Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Quốc phòng

Vén màn bí mật cơ quan nghiên cứu tối tân thế giới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Cơ quan các dự án nghiên cứu quốc phòng hiện đại (DARPA) luôn được che phủ bởi một tấm màn bí mật, và chịu trách nhiệm triển khai vô số chương trình tuyệt mật của Bộ Quốc phòng Mỹ.

Oanh tạc cơ B-2 Spirit của Mỹ - Ảnh:USAF
Oanh tạc cơ B-2 Spirit của Mỹ - Ảnh:USAF


Đối với người ngoài, DARPA còn có biệt danh “sở nghiên cứu của các nhà bác học điên” thuộc Lầu Năm Góc. Được thành lập vào năm 1958 sau khi Liên Xô bất ngờ phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên của thế giới, DARPA triển khai những lĩnh vực nghiên cứu nằm ngoài hiểu biết của phần đông nhân loại. Nhờ cơ quan này, thế giới xuất hiện các sáng kiến thay đổi mọi thứ, từ internet, ô tô tự lái đến công nghệ tàng hình, và gần đây là dự án nghiên cứu vắc xin thế hệ mới m-RNA ngừa Covid-19.

Thế nhưng, các đóng góp của DARPA hiếm khi nào được người ngoài biết đến. Và sự tiết lộ hiếm hoi của một người trong cuộc, TS Timothy P.Grayson, Giám đốc Văn phòng kỹ thuật chiến lược của DARPA, cho phép thế giới phần nào biết được cách thức cơ quan này “hô biến” những ý tưởng xa vời thành công nghệ thực tiễn, theo tạp chí Forbes.

Tổ hợp “ngược đời”

Trong cuộc phỏng vấn gần đây với nhà làm phim Samuele Lilliu của Đại học Cambridge (Anh), TS Grayson đã hé lộ bí mật đằng sau động cơ thúc đẩy cơ chế sản sinh những công nghệ “ngoài tầm với” tại trụ sở DARPA, theo báo cáo được bình duyệt đăng trên chuyên san Scientific Video Protocols. Nhờ thế, nhiều người mới biết được ở DARPA không có chuyện làm theo yêu cầu hay nội dung cụ thể. TS Grayson không cho rằng vai trò của DARPA phải đưa ra các biện pháp giải quyết vấn đề theo “đơn đặt hàng” của các lực lượng vũ trang Mỹ, mà nhìn vào một bức tranh rộng hơn.

“Có thể hình dung chúng tôi là những con người ngược đời”, ông Grayson nói một cách hóm hỉnh. “Và công nghệ tàng hình là ví dụ hoàn hảo cho trường hợp này. Vào thời điểm đó (trước khi có máy bay tàng hình), không quân Mỹ chỉ đưa ra những điều kiện đại loại như hãy tăng tốc độ máy bay, cho phép chúng di chuyển ở tốc độ siêu thanh, hãy nâng độ cao máy bay hoạt động. Tuy nhiên, DARPA lại đưa ra giải pháp bằng cách thúc đẩy các nguyên mẫu máy bay tàng hình”, ông cho biết.

Quan điểm của các nhà nghiên cứu DARPA là: “Có lẽ máy bay quân sự Mỹ cũng chẳng cần phải bay quá nhanh, nếu radar không thể phát hiện sự tồn tại của nó”.


 

 Mô phỏng một nghiên cứu của DARPA nhằm tăng năng lực phối hợp cho các binh sĩ trên chiến trường - ẢNH: DARPA
Mô phỏng một nghiên cứu của DARPA nhằm tăng năng lực phối hợp cho các binh sĩ trên chiến trường - ẢNH: DARPA


Kết quả Mỹ bước vào kỷ nguyên mới của sức mạnh không quân. Thay vì lựa chọn nâng cấp dòng máy bay Mach-3 B-70 Valkyrie, mà cuối cùng chúng cũng chẳng thoát khỏi vận mệnh trở thành mục tiêu dễ dàng của hệ thống phòng không Nga, không quân Mỹ phát hiện họ có sự lựa chọn khác: dòng oanh tạc cơ tàng hình B-2 Spirit. DARPA đã giải quyết được vấn đề cốt lõi hơn, dù không phải là điều không quân Mỹ đòi hỏi lúc đầu. Kế tiếp, DARPA chuyển sang phát triển công nghệ tàng hình cho các dòng tiêm kích khác như F-35.

Cần nhân viên cỡ Elon Musk

Cách tiếp cận “không giống ai” có nghĩa là những con người làm việc cho DARPA phải thuộc dạng đặc biệt. Trong khi đa số các nhà nghiên cứu của cơ quan này đều có bằng tiến sĩ, Giám đốc Grayson thừa nhận: “Chúng tôi không có yêu cầu đặc biệt gì về bằng cấp”. Thay vì chỉ là chuyên gia trong một lĩnh vực, người làm việc cho DARPA cần kiến thức sâu rộng ở nhiều mảng khác nhau.


Những nhà quản lý chương trình của DARPA cần phải có năng lực nghiên cứu chớp nhoáng, có thể hấp thu và xử lý thông tin kỹ thuật nhanh chóng. Khi nhà làm phim Lilliu hỏi phải chăng tỉ phú Elon Musk, nhà sáng lập SpaceX, phù hợp để làm việc cho DARPA, ông Grayson đồng ý.

“Ông ấy không phải tự tay chế tạo các tên lửa đẩy SpaceX, nhưng lại là người vô cùng nhanh nhạy trong lĩnh vực nghiên cứu, có thể đặt ra những câu hỏi đóng vai trò then chốt và đưa ra các quyết định đúng đắn. Đó chính là kiểu mẫu nhà quản lý mà chúng tôi muốn tìm kiếm cho các dự án tại DARPA”, ông Grayson xác nhận.


Các nhà quản lý dự án đóng vai trò then chốt trong những nỗ lực nghiên cứu của DARPA, vì không hề tồn tại cái gọi là các phòng thí nghiệm bí mật hoặc những cơ sở ngầm trong lòng đất. Thay vào đó, DARPA tiến hành thuê ngoài, và nhà quản lý đảm nhận trọng trách điều hành cũng như điều phối các nỗ lực để đạt đến mục tiêu cuối cùng. “Chúng tôi không có các phòng thí nghiệm DARPA”, theo vị tiến sĩ.
 


Hiện có khoảng 100 nhà quản lý dự án làm việc cho DARPA, trực thuộc 6 ban ngành chính, được gọi là các văn phòng. Bên cạnh Văn phòng kỹ thuật chiến lược của ông Grayson, một số văn phòng khác, bao gồm Văn phòng công nghệ sinh học, Văn phòng công nghệ các hệ thống vi mô…

TS Grayson ước tính chỉ có khoảng 10% các dự án của DARPA được trực tiếp triển khai thành chương trình sản xuất vũ khí, và ông tỏ ra hài lòng với con số đó.


Theo THỤY MIÊN (TNO)

Có thể bạn quan tâm