Điểm đến Gia Lai

Vị giám đốc và dòng nhựa cao su đầu tiên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trụ sở của Nông trường Thống Nhất-nông trường “cựu” nhất của Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông gốc là văn phòng Nông trường Chư Prông xưa. Nhìn sang trụ sở mới tòa ngang dãy dọc, tôi bỗng nảy sinh ý nghĩ đượm màu hoài cổ: Giá như căn nhà này nằm trong khuôn viên của trụ sở mới, nó sẽ là chứng tích có giá trị lịch sử để minh họa thêm cho những gì được chứa đựng trong căn nhà truyền thống kia.
Sở dĩ cái ý tưởng “hoài cổ” ấy nảy ra như thế là bởi tại căn nhà này, biết bao sự kiện đã xảy ra với Công ty trong buổi đầu gian khó. Với riêng tôi cũng có một kỷ niệm khó quên: Vào một đêm mưa gió tầm tã, đâu như sau ngày thành lập nông trường độ 1-2 năm, tại căn nhà này, chúng tôi gồm mấy anh em làm báo địa phương và mấy vị lãnh đạo ngồi uống rượu. Rượu ấy chắc chẳng ai ngờ tới: Nó là mít chín ủ với men rồi vắt ra. Và mồi, ấy là… mối rang!
Tôi chưa bao giờ được thưởng thức một tiệc rượu kỳ lạ như vậy. “Tiệc” kéo dài gần nửa đêm. Chịu nhập cuộc với một sự thân tình hết mình như thế, hôm đó, chúng tôi đã được các vị thổ lộ cho nghe những khó khăn gần như là bi đát của nông trường… 
Thành lập chỉ hơn 1 năm sau ngày giải phóng, Nông trường Chư Prông là đơn vị cắm mốc đầu tiên của ngành cao su Tây Nguyên. Ngày ấy, huyện lỵ Chư Prông còn đóng ở Thanh An. Đường đến “vùng đất hứa” là lối mòn ngợp giữa hai bức tường vàng rực dã quỳ. Mênh mang một màu rừng hoang lạnh.
Hơn ba ngàn con người bắt đầu cuộc sống gần như từ một con số không. Nhà cất lên chưa ấm hơi người, sốt rét đã hoành hành. Hiểm họa mà kẻ thù để lại trong đất cũng trồi lên tác quái. Những dòng máu đã đổ trên triền đất đỏ. Rồi FULRO quấy nhiễu… Trong khi đó, về cơ chế quản lý, Nông trường trực thuộc tỉnh; nuôi người đã khó, nói gì đến nuôi cây. Công nhân vài tháng liền không lương là chuyện thường. Con đường hiện tại chưa có ánh sáng thì tương lai rồi sẽ về đâu?
Không ít người, chẳng cần một sự dằn vặt, chọn câu trả lời đơn giản là trốn khỏi cuộc sống mà họ cho là vô vọng này. Quần chúng bỏ về, đảng viên cũng có người bỏ về. Hơn ba ngàn con người ra đi hăm hở lúc đầu bỏ về gần nửa. Có người còn đốt cả nhà để về.
Ảnh minh họa: INTERNET
Ảnh minh họa (nguồn: INTERNET)
Chìa khóa để phá thế trận này chắc chắn là không thể bằng liệu pháp mệnh lệnh hay thuyết phục suông, vậy nó phải bắt đầu bằng cái gì? Bữa rượu đang vui thoắt chuyển sang không khí trầm lắng đến nặng nề. Chúng tôi, ai cũng muốn lảng ra trước câu trả lời không phải của mình mà lại quá sức mình. Bên ngoài những cơn gió đuổi nhau dồn dập…
Thời gian thấm thoắt, cây cao su trên đất này đã hơn 40 mùa thay lá. Lãnh đạo Công ty bây giờ đã là thế hệ thứ 3. Công nhân trẻ bây giờ hẳn không mấy người biết đến vị giám đốc đầu tiên của mình nhưng tôi thì nhớ: Ông là Nguyễn Cửu Tư.
Vẫn như còn trước mắt tôi cái dáng dấp cao gầy trong bộ quần áo đại cán bạc màu thường trực. Mớ tóc rậm, vầng trấn thấp vuông vức trên đôi mắt luôn cười. Quê ở Quảng Ngãi, ông Tư từng là đội viên du kích Ba Tơ. Rất giỏi võ nên từng được sung vào biệt động. Tập kết ra Bắc, ông được giao làm Bí thư Đảng ủy Nông trường Đồng Giao.
Không chỉ là một trong những nông trường quốc doanh lớn nhất miền Bắc lúc bấy giờ, Đồng Giao còn rất đông “dân” tập kết. Ông kể: “Mỗi lần đại hội hay lễ lạt, nhìn xuống cứ thấy cả hội trường đỏ rực những huân chương”. Làm lãnh đạo một đơn vị nhiều “công thần” như thế tất nhiên phải “cứng”.
Có lẽ bởi phẩm chất ấy mà ông được tin tưởng giao nhiệm vụ dẫn cả một đoàn quân ngần ấy con người tiên phong tiến quân vào vùng đất mới. Vợ con để lại ngoài Bắc nên ông một mình “cơm niêu nước lọ”. Thú vui của ông trong những lúc rảnh rỗi là sưu tầm các vị thuốc Bắc để… ai xin thì cho. Tài sản đáng giá duy nhất của ông là chiếc đồng hồ Citizen để bàn đã nứt mặt kính.
Cho mãi đến lúc chuẩn bị nghỉ hưu, ông mới xin mảnh đất gần Nông trường xây lên một căn nhà cấp bốn chừng sáu, bảy chục mét vuông. Dù vật liệu được mua theo giá cung cấp nhưng nhà làm xong cũng không đủ tiền trả, phải “cầu cứu” vợ. Người ta kể, vợ ông lúc thấy căn nhà đã nói: “Tôi tưởng anh là Giám đốc thì nhà thế nào chứ thế này thì xây làm gì cho mang tiếng!”.
Giám đốc Nguyễn Cửu Tư nghỉ hưu năm 1988 sau hơn 10 năm chống chèo trên vùng đất đầy gian khổ, nhưng lúc này dòng nhựa đầu tiên cũng đã khơi nguồn. Tôi còn nhớ, khi miếng krếp được chế biến từ chiếc lò thủ công đơn sơ, ông đã cầm lên săm soi, giọng lạc đi vì xúc động: “Bây giờ chỉ thế này thôi nhưng không lâu nữa thì sẽ khác, lúc đó xin mời anh đến xem!”. Thật đáng buồn là không được chứng kiến khoảng thời gian huy hoàng của ngành đã đành, đến lương hưu cũng chưa được lĩnh. Ông mất đột ngột trong lúc chờ sổ hưu.
Giám đốc Nguyễn Cửu Tư không phải là người nổi tiếng, cũng không có danh hiệu lớn lao gì, thế nhưng ông đủ khiến tôi phải nhớ. Ấy là một tâm hồn trong sáng và liêm khiết. Thời bao cấp, những người như ông không ít. Họ-một nửa đời đánh giặc, nửa đời còn lại đã vật lộn với bao khó khăn, gian khổ để xây nên những nền móng cho mảnh đất này. Dù có người cố tình quên thì trong cuộc sống họ cũng đã hóa thân thành trầm tích.
NGỌC TẤN

Có thể bạn quan tâm