Pháp luật

Góc cảnh báo / Chống tin giả

Vì sao nhiều người mất hàng trăm triệu đồng chỉ sau một cuộc điện thoại?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Các đối tượng giả danh cán bộ công an, VKSND, TAND đã nắm một số thông tin cá nhân của bị hại. Sau đó, gọi điện thoại đọc vanh vách khiến bị hại lo lắng, tưởng thật nên cung cấp mật khẩu tài khoản ngân hàng, mã OTP thì bị chiếm đoạt.

Đây là thủ đoạn không mới và đã được các cơ quan chức năng tuyên truyền cảnh báo nhưng hiện nay rất nhiều người vẫn mắc bẫy và bị kẻ gian lừa đảo chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.

Chiêu bài cũ, nhiều người "dính"

Công an TP Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế vừa mới tiếp nhận trình báo của chị Nguyễn Thị N. (SN 1982; trú tại phường Xuân Phú, TP Huế) về việc bị một đối tượng giả danh công an lừa đảo, chiếm đoạt số tiền 220 triệu đồng.

Trình báo với cơ quan công an, chị N. cho biết sự việc xảy ra vào ngày 4-9. Khi đó chị nhận cuộc gọi điện thoại của một người tự xưng là cán bộ công an. "Người này đe dọa tôi đang liên quan đến một vụ án hình sự nên yêu cầu phối hợp điều tra, nếu không hợp tác sẽ cho người đến bắt giữ"-chị N. thuật lại.

Lúc này chị N. lo lắng và cố giải thích không liên quan gì đến vụ án. Khi đó, vị "cán bộ" công an ở đầu dây bên kia lập tức trấn an chị N. rằng có thể tài khoản ngân hàng của chị bị nhân viên ngân hàng sử dụng để phạm tội. "Nếu chị không vi phạm gì thì chúng tôi sẽ làm rõ và bảo vệ chị" – đối tượng quả quyết.

Chị N. (bìa phải) trình báo với công an mình bị lừa mất 220 triệu đồng. Ảnh: Công an cung cấp.

Chị N. (bìa phải) trình báo với công an mình bị lừa mất 220 triệu đồng. Ảnh: Công an cung cấp.

Tiếp đó, vị "cán bộ" này yêu cầu chị N. ngay lập tức phải vào ứng dụng Internet Banking trên điện thoại di động để đổi mật khẩu ngân hàng. "Đối tượng này hướng dẫn, cung cấp cho tôi một mật khẩu mới. Yêu cầu tôi kê khai tài sản, chuyển hết vào trong tài khoản của mình vừa mới đổi mật khẩu để họ bảo vệ" – chị N. tường trình.

Không một chút nghi ngờ, chị N. ngay lập tức rút tiền tiết kiệm chuyển vào tài khoản và cùng với số tiền sẵn có, tổng cộng gần 220 triệu đồng thì trong phút chốc tất cả "bốc hơi". Sau 10 ngày số tiền không được trả lại, chị N. mới vỡ lẽ rằng mình đã bị đối tượng giả danh công an lừa.

Tương tự trường hợp của chị N., ngày 6-9, anh Đặng Văn Đ. (SN 1983; trú tại phường An Hòa, TP Huế) bị một kẻ giả danh cán bộ công an thông báo anh Đ. liên quan đến một vụ án ma túy. Đối tượng này yêu cầu anh Đ. kê khai tài sản và tiền trong tài khoản, rồi chuyển tất cả vào trong tài khoản. Đối tượng yêu cầu anh Đ. làm theo hướng dẫn, cung cấp mật khẩu ngân hàng, mã OTP thì bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt 324 triệu đồng.

Còn ông Nguyễn Văn H. (SN 1956; trú tại phường Phường Đúc, TP Huế) bị các đối tượng giả danh công an, VKSND thông báo thông tin ngân hàng của anh H. bị kẻ gian lợi dụng hoạt động phạm pháp. Yêu cầu ông H. kê khai tài sản, chuyển hết tiền vào trong tài khoản ngân hàng của anh H. "Chúng yêu cầu tôi làm theo hướng dẫn, cung cấp mật khẩu thì bị lừa đảo chiếm đoạt hơn 400 triệu đồng" – ông H. tường trình.

3 dấu hiệu nhận biết sự lừa đảo qua điện thoại

Trung tá Lê Ngọc Minh, Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội - Công an TP Huế, cho biết thủ đoạn của loại tội phạm này là nắm được một số thông tin cơ bản như họ tên, năm sinh, số căn cước công dân, địa chỉ, số điện thoại, nơi mở thẻ ngân hàng của bị hại... "Khi bọn chúng gọi điện thoại cho bị hại thông báo liên quan đến vụ án thì đọc đúng chính xác những thông tin này làm cho bị hại lo lắng và tưởng đó là người của công an, VKSND, TAND thật.

Một đối tượng lừa đảo công nghệ cao bằng hình thức Hackface bị bắt. Ảnh: Cơ quan công an cung cấp.
Một đối tượng lừa đảo công nghệ cao bằng hình thức Hackface bị bắt. Ảnh: Cơ quan công an cung cấp.

Đặc biệt, chúng dùng lời lẽ đe dọa, sử dụng kịch bản làm bị hại cuốn theo chúng, yêu cầu bị hại không tiết lộ thông tin chúng đang gọi vì đó là chuyên án nếu lộ lọt chuyên án thị bị hại sẽ chịu trách nhiệm nhằm mục đích tránh mọi người biết để tư vấn cho bị hại. Thậm chí các đối tượng dặn bị hại khi rút tiền hoặc chuyển tiền cho bọn chúng thì nhân viên ngân hàng có hỏi thì nói giải quyết việc gia đình" – trung tá Minh nhấn mạnh.

Dấu hiệu dễ nhận biết hành vi lừa đảo đối với chiêu thức này là gì? Theo trung tá Lê Ngọc Minh, thứ nhất, các cơ quan nhà nước, đặc biệt là công an không giải quyết các vụ án qua điện thoại. Thứ hai, không bao giờ yêu cầu người liên quan vụ án, vụ việc đang điều tra, xử lý phải chuyển tiền vào tài khoản để công an nắm và bảo vệ tiền. Thứ ba là cơ quan chức năng không bao giờ yêu cầu người liên quan cung cấp mật khẩu thẻ tín dụng, mã OTP… Đây là những thông tin bí mật nếu các đối tượng nắm được sẽ chiếm đoạt được tài sản trong thẻ tín dụng…

Hiện nay, khoa học, công nghệ phát triển mạnh mẽ, tội phạm công nghệ cao không ngừng lợi dụng người dân thiếu kiến thức và sơ hở trong quá trình sử dụng mạng Internet, mạng viễn thông, tài khoản ngân hàng và các App tín dụng.... để hoạt động phạm tội. "Nếu không muốn bị chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng thì tuyệt đối không cung cấp mật khẩu tài khoản ngân hàng, mã OTP cho bất kỳ ai" - Công an thành phố Huế khuyến nghị.

Ra ngân hàng chuyển tiền bảo lãnh sau một cuộc điện thoại

Ngày 8-9, ông Đ. H. (SN 1965; trú xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) bị đối tượng giả danh "Cơ quan công an" thông báo hành vi vi phạm pháp luật để đe dọa tiến hành bắt tạm giam nếu không đặt 15 triệu đồng tiền bảo lãnh. Vì thiếu hiểu biết và hoảng sợ, ông H. đã đi vay mượn, chuẩn bị đủ 15 triệu đồng rồi đến ngân hàng chuyển vào tài khoản của đối tượng gọi điện. May mắn cho ông H. là sự việc được Công an xã Quảng An (Quảng Điền) phát hiện, giải thích về hành vi lừa đảo nên người này không bị mất oan 15 triệu đồng.

Có thể bạn quan tâm