Điểm đến Gia Lai

Về Ia Tôr, nhớ người xưa...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Khi một người bạn qua đời, phải “delete” đi số điện thoại, chắc ai cũng thấy lòng trống vắng. Có khoảng trống rồi sẽ được lấp đầy theo thời gian nhưng cũng có những khoảng trống thật lâu mới liền da trong tâm tưởng. Ấy là những người dù không chức vụ, không có việc làm phi thường để nhiều người biết đến nhưng đã để lại cho đời một tình yêu đẹp, một lẽ sống nhân văn. Là tôi đang muốn nhắc đến ông Lê Văn Ký ở xã Ia Tôr (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai).     
…Tin cô gái dân tộc Jrai gùi thùng đạn nặng 105 kg đến kho khiến cả binh trạm Mặt trận B3 xôn xao. Trạm trưởng Lê Văn Ký cũng không khỏi sửng sốt. Trước mắt ông là một cô gái chừng 17 tuổi, chắc lẳn trong bộ quân phục. Thấy mọi người không ngớt trầm trồ thán phục, cô đỏ mặt bối rối như không biết giấu mình vào đâu. Hỏi chuyện, ông được biết cô tên là Siu Ly, người làng Ner (xã Ia Tôr), tham gia cách mạng từ năm 16 tuổi, là lính của Tiểu đoàn vận tải Mặt trận B3.
Đêm đó, tự nhiên ông Lê Văn Ký không ngủ được. Hình ảnh cô gái cứ bám riết lấy tâm trí… Tham gia cách mạng từ lứa tuổi thiếu niên rồi vào Vệ Quốc đoàn, hết 9 năm kháng chiến chống Pháp, xung phong đi B lứa đầu tiên, đã 44 tuổi nhưng sự rung động thật sự trước một người con gái mới là lần đầu tiên.
Đám cưới được tổ chức giữa rừng đơn giản nhưng vui. Đến lúc này, Trung đoàn trưởng còn ghé tai ông nói nhỏ: “Xác định tư tưởng cho chắc vào đấy nhé. Phải chung thủy với cô ấy, không có mai mốt giải phóng rồi…”. Trước câu nói bỏ lửng của Trung đoàn trưởng, ông Lê Văn Ký đáp gọn bằng cái giọng đặc sệt Quảng Trị: “Tui xin hứa: Trước răng thì sau vậy!”.
Một góc thị trấn Chư Prông. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Một góc thị trấn Chư Prông. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Giải phóng, bà Siu Ly đã sẵn sàng cõng con theo chồng về quê nhưng ông bàn với vợ nên về làng dễ sống hơn. Biết quyết định này, họ hàng bà Siu Ly rất mừng, họp nhau chia của cho vợ chồng ông theo phong tục. Ông được 1 chiếc ghè và… 1 cái cối giã gạo.
Không chốn nương thân, vợ chồng ông phải đi mót từng mảnh ghi, thùng phuy rỉ mang về dựng căn lều ở tạm. Cuộc sống đã dần dần ổn định thì sau khi sinh đứa con thứ 5, bà Siu Ly đột nhiên đổ bệnh do di chứng của lần bị cây đổ đập vào người khi đang cõng đạn ra mặt trận.
Không quậy phá nhưng suốt ngày, bà cứ lang thang ngoài đường, nhặt bất cứ thứ gì nhìn thấy bọc vạt áo mang về: nào là giẻ rách, chổi cùn, chai lọ vỡ, thậm chí cả phân bò… Những thứ “của quý” ấy, muốn vứt đi ông phải năn nỉ, ngọt nhạt với bà. Bà cười, ông cũng cười, bà chửi cũng… cười. Rồi thì thay quần áo, tắm rửa cho bà, ông cũng phải dỗ dành.
Với ông, bà như một đứa trẻ không có trí khôn nhưng dưới mắt bà thì ông lại là người phục vụ dở người. Có lần bà bỏ nhà lang thang 9 ngày liền, bị du kích bắt giam vì nghi là… FULRO đi do thám. Tìm được vợ, ông cười như mếu, còn bà Siu Ly thì nhìn ông như thể kẻ thù. Ông đi tìm vợ nhiều đến mức các xã xung quanh đều quen mặt…
Tình hình địa phương lúc này lại khó khăn. Huyện ủy yêu cầu ông ra gánh vác chức vụ Bí thư Đảng ủy xã. Vợ điên dại, 5 đứa con nhỏ nhưng nghĩ trách nhiệm của một đảng viên, ông vẫn chấp hành. Xong việc xã là lao vào quần quật với rẫy với vườn. Ông thành lập tổ hợp trồng sả, sả bể lại xoay sang trồng hồ tiêu cung cấp giống cho cả huyện. Rồi chăn nuôi bò, đàn bò có lúc lên đến 20 con; khiến ông trở nên nổi tiếng cả huyện lúc bấy giờ là người làm kinh tế giỏi.
Thế nhưng, cứ được đồng nào ông cũng dành để lo hết cho vợ. Hết thầy hết thuốc, ông đã liều đến mức mời cả... thầy phù thủy về nhà “bắt quyết trừ ma”. Thấy ông nhếch nhác khổ cực quá, họ hàng bàn bạc việc cho ông “nối dây” với người em con dì Siu Ly tên là Pui Kho.
Đã hơn 60 tuổi rồi, cũng chẳng ham hố chi chuyện đèo bòng, ông theo luật tục với tình thương đàn con “sẩy mẹ ấp vú dì”. Bà Pui Kho hồi chiến tranh cũng là cán bộ phụ nữ xã nên rất hiểu và thương ông. Ba người như đầu rau sẻ chia nồng ấm. Ông có thêm 2 đứa con với bà Pui Kho nữa. Tiếc thay, chút hạnh phúc muộn màng có được không lâu. Sinh đứa con thứ 3 thì bà Pui Kho băng huyết chết. Vậy là, ông lại tiếp tục cảnh “gà trống nuôi con”, đã nhếch nhác lại càng thêm khổ cực.
Không ít lần ý nghĩ chán nản đã trỗi dậy trong ông: Hay là mang con trốn quách về quê cho nhẹ nợ? Thì chính những người trong làng cũng khuyên ông nên bỏ vợ. Nhưng những lúc ấy, hình ảnh Siu Ly ngày xưa lại về cùng lời hứa với Trung đoàn trưởng, ông tự xấu hổ và thấy mình hèn.
Chuyện đời ông kể đã gieo vào lòng tôi nỗi xúc động sâu xa. Từ đó, hễ có dịp về Ia Tôr là tôi lại đến thăm ông. Vẫn nhớ lần uống rượu cuối cùng với ông dạo năm 2006. Năm đó, ông Lê Văn Ký đã 86 tuổi nhưng trông vẫn còn tráng kiện. Còn Siu Ly, đã toan hỏi thì đúng lúc bà “du hành” ở đâu về. Quần áo lấm lem bùn đất, bà nở một nụ cười ngây ngô nhìn khách. Ông điềm nhiên phủi bụi rồi dỗ vợ lên giường nằm xem phim… hoạt hình.
Nhìn đôi tai to như tai Phật của ông, tôi cứ nghĩ: Với thiên lương của mình, không khéo trời sẽ cho ông thọ đến trăm tuổi. Thế nhưng dù chẳng được như mong đợi thì ông cũng ra đi thanh thản. Vậy nên, một tình yêu đích thực mới là hạnh phúc đích thực, nói chi những gập ghềnh hay một cuộc đời dài, ngắn. 
NGỌC TẤN

Có thể bạn quan tâm