Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Vì sao một thời dân Tây Sơn không nuôi ngựa bạch?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Một đoạn của dãy Trường Sơn trên đất Bình Định, làm ranh giới tự nhiên giữa Gia Lai và Bình Định. Dải đất phía đông của đoạn núi đó là vùng Tây Sơn hạ đạo (nay là huyện Tây Sơn, Bình Định) - quê hương của Tây Sơn.

 

Đàn tế trời đất trên đỉnh Ấn Sơn.ẢNH: Hoàng Trọng
Đàn tế trời đất trên đỉnh Ấn Sơn.Ảnh: Hoàng Trọng


Địa thế kỳ tuyệt của hòn Hoành Sơn

Trong vùng Tây Sơn hạ đạo, núi Ngang - hòn Hoành Sơn - nằm ở phía tây thôn Trinh Tường, quận Bình Khê xưa - nay thuộc xã Bình Tường, huyện Tây Sơn, Bình Định. Đây là một ngọn núi không cao (chỉ khoảng 364 m) chạy dài theo hướng bắc - nam.

Từ lâu, giới phong thủy đánh giá vùng Hoành Sơn này là một địa thế kỳ tuyệt, đại địa, những ngọn núi, gò đống xung quanh nó tạo nên những chi tiết bổ khuyết tuyệt vời: nào bút - nghiên, nào ấn - kiếm, nào chuông - trống, được sắp đặt hai bên tả, hữu; phía trước mặt nổi lên các gò đống lô nhô đá như đội quân bảo vệ.

Bút - ở về phía bắc - tức là hòn Trưng Sơn ở thôn Phú Lạc bên tả ngạn sông Côn, núi không cao nhưng có đỉnh vun nhọn lên như ngòi bút viết lên mây. Nghiên - ở về phía nam - tức là hòn Hợi Sơn (hay hòn Dũng/Vũng) bởi trên núi có một vũng nước sâu, giới bình dân mới nhân đó gọi là hòn Vũng, còn giới văn nhân thì gọi là hòn Nghiên. Từ Hoành Sơn nhìn về trước mặt (hướng đông), hòn Bút bên tả, hòn Nghiên bên hữu, hơi nhích lên phía trước một chút.

Sát chân Hoành Sơn, phía bắc có hòn Một, phía nam có hòn Giải - hai hòn núi nhỏ đứng song song ngay trước Hoành Sơn - người xưa gọi hòn Một là Chung Sơn, tức hòn Chuông; còn hòn Giải gọi là Cổ Sơn, tức hòn Trống. Tuy nhiên ở phía Phú Phong nhìn lại, hòn Giải hơi vuông nên nó còn có tên Ấn Sơn. Lại có một núi dài mà thấp ở phía đông (mặt trước của Hoành Sơn), được gọi là Kiếm Sơn (hòn Kiếm). Đằng trước hòn Kiếm, về phía đông còn nổi lên một hòn núi thấp, có dáng con hổ nằm, ngóc đầu trông về Hoành Sơn, gọi là hòn Ông Đốc - nơi sườn phía bắc có ngôi chùa Thiên Tôn.

Hai nhánh sông, gồm sông Côn phía tây bắc chảy xuống, gặp sông Đá Hàn chếch phía tây nam chảy lên gặp nhau ở Phú Phong, ôm một vòng phía trước Hoành Sơn. Thế sông, thế núi tạo thành cuộc đất “long bàn hổ cứ” vô cùng hiểm yếu.


 

Án thờ trời đất trên đỉnh Ấn Sơn, sau lưng là đỉnh Hoành Sơn. ẢNH: HOÀNG TRỌNG
Án thờ trời đất trên đỉnh Ấn Sơn, sau lưng là đỉnh Hoành Sơn. Ảnh: Hoàng Trọng



Tương truyền, ông Hồ Phi Phúc - cha của ba anh em Tây Sơn - được ông Nhạc táng ở cuộc đất tốt trong Hoành Sơn, nên vượng khí của anh em Tây Sơn phát rất mạnh mẽ, mở ra cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, đập tan cả hai tập đoàn chúa Trịnh ở Đàng Ngoài và chúa Nguyễn ở Đàng Trong.

Truyền thuyết “bạch mã hiện hình” trên núi Hoành Sơn

guyễn Nhạc lên ngôi vua năm 1778, lấy niên hiệu là Thái Đức. Ông và em ông là vua Quang Trung Nguyễn Huệ, làm vua khi đất nước còn chiến loạn. Quang Trung mất đột ngột năm 1792, khiến cho cái thế của nhà Tây Sơn, gồm cả ngoài Phú Xuân lẫn trong Bình Định bỗng trở nên yếu hẳn so với thế của nhà cựu Nguyễn đang trỗi dậy mạnh mẽ ở phía Nam. Nguyễn Nhạc chắc chắn cũng đã tính đến sự đảm bảo bí mật nơi yên nghỉ của mình sau này.

Sau khi vua Thái Đức Nguyễn Nhạc mất (năm 1793) không ai biết ông được chôn cất ở chỗ nào, mặc dù dân gian vẫn truyền rằng di thể của đức vua được đưa về an nghỉ ở một nơi bí mật ở cố hương.

Cho tới những năm nửa cuối thế kỷ 20, dân quanh vùng vẫn tin rằng Nguyễn Nhạc được chôn cất đâu đó trong vùng Hoành Sơn, dựa trên truyền thuyết về con ngựa trắng của ông.

Truyền thuyết nói rằng vua Thái Đức có một con ngựa chiến rất tốt, cao lớn như ngựa Bắc Thảo, lông trắng như tuyết và đuôi mịn như tơ, được nhà vua rất mực yêu quý. Sau khi vua Thái Đức mất, con ngựa bạch sổ chuồng chạy mất. Thời gian sau đó, vào các buổi chiều, người dân vùng Hoành Sơn lại thấy bóng con ngựa bạch khi thì ở dưới chân núi, khi thì ở trên đỉnh núi, cất tiếng hí não nùng.

Sách Nước non Bình Định (tác giả Quách Tấn, Nam Cường xuất bản 1967, mục “Núi Ngang”) viết: “Mọi người đều tin rằng đó là con bạch mã, hoặc là hồn thiêng con bạch mã của vua Thái Đức. Vì tôn trọng nhà vua người trong ấp Tây Sơn không một ai nuôi ngựa trắng.”

Sách đã dẫn cũng lý giải: “Vì sao thấy ngựa trắng hiện hình lại đoán rằng lăng mộ vua Thái Đức táng nơi Núi Ngang? Là vì ngựa vốn giống vật rất khôn và có nghĩa. Nhiều con, chủ chết, bỏ ăn bỏ uống ra mả nằm chết theo. Lắm con không chết theo, nhưng thỉnh thoảng tìm đến thăm mả chủ và cất tiếng hí thê lương. Nếu ngọc cốt của nhà vua không an táng nơi Hoành Sơn thì sao con ngựa - hay hồn ngựa - của nhà vua lại tìm đến”.


Người địa phương truyền đời nhau rằng, gần 100 năm sau, tận thời anh hùng Mai Xuân Thưởng dấy nghĩa Cần Vương ở đất Tây Sơn (1885 - 1887), bạch mã vẫn còn xuất hiện ở Hoành Sơn.
 

Theo Nam Hoa (TNO)

Có thể bạn quan tâm