Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Về tấm bản đồ thời Pháp tại sở trà Bàu Cạn

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Trong số những hiện vật, công trình mà người Pháp để lại tại sở trà Bàu Cạn (nay là Công ty cổ phần Chè Bàu Cạn) có một thứ khá đặc biệt là bản đồ phân khu quy hoạch vùng đất Bàu Cạn những năm 20 của thế kỷ XX, hiện được lưu giữ tại trụ sở Công ty. Sau hàng thế kỷ với những chuyển dịch không ngừng trong đời sống kinh tế-xã hội, quy hoạch về khu vực xây dựng đồn điền vẫn mang tính khoa học và không có nhiều thay đổi.


Bản đồ có kích thước 1,5 m x 2,5 m in bằng giấy bìa cứng, đóng khung bằng gỗ thông. Có thể nhìn thấy dòng chảy thời gian lưu dấu trên màu vàng ngà của tấm bản đồ sau hàng thế kỷ. Ông Nguyễn Ngọc Minh-Trưởng phòng Kế hoạch-Nông nghiệp (Công ty cổ phần Chè Bàu Cạn) thông tin: Đến những năm 2000, bản đồ bị mối mọt có nguy cơ hư hỏng một số vị trí nên Công ty đã sửa chữa, đóng khung lại bằng gỗ thông và treo ở phòng khách. Phân khu quy hoạch của người Pháp về vùng đất Bàu Cạn trên bản đồ so với thực tế hiện nay thì không có nhiều thay đổi. Chỉ có một số diện tích chè già cỗi đã chuyển sang trồng cà phê và khoảng hơn trăm héc ta chè trồng mới, còn lại đều tái canh trên vườn chè cũ. Diện tích chè của người Pháp trồng thời điểm cao nhất (năm 1968) là khoảng 600 ha, đến nay còn khoảng 250 ha. Diện tích còn lại là tái canh các giống chè mới, trồng cà phê và chuối xuất khẩu. Hiện nay, tổng diện tích sản xuất nông nghiệp của Công ty so với diện tích quy hoạch trên bản đồ tăng khoảng hơn 100 ha.

Tấm bản đồ được lưu giữ tại trụ sở Công ty cổ phần Chè Bàu Cạn. Ảnh: Hoàng Ngọc
Tấm bản đồ được lưu giữ tại trụ sở Công ty cổ phần Chè Bàu Cạn. Ảnh: Hoàng Ngọc

Ngoài quy hoạch diện tích chè, bản đồ còn thể hiện khá rõ quy hoạch đời sống kinh tế-xã hội của một vùng đất với khu sản xuất, khu dân cư, chợ, bệnh xá, trường học, chùa, sân bay, hệ thống cấp điện, nước tương đối hoàn chỉnh. Công tác lâu năm trong ngành điện và có thú sưu tầm hình ảnh, tư liệu lịch sử hình thành đô thị Pleiku cũng như các vùng lân cận, ông Nguyễn Quang Hiền (03 Tăng Bạt Hổ, TP. Pleiku) cho biết: Ông đã nhiều lần vào thăm, làm việc ở khu vực đồn điền chè Bàu Cạn và nghiệm ra có thể tìm hiểu nơi này để đối sánh với đô thị Pleiku. Từ lịch sử hình thành vùng đất này lại thấy dáng vóc vùng đất kia bởi những tương đồng thú vị. Nếu đồn điền chè Bàu Cạn hình thành năm 1923 thì đến tháng 12-1929, đô thị Pleiku được thành lập. Tuy thời điểm hình thành gần nhau nhưng với đặc thù của một khu vực sản xuất và để phục vụ kịp thời hoạt động sản xuất kinh doanh, một số yếu tố ở đồn điền chè Bàu Cạn thường đi trước một bước so với đô thị Pleiku. Chẳng hạn, trước năm 1961, khi chưa có Sân bay Cù Hanh (Sân bay Pleiku ngày nay), máy bay muốn hạ cánh xuống Pleiku phải nhờ Sân bay Gia Tường của đồn điền Bàu Cạn. Hay những năm 50 của thế kỷ trước, đồn điền này đã xây dựng hẳn một đường dây bán điện cho đô thị Pleiku nhờ có công trình thủy điện đầu tiên của khu vực Bắc Tây Nguyên và thứ 2 cả nước.

Một phần bản đồ quy hoạch thể hiện rất chi tiết khu vực sở trà Bàu Cạn ngày nay. Ảnh: Hoàng Ngọc
Một phần bản đồ quy hoạch thể hiện rất chi tiết khu vực sở trà Bàu Cạn ngày nay. Ảnh: Hoàng Ngọc

Ông Hiền cho biết: “Sự phân khu quy hoạch ở đồn điền chè Bàu Cạn sau hàng thế kỷ nhìn lại vẫn thấy hợp lý và khoa học”. Chỉ bằng một tấm bản đồ với kích thước như một bức họa trang trí lại nhìn thấy nhiều câu chuyện khác nhau về một vùng đất mà lĩnh vực nào dường như nơi này cũng là điểm khởi phát. Lịch sử một vùng đất có thể viết ngàn trang sử nhưng có khi chỉ cần khái quát hóa bằng một tấm bản đồ như vậy.

Lịch sử cây chè trên cao nguyên là câu chuyện dài, nhiều dư vị. Dưới những tán chè xanh trăm tuổi là bao điều chưa kể hết. Có những gia đình 4 thế hệ gắn với cây chè nơi này. Thế hệ đầu tiên trồng chè từ thời Pháp. Đến thế hệ thứ 4 là bạn tôi bằng cách nào đó vẫn đang góp phần đánh thức hương chè khi chuyển hướng sang kinh doanh sản phẩm chè từ các đồn điền trăm năm trên xứ cao nguyên sương mù. Do vậy, việc khảo cứu có hệ thống để hiểu thấu đáo, tường tận hơn về lịch sử ngành trà, con người, vùng đất… đã làm nên một không gian nông nghiệp vô cùng thi vị cho cao nguyên Gia Lai là điều rất cần thiết.

HOÀNG NGỌC

Có thể bạn quan tâm