Điểm đến Gia Lai

Về Hà Đông ngắm nhà sàn vách đất

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trên địa bàn xã Hà Đông (huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) hiện còn 12 nếp nhà sàn vách đất, lợp mái ngói. Chẳng phải do đời sống khó khăn, mà kiểu nhà ấy phù hợp với điều kiện khí hậu nơi này, còn gia chủ thì luôn mong muốn bảo tồn giá trị truyền thống đặc sắc của dân tộc.

Giữa trưa, trời Hà Đông nóng như bưng. Cây cỏ cũng héo hon theo nắng. Ngôi nhà rộng chừng 70 m2 của bà Tyun (làng Kon Mahar) rộn tiếng nói cười. Chẳng là, mấy người con của bà không hẹn mà gặp ở nhà mẹ để tránh… nóng.

“Mấy chị em đã làm nhà ở riêng rồi. Mấy bữa nay nắng quá, nên cứ tầm trưa, mọi người lại về nhà mẹ ở cho đỡ nóng nực. Đây là nhà sàn, vách đất và lợp ngói nên mát mẻ hơn nhà khác nhiều”-chị Pler chia sẻ.

Ngôi nhà sàn vách đất của gia đình bà Tyun (làng Kon Mahar). Ảnh: T.D

Ngôi nhà sàn vách đất của gia đình bà Tyun (làng Kon Mahar). Ảnh: T.D

Bà Tyun kể: Hồi trước, đa phần nhà ở của bà con dân làng đều là vách đất. Gia đình nào có ý định làm nhà sẽ chọn địa điểm rồi nhờ dân làng hỗ trợ. Mọi người chia nhau vào rừng cắt cỏ tranh, chặt tre mang về. Dựng xong phần khung nhà thì đan tre thành phên quanh thân và đào đất trộn với rơm trét lên thành vách.

“Nhà mình làm cách đây hơn 20 năm rồi. Từ khi bắt đầu làm đến lúc hoàn thiện là gần 2 tuần. Vợ chồng mình muốn làm nhà vách đất bởi việc dựng nhà nhanh, ít kinh phí và phù hợp với điều kiện khí hậu ở đây. Mùa đông thì ấm áp, mùa hè thì mát mẻ.

Mấy năm gần đây, điều kiện kinh tế gia đình ổn định, mọi người khuyên thưng gỗ nhưng mình không muốn thay đổi. Phần là vì vách nhà chưa hư hỏng và cũng muốn giữ lại nét văn hóa truyền thống”-bà Tyun tâm sự.

Sải thêm mấy bước chân, chúng tôi đến nhà anh Hlung. Trước mắt chúng tôi là ngôi nhà sàn to đẹp, trong đó, điểm nhấn vẫn là tường bao bằng vách đất. Anh Hlung cho hay: “Bố mẹ xây dựng ngôi nhà này vào năm 2003. Chúng tôi đào mấy cái hố bên góc vườn, đổ nước xuống rồi dùng chân giẫm cho nhuyễn đất. Tiếp đó, ngâm rơm trong nước rồi trộn lẫn với đất. Mọi người dùng tay đắp chúng lên liếp tre đan trước đó rồi miết cho phẳng. Đất ở vùng này có đặc điểm là khi đắp thành vách rồi thì rất cứng, mưa tạt không bị thấm. Nhà càng cũ thì vách càng đẹp.

Mấy chục năm rồi mà ngôi nhà không hư hỏng gì cả. Ở miết nên quen, cũng không muốn dỡ để thay bằng vật liệu khác. Hiện nay, cả gia đình cùng chung sống trong ngôi nhà này”.

Ông Chuyên-Trưởng thôn Kon Mahar-cho biết: Hồi trước, nhà cửa của người dân trong xã đều là vách đất, mái tranh. Dần dần, mọi người thay thế bằng vật liệu khác. Tính cả xã thì làng mình hiện còn nhiều nhà vách đất nhất. Có một chút khác xưa là thay vì lợp tranh thì mọi người lợp mái ngói để có độ bền cao hơn. Có hộ cũng đã làm nhà xây nhưng vẫn giữ lại ngôi nhà vách đất ở cạnh đó.

Theo chị Pler nhà vách đất có lợi thế điều hòa thời tiết. Ảnh: Thiên Di

Theo chị Pler nhà vách đất có lợi thế điều hòa thời tiết. Ảnh: Thiên Di

Cùng chúng tôi tham quan một vài ngôi nhà sàn vách đất, ông Nguyễn Hồng Việt-Chủ tịch UBND xã Hà Đông-thông tin: Toàn xã hiện còn 12 ngôi nhà mái ngói, vách đất. Đa số có tuổi đời 20-30 năm và cũng có một vài nhà mới làm gần đây. Đẹp nhất là ngôi nhà của chị Đoác-Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã.

“Trước đây, xã phối hợp với một số công ty lữ hành đưa khách du lịch về địa phương tham quan theo đề án phát triển du lịch cộng đồng. Khi đi tham quan nhà cửa trong xã, du khách khá thích thú với kiểu nhà sàn vách đất. Chính quyền xã cũng khuyến khích bà con bảo tồn những giá trị văn hóa đặc sắc ấy.

Chúng tôi cũng đang kết nối với doanh nghiệp lữ hành để đưa khách du lịch về địa phương, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn”-ông Việt cho biết thêm.

Có thể bạn quan tâm