Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Quốc phòng

Vì sao Đà Nẵng chọn là điểm ghé thăm của siêu tàu sân bay Mỹ?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đà Nẵng là một trong số ít thành phố có cảng quy mô tiếp đón tàu sân bay khổng lồ USS Carl Vinson, thuận tiện tổ chức hoạt động giao lưu giữa thủy thủ Mỹ và người dân địa phương.
USS Carl Vinson chở theo 90 máy bay các loại, hoạt động như căn cứ không quân di động. Ảnh: AFP.
USS Carl Vinson chở theo 90 máy bay các loại, hoạt động như căn cứ không quân di động. Ảnh: AFP.
Siêu tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson với chiều dài 333 m, lượng giãn nước 100.000 tấn và chở theo thủy thủ đoàn gần 6.000 người nên chỉ có hai địa điểm ở Việt Nam đủ khả năng đáp ứng tiếp đón nó là cảng Tiên Sa ở Đà Nẵng và quân cảng Cam Ranh.
Giáo sư Carl Thayer (Học viện Quốc phòng Australia) nhận định: “Trong chuyến thăm của tàu USS Carl Vinson lần này, phía Mỹ muốn tham gia một số hoạt động giao lưu cùng người dân địa phương. Với những kế hoạch như vậy nhưng cảng Cam Ranh lại tương đối biệt lập”.
Do vậy, ông Thayer cho rằng Đà Nẵng được chọn vì các lý do: tàu có thể cập cảng Tiên Sa (so với khi nó ghé thăm Philippines hồi tháng 2 thì phải đậu cách bờ biển nước này 10 km), các hoạt động giao lưu dân sự và thể thao có thể tổ chức ở những địa điểm gần đó; các thủy thủ Mỹ có thể rời tàu và lên đất liền, khám phá một thành phố lớn của Việt Nam.
Nhân chuyến thăm Đà Nẵng dịp này, các thủy thủ của tàu USS Carl Vinson sẽ tham gia những hoạt động giao lưu với người dân địa phương như biểu diễn âm nhạc ở Cầu Rồng, giao lưu bóng đá và bóng rổ, thăm trung tâm chăm sóc bệnh nhân tâm thần, thăm làng trẻ SOS…
“Một lý do khác là Đà Nẵng đã vốn quen thuộc với người Mỹ”, ông Thayer nói với Zing.vn.
Trong khi đó, Giáo sư James Holmes (Đại học Hải chiến Mỹ) nói việc lựa chọn cảng Tiên Sa là một bước đi thận trọng, thăm dò của các bên, bởi vì “cảng Cam Ranh hàm chứa nhiều ý nghĩa biểu tượng hơn cả so với cảng Tiên Sa”.
“Hãy bắt đầu từng bước một, xem sự kiện này diễn ra như thế nào và được các bên đánh giá ra sao. Nếu chuyến thăm lần này thành công thì mới tiến đến những kế hoạch tham vọng hơn trong tương lai. Đi từng bước như vậy sẽ giúp điều chỉnh phương pháp tiếp cận hiệu quả để tránh phản tác dụng”, ông Holmes nói.
Cảng Tiên Sa ở Đà Nẵng từng đón tiếp nhiều đợt ghé thăm không chỉ của các tàu chiến Mỹ và từ nhiều nước khác. Tuy nhiên, theo quan sát của nhà khoa học chính trị Nga Grigory Lokshin trên trang Sputnik, truyền thông Mỹ đăng tải thông tin về chuyến thăm của tàu sân bay USS Carl Vinson đến Việt Nam lần này với “quy mô lớn chưa từng thấy”.
Sự quan tâm lớn này được cho là điều dễ hiểu. “Tàu sân bay chính là biểu tượng của sức mạnh hải quân. Tàu khu trục cũng là một tàu chiến hùng mạnh, nhưng những ý nghĩa tác động của nó chỉ bằng 1/10 so với một tàu sân bay. Một tàu sân bay lớn chính là ao ước của tất cả các lực lượng hải quân, thể hiện những hào quang và sự danh giá mà không tàu chiến nào sánh bằng”, Giáo sư James Holmes nhận định.
Việc kiểm tra, giám sát và bảo vệ đoàn tàu sân bay của Hải quân Mỹ sẽ được thực hiện theo đúng quy trình của pháp luật Việt Nam và công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Vùng 3 Hải quân, Công an thành phố, Hải quan, Cảng vụ Hàng hải và các cơ quan chức năng nhằm nâng cao sức mạnh tổng hợp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Đội tàu sân bay của Mỹ gồm tàu sân bay giữ vai trò điều phối hoạt động tác chiến, tuần dương hạm, tàu khu trục, tàu ngầm hạt nhân và các tàu hậu cần.
Minh Anh (zing)

Có thể bạn quan tâm