Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: VEAM
Việc Tổng Công ty Máy động cơ và Máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP (VEAM) cung cấp động cơ Trung Quốc được xác định là nguyên nhân dẫn đến đối tác không chấp nhận lô hàng trị giá hàng chục tỉ đồng, dù giảm giá đến gần 1/3 giá trị lô hàng.
Giảm giá 1/3 giá trị hợp đồng vẫn "ế"
Theo Tổng công ty Máy động cơ và Máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP, việc kinh doanh thương mại từ 2006-2010 không những không có hiệu quả, đồng thời lại phát sinh các khoản công nợ khá lớn, trong đó có khoản nợ phải thu hợp đồng với IRAQ gần 70 tỉ đồng.
Theo đó, ngày 6.1.2017, VEAM và Công ty TNHH MTV Động cơ và Máy nông nghiệp Miền Nam (SVEAM) có biên bản bàn giao tiếp nhận số dư khoản nợ khó đòi của Công ty Agriculture Supply Co. Ltd. (ASCO) theo giá trị ghi trên số kế toán của SVEAM là khoảng 70 tỉ đồng.
Ngày 31.7.2017, Tổ trưởng Tổ giúp việc Ban chỉ đạo Cổ phần hoá (CPH) VEAM có văn bản báo cáo về việc VEAM có văn bản số 287/CV-VEAM/KTTC ngày 8.6.2017 gửi Bộ Công Thương đề nghị hỗ trợ xác nhận ASCO (IRAQ) còn tồn tại hay đã giải thể. Đồng thời, khoản nợ khó đòi này vào lợi nhuận sau thuế năm 2016 của VEAM.
Hợp đồng M122/1999 ký ngày 8.9.1999, tổng giá trị khoảng gần 3.000 USD, khi đến cảng, Công ty ASCO kiểm tra và thông báo cho công ty VINAPPRO về việc thông số kỹ thuật hàng hoá không phù hợp với yêu cầu hợp đồng.
Căn cứ “Đơn kêu cứu khẩn cấp” do Bộ Công Thương tiếp nhận và được Thanh tra Bộ chuyển đến VEAM, khi ông Trần Đức Đạt, Phó giám đốc VINAPPRO đang qua Ucraine (thực tế là Belarus) để thương lượng hợp đồng mua máy đúng với hợp đồng đã kí với đối tác IRAQ thì có lệnh gọi về để đi theo cán bộ của VEAM qua Trung Quốc mua máy do Trung Quốc sản xuất.
"Việc VEAM cung cấp động cơ Trung Quốc được xác định là nguyên nhân dẫn đến đối tác IRAQ không chấp nhận lô hàng của VINAPPRO (dù giảm giá đến gần 1/3 giá trị lô hàng). Khi khách hàng không nhận hàng do lỗi của người bán, thì không có cơ sở để hạch toán doanh thu và không thể hạch toán đó là một khoản phải thu khách hàng. Tại hoàn cảnh khi đó VINAPPRO cũng không có điều kiện tái nhập lại lô hàng", VEAM cho biết.
Mặc dù tháng 8.2007, ASCO có cử người sang làm việc và kí biên bản thống nhất với VINAPPRO giảm giá 950.000 USD (bằng 31,7% giá trị hợp đồng) để ASCO khắc phục lỗi kỹ thuật, nhưng sau đó, VINAPPRO và ASCO không có liên lạc lại làm việc để giải quyết lô hàng.
Bước đi sai của VEAM
Trong số tiền hàng xuất đi IRAQ thì giá trị phần động cơ VEAM cung cấp cho VINAPPRO là gần 28,3 tỉ đồng, số vốn còn lại VINAPPRO phải vay ngân hàng. Khi không thể thu hồi vốn, VINAPPRO đã lâm vào tình trạng mất cân đối về tài chính. Ngày 5.11.2008, căn cứ Đề án kèm theo Tờ trình của VEAM, Bộ Công Thương đã có quyết định về việc chấp nhận hợp nhất hai công ty VINAPPRO và Công ty Máy nông nghiệp Miền Nam (VIKYNO) thành công ty SVEAM hiện nay.
Thực tế, tình hình tài chính của SVEAM sau khi sáp nhập không thể giúp giải quyết được công nợ phải trả ngân hàng và trả VEAM khi không thu hồi được món nợ IRAQ. Sau khi sáp nhập VEAM không thể đồi được món nợ phải thu là giá trị lô hàng động cơ cung cấp cho VINAPPRO trước đó. Sau đó, VEAM lại hỗ trợ một khoản tín dụng (cho vay) 35 tỉ đồng đối với SVEAM không tính lãi.
"Như vậy, lẽ ra cần hỗ trợ trực tiếp cho VINAPPRO thì VEAM đã sáp nhập hai công ty, dẫn đến làm mất đi thương hiệu và sản phẩm VINAPPRO, hầu hết người lao động và cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật lâu năm của VINAPPRO đã phải rời bỏ công ty.
Việc sáp nhập này theo như “Đơn kêu cứu” có dấu hiệu liên quan đến trách nhiệm chỉ đạo mua hàng Trung Quốc vi phạm hợp đồng đã ký với đối tác", VEAM cho biết.
Thiên Bình (LĐO)