Du lịch

Về với xanh thẳm Tây Giang

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Một ngày đẹp trời tôi quyết định rời xa những bộn bề thường ngày để ngược về vùng miền núi Tây Giang - nơi xa xôi nhất của tỉnh Quảng Nam.

 



Tây Giang có khí hậu trong lành mát mẻ; có núi rừng xanh thẳm, hoang sơ; có tình người Cơ Tu chân chất, thật thà và hiếu khách. Một vùng đất hiếm hoi còn giữ lại nét hồn nhiên vì chưa bị du lịch hóa.

Đi dọc theo con đường từ Đà Nẵng lên Tây Giang khoảng 120 km, tôi mất 4 tiếng lèo lái chiếc xe máy vượt qua những cung đường đèo gập ghềnh, khúc khuỷu, trước khi chạm được đến Tây Giang.

Với tôi, cái thú vị của chuyến đi này không phải ở đích đến mà chính là việc được cảm nhận vẻ đẹp của núi rừng xanh thẳm trên suốt chặng đường đi. Đôi khi trên đoạn đường ấy, tôi gặp những vườn chè trải rộng xanh mướt, những cánh rừng keo lá tràm xanh ngút ngàn, những dãy núi trùng điệp hòa vào mây, những ngôi nhà sàn đơn sơ của đồng bào Cơ Tu bảng lảng khói bếp, những em bé Cơ Tu đang trần truồng tắm suối hay mướt mát mồ hôi khi trên lưng địu củi,… Chặng đường thú vị là vậy nhưng tôi không quên tự nhắc mình luôn chắc tay lái vì càng lên cao càng gặp nhiều khúc cua trắc trở.

 

 


Chạm đến Tây Giang, tôi có dịp đắm mình trong nét hoang sơ của ngôi làng Cơ Tu truyền thống với những ngôi nhà gươl, nhà moong, nhà dài độc đáo với kiến trúc, chạm trổ đặc trưng. Với tôi đây cũng là một trải nghiệm đặc biệt. Chỉ có điều, vì chưa phát triển về du lịch nên Tây Giang vẫn còn rất “buồn”. Vì thế nếu có ý định khám phá Tây Giang thì đi cùng bạn bè hoặc người thân sẽ hay hơn là đi độc hành.

Với độ cao hơn 1.583 mét so với mực nước biển, Tây Giang có khí hậu trong lành, mát mẻ. Đây hẳn là một điểm đến hứa hẹn cho những người thích xê dịch kiểu trải nghiệm, muốn cảm nhận thiên nhiên núi rừng nguyên sinh và nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.


 

 


Nếu thích cảm nhận một Tây Giang sôi động, tôi gợi ý bạn nên đến đây vào thời điểm lễ hội. Đồng bào Cơ Tu nơi đây, sau một mùa thu hoạch lúa mới thường tổ chức ăn mừng lúa mới trong nhà gươl linh thiêng của làng, vui say với các loại hình sinh hoạt văn hóa nghệ thuật cùng với lễ hội đặc sắc như: Đắh T’rí (lễ hội ăn trâu), Cha ha roo tơ mee (Ăn mừng lúa mới)… say sưa trong các điệu múa Tân tung, ya yá truyền thống duyên dáng, dịu dàng.

Vào những ngày này, bạn sẽ được ngắm nhìn những sắc màu y phục truyền thống độc đáo và đặc sắc của đồng bào nơi đây. Hơn thế nữa, bạn sẽ được thưởng thức các món ăn truyền thống mang hương vị núi rừng như: cơm lam, bánh cuốt, thịt nướng đậm đà mùi vị tiêu rừng, ngất ngây trong men rượu Tr’đin, Tà vạc, rượu cần, đắm say trong câu hát baboóch, bh’noóch bềnh bồng theo mây gió giữa núi rừng Tây Giang cùng người con Cơ Tu.

 

 
 


Dù núi rừng cách trở nhưng những ngôi nhà sàn nho nhỏ, tiếng cồng chiêng, màu xanh ngút ngàn của núi rừng, cùng ánh mắt sâu thẳm của những em bé Cơ Tu,… chắc chắn sẽ là một sự trả công xứng đáng cho bạn.

Theo Thanhnien

Có thể bạn quan tâm