​Vẽ gà - thú chơi bất tận

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Không phải ngẫu nhiên con gà có mặt trong mỹ thuật Việt từ rất lâu đời. Những họa tiết trang trí gốm từ thời Bắc thuộc, Lý, Trần, Lê đã có rất nhiều hình vẽ con gà rất sinh động.

 

Tranh: ĐỖ PHẤN


Và thậm chí một vài sản phẩm như chiếc ấm đựng nước, rượu còn dùng hình ảnh con gà cách điệu để tạo dáng. Những hiện vật còn lại cho đến ngày nay là niềm tự hào rất lớn của dân tộc Việt.

Hầu như tất cả các dòng tranh dân gian Việt Nam đều có hình vẽ con gà. Tiêu biểu nhất phải kể đến tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng, tranh làng Sình.

Những con gà trong tranh có khi được vẽ kèm theo nhân vật tượng trưng cho khát vọng ấm no, hạnh phúc, may mắn; cũng có khi được vẽ hoàn toàn như một bức tranh độc lập mà con gà là nhân vật hoặc câu chuyện chính.

Cùng với tất cả những tranh đề tài khác, tranh vẽ con gà thường được mang bán ở chợ Tết bất kể đó có phải là năm con gà hay không. Người ta mua về dán lên tường, dán lên cột nhà, cánh cửa vào dịp đầu năm mới như một món quà không thể thiếu. “Đì đẹt ngoài sân tràng pháo chuột/Loẹt lòe trên vách bức tranh gà” (Tú Xương).

Cùng với dòng mỹ thuật dân gian vài trăm năm tuổi, các họa sĩ hàn lâm thế hệ đầu tiên từ năm 1925 đến nay đã dành cho sáng tác tranh con giáp một khoảng thời gian và công sức đáng kể. Trần Văn Cẩn, Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng… đều để lại khá nhiều tác phẩm vẽ con giáp.

Đặc biệt với Nguyễn Tư Nghiêm, tranh con giáp còn là một phần hết sức quan trọng trong sự nghiệp lừng lẫy của ông.

Các họa sĩ thế hệ tiếp nối gần như ai cũng có dịp thử tay nghề với tranh con giáp. Có người thành công. Có người bỏ ngang. Nhưng có điều rất lạ, hầu như ai cũng vẽ con gà. Những con giáp bị “quên” không vẽ thường là con rắn, con chuột, con rồng.

Chỉ con gà là ai cũng “nhớ”. Một cách công bằng mà nói, con gà không những là giống gia cầm gần gũi quen thuộc lâu đời với con người mà nó còn mang rất nhiều yếu tố tạo hình dễ thể hiện ra tác phẩm hơn cả. Không đòi hỏi phải có một trình độ quan sát và tay nghề điêu luyện lắm cũng có thể vẽ được.

Điều này có thể chứng minh được bằng các bức vẽ của trẻ con từ năm, sáu tuổi trở lên. Nhiều đứa chưa biết chữ đã biết vẽ. Và đứa nào cũng vẽ con gà.

Vẽ con gà không khó. Nhưng để vẽ được đẹp như Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái thì lại chẳng dễ dàng gì. Vẽ một con gà không khó. Nhưng để vẽ một lúc khoảng ba chục bức tranh con gà với nguyên tắc không lặp lại bố cục và màu sắc thì cũng là cả một mối bận tâm không hề nhỏ.

Nó đòi hỏi người vẽ không chỉ dùng trí tưởng tượng và ký ức về hình ảnh mà còn phải tìm kiếm tư liệu. Vẽ trực họa hoặc thông qua ảnh chụp. Thậm chí phải nghiên cứu cả giải phẫu tạo hình của con vật quen thuộc này.

Việt Nam có đến vài chục giống gà khác nhau. Cũng là ngần ấy hình ảnh riêng biệt tha hồ cho họa sĩ lựa chọn thể hiện. Gần gũi nhất là gà ri, gà Đông Tảo, gà ngũ trảo (gà ác). Xa xôi hơn có gà Mông đen, giống gà đen tuyền từ bộ lông bên ngoài cho đến tận da thịt và xương cũng đen.

Gà tre là giống gà rừng cũng được thuần dưỡng nuôi trong nhà từ nhiều năm nay. Xa nữa có gà lôi rừng. Một vài loại đã thuần dưỡng thành công. Vài loại khác vẫn còn hoang dã. Đó là còn chưa kể đến khá nhiều giống gà Tây nhập khẩu nuôi công nghiệp lấy trứng, thịt và nuôi làm cảnh giờ đã trở thành phổ biến ở Việt Nam.

 

 



Mỗi giống gà lại chia làm hai đối tượng hội họa khác nhau hoàn toàn. Gà trống diêm dúa hùng dũng, gà mái nhu mì tần tảo. Và lũ gà con túc tích theo mẹ kiếm mồi cũng có hình dáng và màu sắc khác biệt. Tất cả những yếu tố này đóng góp cho họa sĩ những gợi ý miên man bất tận vào tác phẩm của mình.

Hào nhoáng bóng bẩy khoe mẽ là anh gà trống thiến. Mào cờ dựng đứng là anh trống hoa chuyên để đạp mái gây giống cho đàn. Gà trống hoa mào đổ thường bị thịt khi đủ lớn vì đạp mái không đậu. Hung hăng dữ tợn là anh gà chọi.

Người ta phải vặt lông cổ và xoa bóp bằng riềng ngâm rượu pha nước tiểu trẻ con để lớp da dày lên chuyển sang màu đỏ rực. Gà mái mơ dịu dàng nhường nhịn suốt ngày bới đất kiếm mồi chăm đàn con nhưng cũng sẵn sàng xù lông xõa cánh đe dọa kẻ thù.

Vẽ tranh con giáp làm quà tặng bạn bè đã trở thành công việc thường xuyên hằng năm của nhiều họa sĩ trên cả nước. Miền Nam có Bùi Quang Ngọc, Đặng Thị Dương, Nguyễn Quân. Miền Trung có Lê Văn Duy, Đặng Mậu Tựu…

Họa sĩ Hà Nội có Phạm Viết Hồng Lam với những con gà sặc sỡ hòa sắc dân gian mang đậm phong vị Tết. Họa sĩ Lê Trí Dũng với những chú gà tồ vẽ nét đen hết sức linh hoạt và có thần thái... Mỗi người đều dùng hệ thống ngôn ngữ tạo hình riêng biệt để gửi đến khán giả những tâm tình của mình.

Nhiều họa sĩ khác không đủ thời gian vẽ riêng từng bức cũng có cách làm khá tiện lợi và đủ độ trân trọng với người thưởng thức. Đó là vẽ một con gà sau đó mang in thành hàng trăm bản. Tranh gà dạng này thường được giắt lên cành đào trong nhà dịp Tết cùng với những bưu thiếp chúc Tết. Không khí xuân càng thêm tràn ngập trong mỗi căn nhà chẳng cứ gì ở phố phường.

Cuối năm thư thả là thời gian thuận lợi nhất để vẽ tranh con giáp. Vẽ tranh gà không chỉ là thú chơi của người thưởng ngoạn mà còn chính là thú chơi bất tận của họa sĩ.


 

Tranh: ĐỖ PHẤN


Theo Tuoitre

Có thể bạn quan tâm