Du lịch

Vẻ đẹp nguyên sơ của ngôi làng bỏ hoang ở Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ngôi làng Bahnar không một bóng người, không mùi khói bếp, không tiếng giã gạo, không giọng cười đùa trẻ thơ. Chỉ có tiếng gà trưa đôi hồi cất lên, lẻ loi đến nao lòng.

Mặt trời đã lên cao quá đầu khi ghé Kon Sơ Lal. Những bóng cây rười rượi vẫn toả đều xuống các mái nhà, đây đó có vài giàn bí đang ra trái, nhưng tịnh không một bóng người.
 

Những ngôi nhà im lìm ở Kon Sơ Lal, ngôi làng đẹp đẽ nguyên sơ nhưng vắng tiếng người.
Những ngôi nhà im lìm ở Kon Sơ Lal, ngôi làng đẹp đẽ nguyên sơ nhưng vắng tiếng người.

Ngôi làng Kon Sơ Lal (xã Hà Tây, huyện Chư Pah, Gia Lai) vừa được nhắc đến chỉ là làng cũ. Làng mới đã dời đi từ năm 2002 về gần trung tâm xã, cách làng cũ chừng 4 km.

Ngôi làng cũ bị bỏ rơi. Những sinh hoạt ngày thường ngưng đọng, chỉ còn năm người già nhất ở lại với vắng lặng mênh mông. Làng có chừng hơn 50 nóc nhà quần tụ trên một mảnh đất khá bằng phẳng, quang quẻ, xung quanh là rừng thưa. Trừ vài mái ngói, tất cả nhà sàn nơi đây đều lợp tranh, sàn gỗ chắc chắn, vách nhà bằng liếp tre, nứa hoặc bằng đất sét trộn rơm.

Từng ngôi nhà đều thể hiện sự công phu, tỉ mẩn, khéo léo của những người đã tạo ra chúng. Qua nhiều năm tháng không hơi người, chúng vẫn sống động lạ thường. Thoạt nhìn, chúng lặng lẽ đứng cạnh nhau, như một đám nấm mọc giữa rừng không theo trật tự nào. Song cuối cùng đều quây lấy nhà rông như gà con quây quần bên mẹ.
 

Ngôi nhà rông độc đáo.
Ngôi nhà rông độc đáo.

Những ngôi nhà rông Ba Na truyền thống thâm nghiêm, vững chãi được trai tráng trong làng dựng từ năm 1978 với bề ngang dễ đến hơn chục mét, mái tranh dày cả gang tay. Thấp thoáng giữa làng là màu xanh tươi của những cây phượng vĩ, xoài, thanh long, mấy giàn bí… Toàn cảnh ngôi làng bật lên vẻ đẹp đẽ nguyên sơ, không sắp đặt-một vẻ đẹp hiếm gặp.

Làng cũ trước kia có 85 hộ với 454 khẩu. Những ngày làng vui nhất, rộn rã nhất là vào lễ mừng lúa mới, khi những bao lúa đã chạy về đầy kho. Lúc ấy, ngôi làng đã diễn ra nhiều lễ hội, những vòng xoan duyên dáng của các thiếu nữ, tiếng cồng chiêng trầm hùng của các chàng trai, những ghè rượu uống mãi không bao giờ cạn… Chúng đã biến mất từ lâu, từ khi làng vắng tiếng người.

Dù sao thì, ai đã một lần đến Kon Sơ Lal đều không khỏi tiếc nuối. Chợt nhớ cách đây nhiều năm, nhà văn Nguyên Ngọc cùng đoàn làm phim Đất nước đứng lên đã rất vất vả khi tìm bối cảnh tại Gia Lai, bởi đòi hỏi của bối cảnh phim thời kỳ đó là một ngôi làng “giống những làng Bahnar xưa, không có nhà xây, lợp ngói hay lợp tôn, chỉ toàn nhà sàn tre tranh, cũng không đơn điệu như nhiều làng định cư bây giờ mà lô nhô so le, tạo nên một thứ nhịp điệu riêng đầm ấm và thân thuộc”.
 

Một ngôi nhà cũ vẫn bình yên giữa làng.
Một ngôi nhà cũ vẫn bình yên giữa làng.

Bây giờ, một ngôi làng truyền thống đẹp đẽ như Kon Sơ Lal cũ, một ngôi làng tìm đỏ mắt mới thấy, lại đang bị bỏ quên, đang lụi dần đi trước cái hiện đại, trước những tính toán có phần vội vã.

Theo vnexpress

Có thể bạn quan tâm