến công Rạch Gầm-Xoài Mút vang dội núi sông. Ngày 24-11-1788, tại Núi Bân (Huế), Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế lấy niên hiệu Quang Trung. Đêm giao thừa năm 1789, xuất quân thẳng tiến ra Thăng Long, đến sáng mùng 5 Tết đã tiêu diệt toàn bộ 29 vạn quân Mãn Thanh thống nhất sơn hà, lập lên một triều đại Tây Sơn phát triển rực rỡ trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Lãnh đạo tỉnh dâng hoa tại Tượng đài hoàng đế Nguyễn Huệ. Ảnh: Đức Thụy
Lãnh đạo tỉnh dâng hoa tại Tượng đài hoàng đế Nguyễn Huệ. Ảnh: Đức Thụy

Dưới tượng đài uy nghiêm của Hoàng đế Quang Trung, các đại biểu lần lượt dâng những lẵng hoa tươi thắm, kính cẩn nghiêng mình ghi ơn công lao to lớn của người anh hùng “áo vải cờ đào”. 

Lãnh đạo các địa phương trong tỉnh dâng hoa tại Tượng đài vua Quang Trung. Ảnh: Hồng Thi
Lãnh đạo các địa phương trong tỉnh thành kính dâng hoa trước Tượng đài vua Quang Trung. Ảnh: Hồng Thi

Lễ dâng hương tưởng niệm 3 anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ và các tướng sĩ Nhà Tây Sơn được diễn ra ngay sau đó tại khu vực điện thờ theo đúng nghi thức truyền thống trong tiếng trống, chiêng, nhạc lễ.

Đại diện lực lượng quân đội dâng hương tưởng niệm Tây Sơn tam kiệt. Ảnh: Hồng Thi
Đại diện lực lượng quân đội dâng hương tưởng niệm Tây Sơn tam kiệt. Ảnh: Hồng Thi

“Là một người con của vùng đất An Khê, tôi cảm thấy vô cùng tự hào về truyền thống lịch sử-văn hóa mà quê hương đang có. Mùng 4 Tết năm nào tôi cũng đến dự lễ kỷ niệm, vừa để vui Xuân, vừa để giáo dục cho con cháu về lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc”-bà Lâm Thị Mỹ Lệ (tổ 15, phường An Phú, thị xã An Khê) phấn khởi cho biết.

Rộn ràng khai hội Cầu Huê

Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể vùng Tây Sơn Thượng đạo nói chung và nghệ thuật hát Cầu Huê của người Việt vùng An Khê nói riêng, dịp này, thị xã An Khê cũng tiếp tục tổ chức hội Cầu Huê 2020 với nhiều hoạt động hấp dẫn, thú vị.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Tiến Đông đánh trống khai mạc hội Cầu Huê. Ảnh: Đức Thụy
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Tiến Đông đánh trống khai mạc hội Cầu Huê. Ảnh: Đức Thụy

Sau hồi trống khai hội rộn rã từ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Tiến Đông, mọi người được mãn nhãn với phần biểu diễn nhạc võ Tây Sơn do các nghệ nhân đến từ Nhà hát tuồng Đào Tấn (Bình Định) thể hiện. Đây là loại hình nghệ thuật ra đời từ cuối thế kỷ XVIII trong phong trào khởi nghĩa nông dân Tây Sơn với những tiết tấu hùng hồn, thúc giục, thể hiện khí phách hào hùng, từng được Nhà Tây Sơn sử dụng trong những dịp trọng đại như: duyệt binh, xuất binh, xung trận, mừng chiến thắng, thiết triều…

Hoạt cảnh tái hiện Lễ chiêu binh tụ nghĩa chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa. Ảnh: Hồng Thi
Hoạt cảnh tái hiện Lễ chiêu binh tụ nghĩa chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa. Ảnh: Hồng Thi

Tiếp đến là hoạt cảnh tuồng tái hiện Lễ chiêu binh tụ nghĩa chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa; màn múa lân-sư-rồng kết hợp với âm nhạc cồng chiêng; biểu diễn võ thuật cổ truyền, vovinam của võ sinh đến từ các câu lạc bộ võ thuật trên địa bàn thị xã An Khê.

Màn múa lân vui nhộn, tạo sự thích thú cho người xem. Ảnh: Hồng Thi
Màn múa lân vui nhộn, tạo sự thích thú cho người xem. Ảnh: Hồng Thi

Mặc dù càng về trưa trời càng nắng gắt nhưng hội Cầu Huê vẫn “níu chân” nhiều du khách gần xa ở lại thưởng thức.

Hòa tấu cồng chiêng cho màn biểu diễn lân-sư-rồng. Ảnh: Hồng Thi
Hòa tấu cồng chiêng cho màn biểu diễn lân-sư-rồng. Ảnh: Hồng Thi

“Tôi đến Gia Lai làm việc đã 5 năm và từng nghe bạn bè giới thiệu về lễ hội này ở An Khê. Tết năm nay, tôi đã quyết định xuống đây để trải nghiệm. Qua sự kiện, tôi thêm hiểu biết về cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn gắn liền với vùng đất Tây Sơn Thượng đạo cũng như hội hát Cầu Huê; đồng thời được tham gia nhiều trò chơi hấp dẫn. Năm sau tôi sẽ rủ thêm bạn bè mình đến vui chơi”-anh Lê Văn Hòa (quê ở Hương Khê, Hà Tĩnh) chia sẻ.

Du khách xin chữ ông đồ đầu năm tại hội Cầu Huê. Ảnh: Ngọc Minh
Du khách xin chữ ông đồ đầu năm tại hội Cầu Huê. Ảnh: Ngọc Minh

Vừa chọn mua cho mình vài chiếc nón lá làm quà cho gia đình, anh Malcolm David Prouty (quốc tịch Mỹ) vui vẻ cho hay: “Làm rể ở An Khê 17 năm nhưng đây là năm đầu tiên tôi có điều kiện tham dự lễ hội này trên quê hương vợ. Tôi khá ấn tượng và bất ngờ trước sự đông vui, náo nhiệt của mọi người nơi đây, bởi lẽ ở đất nước của tôi, lượng người đến với một lễ hội nào đó thường không nhiều như thế. Thêm vào đó, tôi còn được biết nhiều trò chơi dân gian của Việt Nam và các món ăn dân dã, đặc trưng của mảnh đất An Khê. Tất cả đều rất thú vị”.

Vợ chồng anh Malcolm David Prouty chụp ảnh lưu niệm tại lễ hội. Ảnh: Ngọc Minh
Vợ chồng anh Malcolm David Prouty chụp ảnh lưu niệm tại lễ hội. Ảnh: Ngọc Minh

Điểm nhấn trong hội Cầu Huê năm nay vẫn là phiên chợ Kinh-Thượng với 65 gian hàng, bày bán các sản phẩm đặc trưng của đất An Khê xưa như: rau xanh, trái cây, lúa, gạo, rượu cần, váy áo thổ cẩm, cơm lam-gà nướng... Bà Đinh Thị Lớt-Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ làng Pốt (xã Song An, thị xã An Khê) phấn khởi cho hay: “Tôi cùng bà con làng Pốt đã tham gia phiên chợ Kinh-Thượng từ những ngày đầu hội Cầu Huê được tổ chức. Năm nay, chúng tôi vẫn mang đến những sản phẩm đặc trưng của làng như thổ cẩm, rượu cần, đồ thủ công mỹ nghệ… để giới thiệu tới du khách. So với năm trước, hội Cầu Huê 2020 quy mô và hoành tráng hơn, người dân đến tham quan cũng đông hơn. Qua hoạt động này, tôi cảm thấy mối quan hệ giữa người Bahnar và người Kinh trên vùng đất An Khê được thắt chặt, đoàn kết hơn, từ đó góp phần chung tay xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”.

Một gian hàng tại Phiên chợ Kinh-Thượng. Ảnh: Đức Thụy.
Một gian hàng tại Phiên chợ Kinh-Thượng. Ảnh: Đức Thụy

Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Thanh Lịch-Tỉnh ủy viên, Bí thư Thị ủy, Chủ tịch HĐND thị xã An Khê-cho biết: An Khê là vùng đất giàu truyền thống văn hóa-lịch sử nên thị xã luôn xác định việc duy trì và phát huy các hoạt động lễ hội trên địa bàn. Hôm nay, ngoài ôn lại truyền thống hào hùng Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa của anh em Nhà Tây Sơn, chúng tôi còn  khai hội Cầu Huê của người Việt xưa. Các hoạt động năm nay được chuẩn bị chu đáo, quy mô hơn với sự tham gia các huyện bạn trong vùng, trong tỉnh và của tỉnh Bình Định. Không chỉ tạo không gian vui Xuân lành mạnh cho nhân dân trong dịp Tết mà qua đây, thị xã còn mong muốn cùng với tỉnh và các địa phương còn lại bảo tồn giá trị văn hóa-lịch sử gắn với phát triển du lịch vùng Tây Sơn Thượng đạo.

Du khách thích thú trải nghiệm trò chơi dân gian. Ảnh: Hồng Thi
Du khách thích thú trải nghiệm trò chơi dân gian. Ảnh: Hồng Thi

Vào chiều cùng ngày, phần hội tiếp tục diễn ra với các trò chơi dân gian, hát bài chòi. Đặc biệt, phần biểu diễn cồng chiêng đường phố và đêm hội cồng chiêng đã để lại nhiều ấn tượng đặc biệt trong lòng người dân thị xã và du khách xa gần.

Tế năm nay Khu tưởng niệm Tam kiệt ở An Khê trường bỗng dưng xuất hiện cặp rắn lạ quấn nhau nhiều ngày khiến không ít người du xuân, thăm viếng, tưởng niệm không khỏi ngạc nhiên, trầm trồ.

H.THI - NGỌC MINH

Có thể bạn quan tâm