TN - Đất & Người

Về Kon Klốc nghe cồng chiêng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Nhịp chiêng, tiếng cồng là một phần máu thịt của người Xơ Đăng ở thôn Kon Klốc (xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà, Kon Tum).

Do đó, bao năm nay, các thế hệ ở thôn bảo ban nhau gìn giữ tiếng chiêng, tiếng cồng qua các sự kiện, hoạt động của địa phương.

Tiết mục cồng chiêng của thôn Kon Klốc, xã Đăk Mar đã chạm đến trái tim của người xem trong lễ ra quân xây dựng nông thôn mới của huyện Đăk Hà. Trong khoảng sân rộng, ai nấy đều chăm chú lắng nghe, theo dõi; nhiều người lấy điện thoại quay, chụp, lưu lại tiết mục ấn tượng.

Sự kết hợp từ thanh âm trong trẻo, ngân vang của đàn t’rưng, của trống, chiêng, cồng; sự mượt mà sâu lắng, khỏe khoắn trong làn điệu hát dân ca và nhịp nhàng của những điệu múa xoang đã tạo nên một bản hợp xướng giàu cảm xúc để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng người thưởng thức. Những tràng vỗ tay kéo dài, khích lệ, động viên, ai nấy đều trầm trồ trước một tiết mục “cây nhà lá vườn” truyền thống, giàu bản sắc, ý nghĩa và hấp dẫn.

Đội cồng chiêng thôn Kon Klốc thường xuyên tập luyện, sáng tạo các tiết mục hấp dẫn. Ảnh: H.T

Đội cồng chiêng thôn Kon Klốc thường xuyên tập luyện, sáng tạo các tiết mục hấp dẫn. Ảnh: H.T

Nắng tháng 3 vàng như rót mật. Trong khoảng sân bê tông nóng ran như đổ lửa, các thành viên đội cồng chiêng của thôn Kon Klốc miệt mài diễn tấu. Tiếng trống dồn dập, tiếng chiêng cồng ngân vang, những điệu xoang nhịp nhàng đón chào các đại biểu đến dự, tạo cảm giác rộn ràng, khí thế hăng hái cho ngày ra quân.

Sau tiết mục chào đón rộn ràng, cả đội cồng chiêng lại đưa người xem đến không khí hân hoan, nhộn nhịp của những ngày đầu xuân qua liên khúc xuân, dân ca Xơ Đăng kết hợp với múa xoang, cồng chiêng.

Vui mừng trước sự đón nhận của người dân và đại biểu, nghệ nhân Y Khar, thôn Kon Klốc phấn khởi nói rằng, đây không phải lần đầu đội cồng chiêng của làng Kon Klốc tạo được những màn trình diễn mãn nhãn. Đi diễn biết bao lần, ở bất kể sự kiện nào, dù quy mô nhỏ hay lớn, mọi người đều tập luyện một cách nhiệt tình, hăng say nhất.

“Cả đội cồng chiêng đều hiểu rằng, không chỉ đơn giản là để trình diễn, tạo không khí trong một sự kiện mà đó còn là cách để giới thiệu đến mọi người bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Xơ Đăng. Do đó, tất cả các thành viên đều có tinh thần tập luyện hăng say, trách nhiệm và trình diễn hết mình”-nghệ nhân Y Khar chia sẻ.

Đội cồng chiêng hôm ấy có đủ lứa tuổi từ thiếu niên, thanh niên đến trung niên, nhưng tôi ấn tượng với cách cậu bé A Thượng trình diễn. Đôi mắt long lanh, đôi chân nhún nhảy, đôi tay thoăn thoắt, A Thượng đánh chèng nhịp nhàng theo chiêng, trống. 13 tuổi với 6 năm tham gia vào đội cồng chiêng của thôn, giai điệu dân ca, nhịp chiêng, nhịp trống từng ngày nuôi dưỡng tâm hồn của A Thượng. Dẫu chưa thể hiểu hết những giá trị văn hóa truyền thống, nhưng A Thượng vẫn luôn tự hào vì những năm tháng tuổi thơ được tham gia cùng đội cồng chiêng, được cùng với các anh chị, các cô chú, ông bà trong thôn giữ lại hồn cốt văn hóa tự bao đời của dân tộc Xơ Đăng. Đặc biệt, A Thượng còn vui mừng vì bản thân mạnh dạn hơn, không còn e ngại, lo sợ khi đứng trước đám đông.

Đội cồng chiêng gồm nhiều lứa tuổi. Ảnh: H.T

Đội cồng chiêng gồm nhiều lứa tuổi. Ảnh: H.T

Nghệ nhân Y Khar giới thiệu, đây là đội cồng chiêng thứ 4 trong thôn, được truyền dạy từ năm 2017. Khi ấy, đa số các thành viên đều là học sinh cấp 1. Đến nay, các thành viên đã lớn dần lên, tuy vậy, vẫn luôn duy trì, gắn bó, tham gia đánh cồng, chiêng ở thôn.

Em A Nhảy, học sinh lớp 12, Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Đăk Hà có ngót nghét 10 năm tham gia đội cồng chiêng ở thôn. Em không quên những ngày đầu tập luyện, bởi đó là quãng thời gian khó khăn. “Thật sự học đánh cồng chiêng rất khó. Tuy vậy, khi tham gia vào đội, với sự nhiệt tình chỉ dạy của các nghệ nhân, của các anh chị, bạn bè, em đã được tiếp thêm động lực để học, để cố gắng. Nhờ đó, đến nay, em có thể đánh trống, đánh cồng thành thạo, tự tin trình diễn cùng đội ở bất kì sự kiện, hoạt động nào” - A Nhảy chia sẻ.

Còn với chị Y Pên - người dân ở thôn Kon Klốc, tham gia vào đội cồng chiêng, múa xoang đã giúp chị có nhiều niềm vui. Trong đó, điều vui nhất chính là được kết nối, giới thiệu với bạn bè, mọi người về văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Đặc biệt, dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân, người già ở làng, chị cũng sáng tạo hơn, cùng lên ý tưởng dàn dựng những tiết mục hấp dẫn, đặc sắc, để cùng trình diễn cho mọi người xem.

Nhìn cách đội cồng chiêng trình diễn, cộng thêm việc lắng nghe những câu chuyện ở thôn mới hiểu được phần nào tinh thần giữ gìn truyền thống của bà con nơi đây. Nghệ nhân Y Khar kể rằng, từ năm 1999 khi đời sống còn nhiều khó khăn, bà con trong thôn đã ý thức được việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Đội cồng chiêng đầu tiên được thành lập từ khi ấy. Và từ đó đến nay, để văn hóa không bị mai một, cứ vài năm, người già, nghệ nhân ở thôn lại tập hợp, truyền dạy cồng chiêng và múa xoang cho thế hệ trẻ. “Tre già măng mọc”, các thế hệ, cứ thế truyền cho nhau tình yêu văn hóa. Nhờ đó, khi có bất kể sự kiện nào, ở Kon Klốc không bị động vì thiếu người đánh cồng chiêng hay múa xoang.

Tiết mục của đội cồng chiêng thôn Kon Klốc đã chạm đến trái tim của người xem. Ảnh: H.T

Tiết mục của đội cồng chiêng thôn Kon Klốc đã chạm đến trái tim của người xem. Ảnh: H.T

Nghệ nhân Y Khar cho biết, không biết nơi khác thế nào, với thôn Kon Klốc, việc truyền dạy cồng chiêng có nhiều thuận lợi. Một phần vì sự nhiệt tình từ những người già, những nghệ nhân; phần khác vì sự hăng hái, nỗ lực, chịu khó học từ các bạn trẻ.

“Các cháu theo học rất đầy đủ. Hôm nào dạy, chúng tôi đều động viên các cháu cố gắng học. Thời gian đầu, lúc nào cũng khó khăn. Khi đã học được, biết cách đánh, các cháu rất hứng thú và tham gia đầy đủ. Nhìn chung, các buổi học rất đông vui, rộn ràng” - nghệ nhân Y Khar nói.

Ngoài việc dạy đánh cồng chiêng, hát dân ca, nghệ nhân Y Khar còn sáng tác những bài hát mang đậm tình yêu quê hương, đất nước rồi cùng người già ở làng, cùng với các thành viên ở các đội cồng chiêng tập luyện, tạo dựng thành các tiết mục bài bản. Như mới đây, hướng đến kỷ niệm 30 năm ngày thành lập huyện Đăk Hà, nghệ nhân Y Khar đã sáng tác bài hát Đi tìm nguồn nước Đăk Hà, rồi cùng với các thành viên tập hát, tập múa dưới nhịp chiêng, cồng tạo thành một tác phẩm hoàn chỉnh.

Nắng vàng ươm, tiếng cồng chiêng vẫn vang vọng khắp thôn. Nhịp chiêng, tiếng cồng là một phần máu thịt, là phần tất yếu trong cuộc sống của người dân ở thôn Kon Klốc. Khi ngấm vào máu thịt, trong bất kì hoàn cảnh nào, các thế hệ ở thôn đều động viên, bảo ban nhau ra sức gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống.

Có thể bạn quan tâm