Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Về lại vùng "trắng" cồng chiêng Đak Đoa

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Cách đây 12 năm, sau đợt kiểm kê số lượng cồng chiêng trên địa bàn tỉnh, chúng tôi có chuyến khảo sát thực tế tại 2 địa phương tiêu biểu là Ia Grai và Đak Đoa. Nếu Ia Grai dẫn đầu về số lượng cồng chiêng trong khu vực người Jrai (và cả tỉnh) thì Đak Đoa lại là huyện có số làng “trắng” cồng chiêng nhiều nhất trong khu vực người Bahnar. Lần này, sau đợt kiểm kê năm 2020, khi P.V có dịp trở lại thì ngỡ ngàng nhận ra: Vùng “trắng” vẫn “trắng”!   
Năm 2008, xã Trang và Ia Pết “dẫn đầu” toàn huyện Đak Đoa với 100% thôn, làng vắng bóng cồng chiêng. Khi chúng tôi đến trụ sở UBND xã Trang vào chiều 6-1, anh Trịnh Nhân Nghĩa-công chức Văn hóa xã-thừa nhận: 12 năm qua, xã vẫn không có thêm bộ chiêng nào, ngoại trừ bộ chiêng 20 chiếc xã mua lại từ một người bán đồng nát năm 2005. Làng nào có việc hiếu hỉ, tang ma… đều đến xã mượn chiêng.
“Riêng năm 2020 không thấy ai đến mượn. Có thể là đời sống khó khăn do dịch Covid-19 nên người dân không tổ chức lễ hội. Cũng có lý do nữa là nghệ nhân lớn tuổi ngày càng già yếu, người trẻ lại không mặn mà với cồng chiêng. Đây là nỗi buồn của địa phương khi không phát triển được số lượng cồng chiêng”-anh Nghĩa ngậm ngùi.
Tuy nhiên, đáng mừng là đến nay xã Trang vẫn duy trì được 1 đội cồng chiêng và múa xoang khoảng 50-60 người ở làng Kol. Ông M’Lang cho hay: Hàng năm, đội vẫn đại diện cho xã tham gia thi, biểu diễn tại dạ hội cồng chiêng mừng Đảng, mừng xuân, lễ hội cỏ hồng… Khi cần thì ai cũng nhiệt tình tham gia tập luyện. Người ít tuổi nhất đội mới 25, cá biệt có người đã trên 70.
“Mình thích tiếng cồng chiêng lắm, nhưng do chiêng đắt quá nên không có tiền mua. Vì vậy, mỗi lần tập luyện đều mượn của xã”-ông M’Lang chia sẻ.
Anh Nghĩa cũng khẳng định, trong năm 2021, xã sẽ xin kinh phí mở lớp dạy diễn tấu cồng chiêng cho học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn, từ đó làm cơ sở thành lập đội cồng chiêng tại đây.
Tương tự, anh Lê Văn Bài-công chức Văn hóa xã Ia Pết-cho biết: Năm 2008, các thôn, làng trên địa bàn hoàn toàn “trắng” cồng chiêng. Do vậy, xã đã tự trang bị 1 bộ cồng chiêng để các nghệ nhân lớn tuổi diễn tấu. Thế nhưng từ đó đến nay, những nghệ nhân này đã lần lượt về cõi Atâu.
Trong nỗ lực bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn, năm 2015, xã đã vận động thành lập đội cồng chiêng tại Trường THCS Lê Lợi, đồng thời trang bị cho trường 1 bộ chiêng. Đây là đại diện duy nhất của xã tại các hoạt động văn hóa cấp huyện.
Một tiết mục diễn tấu cồng chiêng tại lễ hội cỏ hồng huyện Đak Đoa năm 2020. Ảnh: Phương Duyên
Một tiết mục diễn tấu cồng chiêng tại lễ hội cỏ hồng huyện Đak Đoa năm 2020. Ảnh: Phương Duyên
Trao đổi với P.V, bà Kiều Thu Hương-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Đak Đoa-chia sẻ: Theo kết quả kiểm kê cồng chiêng toàn huyện vào giữa tháng 10-2020, trên địa bàn còn lưu giữ 102 bộ chiêng, giảm 29 bộ so với lần kiểm kê trước đó (năm 2008).
Nói về những lý do khách quan dẫn đến thực trạng vùng “trắng” vẫn “trắng” và môi trường thực hành của cồng chiêng ngày càng bị thu hẹp, bà Hương giãi bày: Kinh phí dành cho sự nghiệp văn hóa rất ít. Do đó, các hoạt động chủ yếu tập trung cho các xã đang xây dựng nông thôn mới.
Về phía các xã, ngoài kinh phí hạn chế còn có nguyên nhân khác là mỗi xã chỉ có 1 công chức văn hóa. Công chức này phải ôm đồm khá nhiều việc: tham mưu giúp UBND xã tổ chức các hoạt động văn hóa-văn nghệ, thể dục thể thao; trực đài truyền thanh; tham gia các ban chỉ đạo cấp xã…
Về công tác xã hội hóa, có vận động nhưng chỉ hiệu quả ở các địa phương có phong trào phát triển mạnh… Do vậy, việc phát triển số lượng cồng chiêng và các đội cồng chiêng cũng gặp không ít khó khăn.
Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Đak Đoa cho biết thêm: Vừa qua, Phòng đã đăng ký danh mục, nhu cầu, kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 đối với Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”.
Trong đó, liên quan đến cồng chiêng có các danh mục: khảo sát, kiểm kê, sưu tầm tư liệu văn hóa truyền thống (lễ hội, cồng chiêng, trang phục…); tổ chức lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa phi vật thể (đánh cồng chiêng, múa xoang, làm nhạc cụ truyền thống…); hỗ trợ trang phục truyền thống, cồng chiêng cho các đội văn nghệ…
Tuy nhiên, bà Hương cũng cho rằng, tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa mới là giải pháp căn cơ, lâu dài. Chỉ khi chủ thể văn hóa thực sự có quyết tâm thì các giá trị văn hóa truyền thống mới thật sự tìm lại và khẳng định được chỗ đứng của mình trong dòng chảy hiện đại. 
Theo kết quả kiểm kê cồng chiêng năm 2020, huyện Ia Grai còn lưu giữ 765 bộ chiêng, giảm 351 bộ so với năm 2008; huyện Kông Chro hiện còn 538 bộ chiêng, giảm 113 bộ. Tại một số địa phương khác, số lượng cồng chiêng cũng có sự biến động theo chiều hướng giảm, cụ thể: huyện Kbang 690 bộ (giảm 229 bộ), Krông Pa 407 bộ (giảm 110 bộ), Đức Cơ 215 bộ (giảm 35 bộ)…
PHƯƠNG DUYÊN

Có thể bạn quan tâm