Khoa học - Công nghệ

Xe 360

Vì sao nhiều sinh viên muốn sở hữu biển số xe Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thông tư 58/2020/TT-BCA có hiệu lực từ 1.8 sẽ bỏ thẻ học viên, thẻ sinh viên, giấy giới thiệu của nhà trường ra khỏi hồ sơ đăng ký xe. Điều này khiến không ít học sinh, sinh viên ngoại tỉnh tiếc nuối vì không còn cơ hội sở hữu biển số xe Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.
Hiện nay, Thông tư số 15/2014/BCA của Bộ Công an về đăng ký xe (có hiệu lực từ 1.6.2014 đến 31.7.2020) cho phép học viên, sinh viên có thể đăng ký xe tại nơi mình đang theo học.
Do vậy, không ít sinh viên ngoại tỉnh đã đăng ký xe biển Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh bằng thẻ học viên, sinh viên, giấy giới thiệu của nhà trường.

Từ 1.8, sinh viên ngoại tỉnh không được đăng ký xe biển Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Tạ Quang.
Từ 1.8, sinh viên ngoại tỉnh không được đăng ký xe biển Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Tạ Quang.
Tuy nhiên, ngày 1.8 tới đây, quy định trên sẽ không còn hiệu lực do Thông tư 58/2020/TT-BCA thay thế. Điều này đồng nghĩa với việc sinh viên, học sinh ngoại tỉnh không còn được đăng ký xe biển Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh như trước đây.
Tỏ ra tiếc nuối, bạn Lê Quang Đức (đến từ Thanh Hóa, sinh viên trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) cho rằng, nhiều sinh viên theo học trên thành phố đều muốn sở hữu chiếc xe cá nhân có biển số Hà Nội, vì sẽ hạn chế được một số phiền phức.
“Không ít lần mình nghe được những lời phán xét về việc thành phố chật chội là do người ngoại tỉnh đổ về Thủ đô, đường tắc do quá nhiều xe biển tỉnh lẻ. Thậm chí, khi tham gia giao thông, lực lượng chức năng cũng thường xuyên kiểm tra những phương tiện không đăng ký tại Hà Nội”, bạn Đức phân trần.
Tuy nhiên, sinh viên này cũng ủng hộ quy định mới vì sẽ giúp người dân thay đổi thói quen sử dụng xe cá nhân sang phương tiện công cộng, đồng thời giảm tải mật độ giao thông và hạn chế khí thải ra môi trường.
Cũng đến từ Thanh Hóa, bạn Lê Đức Huy (sinh năm 2000, sinh viên trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) chia sẻ, vì ở với cô chú có hộ khẩu tại Hà Nội, nên bản thân cũng sở hữu một chiếc xe cá nhân có biển số của Thủ đô.
Theo sinh viên này, Thông tư mới có hiệu lực sẽ gây thiệt thòi cho nhiều bạn sinh viên khóa sau. Bởi cơ hội sở hữu biển số xe Hà Nội sẽ rất khó khăn.
“Có người dùng thẻ sinh viên hoặc nhờ người có hộ khẩu Hà Nội đứng tên để đăng ký biển số, vì thủ tục nhanh hơn nhiều so với về quê đăng ký. Bên cạnh đó, sở hữu biển Hà Nội cũng được cho là thuận tiện hơn trong công việc, học tập hay đi lại”, bạn Huy cho biết.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Nghĩa (luật gia thuộc đoàn luật sư TP. Hà Nội) nhận định, Thông tư 58/2020/TT-BCA được ban hành sẽ hạn chế việc sở hữu biển Hà Nội đối với những đối tượng là học sinh, sinh viên khi lược bỏ giấy giới thiệu nhà trường trong thành phần hồ sơ.
Theo ông Nghĩa, mục đích nhiều bạn muốn sở hữu biển số Hà Nội vì cho rằng sẽ dễ dàng lưu thông khi không chịu sự chú ý từ lực lượng chức năng hay một số tự ti vì tỉnh lẻ, chịu sự kỳ thị khi đi lại.
“Tuy nhiên, đây chỉ là những suy luận chủ quan, thiếu logic và không có căn cứ. Chưa có số liệu nào nói sự đối xử hay mức xử phạt của lực lượng chức năng sẽ cao hơn khi không sở hữu biển số tại nơi mình lưu thông”, ông Nghĩa nói.
Ông Nghĩa cho rằng, quy định mới có những điểm tích cực như giảm tải lưu trữ các hồ sơ về đăng ký xe, giảm thuế phí cho người đăng ký xe tại những thành phố không trực thuộc trung ương, khuyến khích sử dụng phương tiện công cộng.
Ngoài ra, cũng có cách để sở hữu xe biển Hà Nội, đây cũng là mặt tích cực của Thông tư mới khi khuyến khích người dân cố gắng sở hữu nhà, công ty tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh để có hộ khẩu và đứng tên một cách chính thức.
TÙNG GIANG - TẠ QUANG (LĐO)
https://laodong.vn/xe/vi-sao-nhieu-sinh-vien-muon-so-huu-bien-so-xe-ha-noi-tp-ho-chi-minh-818728.ldo

Có thể bạn quan tâm