(GLO)- Nghệ thuật điêu khắc gỗ dân gian là một trong những di sản vô giá của các tộc người vùng Trường Sơn-Tây Nguyên. Những năm gần đây, rừng bị tàn phá, lễ bỏ mả ít được tiến hành, nghệ nhân điêu khắc lớn tuổi lần lượt qua đời nên nghề tạc tượng dần mai một. Để khôi phục và tôn vinh nghệ thuật điêu khắc độc đáo của các dân tộc, nhiều địa phương ở Tây Nguyên và một số cơ quan thuộc Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã tổ chức trại sáng tác điêu khắc gỗ dành cho nghệ nhân dân gian.
Mỗi đợt sáng tác, các nghệ nhân được trao giải, tặng thưởng, đơn vị tổ chức có bộ sưu tập tác phẩm điêu khắc với nhiều chủ đề, phong cách. Sau đó, tác phẩm được trưng bày ngoài trời hoặc trong nhà phục vụ khách tham quan du lịch. Mỗi địa phương từng có hoặc đang có “vườn tượng Tây Nguyên” như: Đồng Xanh (Gia Lai), Buôn Đôn, Buôn Kô Tam (Đak Lak). Ngoài ra, tác phẩm điêu khắc gỗ được trưng bày, lưu giữ tại bảo tàng hay lưu giữ tại nhà làng truyền thống.
Các nghệ nhân tham gia trại điêu khắc gỗ được địa phương tuyển chọn kỹ lưỡng. Họ là những người khéo tay, tài giỏi ở buôn làng, từng đóng góp công sức làm đẹp cho những ngôi nhà làng, nhà mồ, được nhiều người biết tiếng tại địa phương. Từ những chủ đề mang tính tâm linh dành cho người thân quá cố trong lễ bỏ mả của các dân tộc Bahnar, Jrai hay chỉ dành cho trang trí ở nhà làng của người Giẻ Triêng, Cơ Tu, Xê Đăng... các “trại viên” tái hiện các tác phẩm điêu khắc theo những chủ đề mới với cảm xúc nghệ thuật tự do, phóng khoáng hơn. Những bức tượng gỗ ấy luôn ẩn chứa nét hoang sơ, độc đáo trong văn hóa của từng dân tộc. Tại các “vườn tượng”, người xem thấy hình ảnh buôn làng với cô gái giã gạo, người đội vò rượu cần, mẹ cõng con, cô gái mang gùi, người đánh chiêng, thầy cúng, già làng, chàng trai mang xà gạt, uống rượu cần, hút thuốc, bầu vú mẹ, những con vật nuôi, chim muông, đặc biệt là những tác phẩm thể hiện sức sống phồn thực. Người xem thấy sự tài hoa, lao động sáng tạo của các nghệ nhân khi họ gửi cả trái tim, khối óc của mình vào trong từng tác phẩm.
Thành quả của Trại sáng tác điêu khắc Tây Nguyên do Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam tổ chức tại Đồng Mô, Hà Nội năm 2013. Ảnh: Tấn Vịnh |
Tuy nhiên, việc giữ gìn và sử dụng tác phẩm điêu khắc gỗ của các nghệ nhân sau khi kết thúc trại điêu khắc còn nhiều bất cập. Do cách thức trưng bày chưa hợp lý nên nhiều tác phẩm điêu khắc gỗ bị hư hỏng nhanh chóng. Đây là sự uổng phí không hề nhỏ.
Một số tượng gỗ có giá trị nghệ thuật, mang đậm nét phong cách Tây Nguyên của các nghệ nhân cần đưa về lưu giữ, trưng bày tại các bảo tàng địa phương. Sau khi trại sáng tác kết thúc, nghệ nhân cũng có thể mang tác phẩm của mình về trưng bày tại nhà làng truyền thống hay nhà văn hóa ở các buôn làng. Đây cũng là cách lưu giữ tác phẩm để tôn vinh, ghi nhận, phát huy thành tựu sáng tạo nghệ thuật của từng nghệ nhân. Bộ sưu tập tác phẩm của một nghệ nhân hay nhóm nghệ nhân nếu đặt đúng vị trí, trân trọng sẽ tạo ra một điểm tham quan thú vị trong hoạt động du lịch cộng đồng. Bởi vì, một số nghệ nhân được mời dự nhiều trại điêu khắc đã sáng tác nhiều tác phẩm đặc sắc nhưng những đứa con tinh thần ấy lại nằm rải rác. Nhiều địa phương cấp huyện tổ chức các cuộc thi tạc tượng, những bức tượng, phù điêu rất đẹp nhưng không có chỗ trưng bày, xử lý mối mọt chưa tốt nên hư hỏng. Các địa phương có truyền thống, thế mạnh điêu khắc gỗ cần có phòng trưng bày chuyên đề ở bảo tàng tỉnh, thậm chí hình thành một bảo tàng điêu khắc gỗ cũng hoàn toàn xứng đáng và khả thi. Nơi đây lưu giữ, trưng bày những hình ảnh, bức tượng, phù điêu được sưu tầm qua các thời kỳ, tập hợp những tinh hoa nghệ thuật điêu khắc dân gian của đồng bào trong quá khứ và những tác phẩm có giá trị nghệ thuật mới mẻ của các nghệ nhân đương thời.
Việc tổ chức các trại sáng tác, cuộc thi điêu khắc gỗ dân gian là cần thiết nhằm góp phần bảo tồn loại hình nghệ thuật độc đáo này, khuyến khích đội ngũ nghệ nhân truyền dạy, nâng cao tay nghề cho thế hệ trẻ. Đồng thời tôn vinh nghệ nhân và những người tham gia tích cực trong việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật tạo hình, trang trí dân gian, tạo điều kiện để người dân gặp gỡ, giao lưu, nâng cao lòng tự hào dân tộc và ý thức bảo vệ di sản văn hóa của dân tộc mình. Làm thế nào để lưu giữ, phát huy giá trị các tác phẩm điêu khắc của các nghệ nhân là câu hỏi cần giải đáp của các các cơ quan hữu quan, nhà quản lý văn hóa, nghệ thuật ở các địa phương.
TẤN VỊNH