Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Quốc phòng

Vì sao MiG-17 Việt Nam là "ác mộng" của Không quân Mỹ một thời?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Từng có một thời gian MiG-17 bị xem là lạc hậu, không đủ khả năng tác chiến trong môi trường chiến đấu hiện đại, nhưng dưới sự điều khiển và bản lĩnh phi thường của các phi công Việt Nam, dòng tiêm kích này đã lập nên những kỳ tích khi diệt gọn hàng loạt chiến đấu cơ hiện đại nhất của Mỹ những năm 70 của thế kỷ trước.
 
Tiêm kích MiG-17 là một phiên bản nâng cấp của MiG-15 nhưng được thiết kế để khắc phục các điểm yếu của dòng tiêm kích MiG-15 khi bay ở tốc độ lớn. MiG-17 được sản xất hàng loạt từ năm 1951.
 
Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Bảy là một trong 19 phi công Việt Nam đạt đẳng cấp Ace (danh hiệu có từ Thế chiến II dành cho những phi công quân sự hạ từ 5 máy bay đối phương trở lên). Ông cũng là một trong ba người đạt đẳng cấp Ace chỉ với tiêm kích MiG-17, mẫu chiến đấu cơ bị đánh giá là kém xa những máy bay hiện đại F-4 Phantom II và F-105 Thunderchief của Mỹ thời bấy giờ.
 
MiG-17 được Nga thiết kế nhằm thực hiện nhiệm vụ đánh chặn, tuy nhiên với sự ra đời của hàng loạt máy bay ném bom tốc độ cao của Mỹ thời điểm đó là B-58 Hustler, FB-111... khiến MiG-17 trở nên lạc hậu. Nga lập tức phát triển các máy bay tiêm kích siêu âm MiG-21 và MiG-23 để khoả lấp khoảng trống mà MiG-17 để lại.
 
Tuy nhiên, khi có mặt ở Việt Nam, dưới sự điều khiển và bản lĩnh phi thường của các phi công Việt Nam, MiG-17 đã lập nên những kỳ tích khi diệt gọn hàng loạt chiến đấu cơ hiện đại nhất của Mỹ thời bấy giờ.
 
Tình báo Mỹ biết trước sự hiện diện của MiG-17 tại Việt Nam nhưng giới chức quân sự nước này vẫn choáng váng khi chứng kiến các chiến đấu cơ uy lực F-8E và F-105 bị phi công lái MiG-17 bắn rơi.
 
Trong ảnh là chiếc MiG-17 Việt Nam mang số hiệu 2047 tại Bảo tàng Phòng không-Không quân (Hà Nội). Ngày 19/4/1972, ông Nguyễn Văn Bảy B (Bảy B) (quê ở xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước, tỉnh Bạc Liêu) cùng với phi công Lê Xuân Dị đã điều khiển máy bay này và ném bom trúng tàu khu trục Hibi đang đậu ở ngoài khơi Đồng Hới để pháo kích Đồng Hới. Ông Bảy B hi sinh trên bầu trời Thanh Hóa. Năm 1994, ông Bảy B được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
 
Cần phải nói thêm, Không quân Nhân dân Việt Nam thời kỳ Kháng chiến chống Mỹ có hai phi công chiến đấu lái loại MiG-17 đều có tên là Nguyễn Văn Bảy. Để phân biệt người ta thường gọi là Bảy A và Bảy B. Đại tá phi công Nguyễn Văn Bảy, người từng điều khiển tiêm kích MiG-17 bắn rơi 7 máy bay Mỹ, qua đời ngày 22/9/2019, được gọi là Bảy A.
 
Tiêm kích MiG-17 được Liên Xô viện trợ cho Việt Nam trong giai đoạn đầu chiến tranh là bản MiG-17F sử dụng động cơ phản lực Klimov VK-1 có chế độ đốt tăng lực, đạt tốc độ tối đa 1.200 km/h ở độ cao 5.000 m.
 
Theo các chuyên gia quân sự đánh giá, máy bay tiêm kích dưới tốc độ âm thanh này (vận tốc tối đa là 0.93 Mach) được sử dụng có hiệu quả nhất trong đối đầu với các máy bay tiêm kích-ném bom nặng nề, bay chậm (0.6-0.8 Mach) của Mỹ, như B-50 hay B-36 (cả hai loại máy bay này đều trang bị động cơ piston).
 
MiG-17F không được trang bị radar và không có tên lửa đối không, vũ khí chỉ gồm một pháo N-37D cỡ 37 mm với 40 viên đạn và hai pháo NR-23 cỡ 23 mm, mỗi khẩu mang theo 80 viên đạn.
 
Cánh và đuôi của máy bay MiG này được thiết kế lại để tăng tính ổn định cho máy bay và khả năng điều khiển máy bay ở tốc độ nhanh gần Mach 1 (tốc độ âm thanh).
 
36 chiếc MiG-17F đầu tiên của Việt Nam được biên chế cho Trung đoàn tiêm kích 921 (Đoàn Sao đỏ) vào ngày 3/2/1964.
 
Không quân Việt Nam nhận bàn giao khoảng hơn 90 tiêm kích MiG-17 trong chiến tranh, 30 máy bay vẫn được sử dụng tới năm 1980.
 
Chiếc MiG-17 cuối cùng được loại biên không lâu sau đó.
 
Trong một bài viết trên trang History Net, Carl O. Schuster, cựu sĩ quan hải quân Mỹ, đánh giá: MiG-17 có tác động lớn với Mỹ cả về mặt công nghệ và tác chiến. Nó buộc các chỉ huy phải thay đổi chiến thuật, tới mức vượt xa kỳ vọng với một nhóm nhỏ tiêm kích cổ lỗ như vậy. Mọi tiêm kích Mỹ ra đời sau năm 1965 đều trang bị pháo để cận chiến.
 
Sau hàng chục năm, giới chức quân sự Mỹ vẫn thừa nhận, MiG-17 có thể coi là tiêm kích gây tác động lớn nhất với thiết kế chiến đấu cơ Mỹ sau cuộc chiến tại Việt Nam.
Doanh nghiệp Việt Nam (Theo Hoàng Mạnh Thắng/Tiền phong)

Có thể bạn quan tâm