Giáo dục

Tuyển sinh

Vì sao các khóa nghề ngắn hạn thu hút người học?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sau dịch Covid-19, thị trường lao động có nhiều biến đổi nên không ít người đã bỏ nghề cũ, chọn học những khóa nghề ngắn hạn để tìm kiếm cơ hội công việc mới.

Trước dịch Covid-19, chị Nguyễn Thị Phúc (30 tuổi), quê ở huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận), làm nhân viên bán hàng cho một công ty giày dép, sau đó làm giáo viên ở một trường mầm non ngoài công lập. Công việc vất vả mà lương lại thấp, đến khi xảy ra dịch, trẻ không đến trường, chị Phúc bị cho nghỉ việc. Suốt thời gian dài không có thu nhập, chị nghĩ mình phải tìm kiếm một công việc mới.

Bếp là một trong những nghề thu hút người lao động theo học để chuyển đổi nghề nghiệp.

Bếp là một trong những nghề thu hút người lao động theo học để chuyển đổi nghề nghiệp.

"Thời gian gần đây, du lịch phục hồi và phát triển mạnh mẽ, lượng khách đi tham quan du lịch các địa điểm trong nước ngày càng đông, trong đó có đảo Phú Quý quê tôi. Gia đình tôi thấy tiềm năng nên quyết định xây một khách sạn nhỏ để phục vụ khách đến đảo. Chính vì vậy tôi cũng quyết định đi học một khóa ngắn hạn về quản lý nhà hàng - khách sạn tại Trường trung cấp nghề Việt Giao để có kiến thức về quê phát triển kinh doanh", chị Phúc chia sẻ.

Theo chị Phúc, trước đây chị hoàn toàn không biết gì về lĩnh vực nhà hàng - khách sạn, sau khi học khóa 3 tháng, chị đã tiếp thu được nhiều kiến thức, kỹ năng về việc làm du lịch và thu hút khách.

Trong khi đó, chị Mai Thị Dương (Q.Gò Vấp, TP.HCM) trước đây làm về nhà hàng - khách sạn, nhưng thời điểm ngay sau dịch việc kinh doanh gặp nhiều khó khăn, đến khi du lịch phục hồi, chị Dương cảm thấy mệt mỏi nên quyết định chuyển nghề. "Tôi đăng ký học kế toán tại Trường trung cấp Bách khoa TP.HCM. Sau khi tốt nghiệp, tôi về làm kế toán cho một công ty xe máy. Bạn bè tôi nhiều người cũng vì ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 mà đi học nghề khác để tìm kiếm công việc mới như tôi", chị Dương cho hay.

Trao đổi về vấn đề này, thạc sĩ Đặng Văn Sáng, Hiệu trưởng Trường trung cấp Bách khoa TP.HCM, thông tin: "Trong 2 năm trở lại đây, rất nhiều người đi đăng ký học trung cấp hoặc khóa học ngắn hạn tại các trường hoặc trung tâm giáo dục nghề nghiệp để chuyển sang một công việc mới, do bị mất việc hoặc công việc cũng không còn có thu nhập như ý. Tại trường, ngành y sĩ có tới hơn 50% học viên là những người đã từng có công việc khác".

Tại trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành, ngành thẩm mỹ thu hút nhiều người lao động học sau dịch Covid-19. Ông Hoàng Quốc Long, Hiệu trưởng của trường, chia sẻ: "Nhiều bạn trước làm công ty may bị mất việc, đến trường đăng ký học nghề chăm sóc da, làm móng trong 3-6 tháng. Tỷ lệ có việc làm gần như 100% vì nhu cầu của ngành này đang rất cao".

Tương tự, ngành chăm sóc sắc đẹp Trường trung cấp Khôi Việt cũng thu hút nhiều học viên lựa chọn để chuyển đổi nghề nghiệp sau những tác động của dịch Covid-19. "Bên cạnh đó là nghề nấu ăn. Các em chỉ học từ 3-6 tháng là ra có việc làm ngay, với mức lương từ 5-7 triệu đồng/tháng", ông Trần Thành Đức, Hiệu trưởng Trường trung cấp Khôi Việt, thông tin.

Trong khi đó, nghề bếp, buồng, quản lý nhà hàng - khách sạn tại Trường trung cấp nghề Việt Giao cũng là điểm đến của người lao động muốn chuyển nghề. Ông Trần Phương, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: "Các tour du lịch, nhà hàng, khách sạn, homestay đang được mở rất nhiều, kèm theo đó là dịch vụ lưu trú, ăn uống để phục vụ du khách nên nhiều người đăng ký học khóa ngắn hạn nghề bếp, buồng, phòng, quản lý nhà hàng - khách sạn".

Có thể bạn quan tâm