Thời sự - Bình luận

Vì một nền nông nghiệp xanh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- Tình trạng khai thác tài nguyên thiên nhiên quá mức đã tác động tiêu cực đến môi trường, làm suy giảm đa dạng sinh học, gây ô nhiễm, làm trầm trọng tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu… kéo theo những ảnh hưởng xấu đến kinh tế-xã hội.

Để giải quyết bài toán này, xu thế tăng trưởng xanh nói chung, nông nghiệp xanh nói riêng trở thành sự lựa chọn tất yếu, là mục tiêu mọi quốc gia đang hướng tới, mà Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó.

Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã cam kết mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế về việc đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050.

Việt Nam đã xác định tăng trưởng xanh là lựa chọn dài hạn để đảm bảo cân đối hài hòa mục tiêu giảm tổng lượng phát thải khí nhà kính với sự phát triển và quy mô ngày càng tăng của nền kinh tế. Tăng trưởng xanh hướng tới sự thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội.

Vì vậy, tăng trưởng xanh thực sự phải là một quá trình chuyển biến về tư duy, nhận thức từ sản xuất, tiêu dùng đến lối sống của mỗi người, cũng như trong tư duy của những nhà hoạch định chính sách.

Đó là chính sách tăng trưởng kinh tế không gây suy thoái môi trường, biến đổi khí hậu bằng việc tối đa hóa hiệu quả của tài nguyên thiên nhiên mà đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường qua việc sử dụng phương pháp sản xuất sạch hơn, tái chế tái sử dụng có hiệu quả; tăng trưởng về môi trường tạo động cơ và nền tảng để tăng trưởng kinh tế, không chỉ quan tâm đến bảo vệ môi trường mà còn cần tạo điều kiện để phát triển.

Với nỗ lực xây dựng nền kinh tế xanh, giảm phát thải cũng như thực thi các cam kết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050; Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050… nhằm hướng đến thúc đẩy nền nông nghiệp thân thiện với môi trường, carbon thấp, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tại các địa phương, nhiều mô hình nông nghiệp xanh đã và đang trong quá trình chuyển đổi như chương trình quản lý dịch hại tổng hợp IPM, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo “4 đúng”, bón phân “3 giảm, 3 tăng,” “1 phải, 5 giảm”, kỹ thuật tưới nông-lộ-phơi”... Hay như mô hình lúa-tôm, lúa-cá… ở đồng bằng sông Cửu Long không chỉ nâng cao giá trị cho sản xuất mà còn giúp giải quyết vấn đề giảm phát thải khí nhà kính, xây dựng nền nông nghiệp xanh, bền vững.

Đây là hướng đi mới, phù hợp với thị trường khi nhiều quốc gia trên thế giới khuyến khích, ưu tiên nhập khẩu các sản phẩm sinh thái, sản phẩm hữu cơ. Người tiêu dùng châu Âu sẵn sàng trả giá cao cho các sản phẩm nông nghiệp bền vững.

Nhiều mô hình sản xuất cây ăn quả sạch được ngành nông nghiệp và nông dân áp dụng ở Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long, Sơn La, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang… đang dần hình thành những vùng cây ăn quả an toàn, đạt chất lượng xuất khẩu như: nhãn, vải, xoài, thanh long… nhất là sầu riêng-loại “trái cây vua” đang mang lại cho ngành xuất khẩu nông sản Việt Nam một triển vọng rất lớn trong tương lai.

Việt Nam hiện có gần 100 doanh nghiệp sản xuất hữu cơ, trong đó, 60 doanh nghiệp xuất khẩu với kim ngạch khoảng 335 triệu USD/năm. Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ Việt Nam được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đi 180 nước trên thế giới gồm: Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Anh, Hàn Quốc, Nga, Singapore, Pháp, Bỉ, Hà Lan, Italy…

Chúng ta đã tham gia và đang đàm phán 19 hiệp định thương mại tự do (FTA). Đây là cơ hội lớn cho xuất khẩu nông-lâm-thủy sản của Việt Nam, nhất là những sản phẩm hữu cơ, thân thiện với môi trường.

Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh ở đồng bằng sông Cửu Long và nhiều đề án khác trong lĩnh vực nông nghiệp được Chính phủ triển khai thực hiện sẽ góp phần hiện thực hóa mục tiêu thích ứng biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính theo lộ trình thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế, để Việt Nam thành quốc gia có nền kinh tế xanh, bền vững.

Có thể bạn quan tâm