(GLO)- Huyện Ia Pa vừa bị Ban Chỉ đạo phòng-chống Covid-19 tỉnh Gia Lai “điểm mặt chỉ tên” khi có tỷ lệ tiêm vắc xin phòng Covid-19 thấp nhất tỉnh. Do vậy, hệ thống chính trị của huyện đang nỗ lực bằng nhiều biện pháp để “phủ” vắc xin cho người dân.
Cản ngại từ nhận thức
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC Gia Lai), tính đến ngày 3-4, huyện Ia Pa có tỷ lệ tiêm vắc xin phòng Covid-19 thấp nhất trong các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh. Cụ thể, với đối tượng trên 18 tuổi đã tiêm mũi 1 đạt 95,73%, mũi 2 đạt 81,09% và mũi 3 đạt 34,06%; đối tượng từ 12 đến dưới 18 tuổi đã tiêm mũi 1 đạt 86,41% và mũi 2 đạt 65,01%.
Trước tình hình đó, CDC Gia Lai đã cử đoàn giám sát công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19 tại huyện Ia Pa. Qua làm việc với các bên liên quan và nắm bắt tình hình thực tế tại địa phương, đoàn giám sát đã chỉ rõ nguyên nhân khiến tỷ lệ tiêm vắc xin của Ia Pa chưa đạt tỷ lệ bao phủ mà UBND tỉnh đã giao. Cụ thể, do số đối tượng đăng ký ban đầu cao hơn số đối tượng thống kê thực tế trên địa bàn, dân số tại huyện di biến động nhiều, đối tượng tiêm trên 18 tuổi chiếm đa số là lao động tự do và lao động tại các tỉnh, thành khác nên vào thời điểm tiêm chủng, người dân không có mặt tại địa phương. Bên cạnh đó, người dân tộc thiểu số ở địa phương có tập quán làm nương rẫy và ngủ lại không về, nhiều trẻ em không đi học cũng đi cùng cha mẹ vào rẫy nên thời điểm tổ chức tiêm chủng, nhiều người vắng mặt tại địa phương. Dù chính quyền đã thông báo, truyền thông và vận động nhưng người dân vẫn chưa nắm bắt, hưởng ứng công tác tiêm chủng. Ngoài ra, một bộ phận người dân còn e ngại với những phản ứng phụ của vắc xin, một số do tín ngưỡng không chịu tiêm.
Huyện Ia Pa đang nỗ lực tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho tất cả đối tượng thuộc diện được tiêm. Ảnh: Lê Văn Ngọc |
Lý giải cho vấn đề này, ông Huỳnh Ngọc Thiên-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện-cho hay: Công tác tiêm vắc xin tại địa phương đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao từ tỉnh đến huyện và hệ thống chính trị cơ sở. Các đơn vị đều thể hiện trách nhiệm nhằm kịp thời tiêm vắc xin phòng Covid-19 để bảo vệ sức khỏe cho người dân. Tuy nhiên, quá trình triển khai gặp một số khó khăn khiến kết quả tiêm vắc xin chưa đạt yêu cầu đề ra.
Cũng theo ông Thiên, Ia Pa có tỷ lệ người dân tộc thiểu số cao, trong đó, một bộ phận chưa nhận thức đầy đủ tác dụng của việc tiêm phòng vắc xin Covid-19 nên đã không hợp tác với lực lượng y tế. Nhiều gia đình đi làm rẫy ở xa, nhiều ngày không về, khó liên lạc. Một bộ phận trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi nghỉ học sớm, theo cha mẹ đi làm rẫy nên tỷ lệ tiêm cho các đối tượng này cũng chưa được như mong đợi. Ngoài ra, tỷ lệ người dân đi làm tại các tỉnh phía Nam khá cao, nhiều khi đã tiêm mũi 1, mũi 2 ở địa phương nhưng sau đó đi làm xa nên chuyển tiêm mũi 3 tới nơi ở mới.
Xã Kim Tân có 2 làng đồng bào dân tộc thiểu số là Blôm và Mơ Năng 2. Ông Lê Hữu Hưng-Chủ tịch UBND xã-nhận định: Tại 3 thôn người Kinh, việc tiêm vắc xin đạt tỷ lệ cao. Tuy nhiên, tại 2 làng Blôm và Mơ Năng 2, công tác này gặp nhiều trở ngại, xuất phát từ tâm lý của người dân. “Nhiều người tỏ ra e ngại và sợ tiêm vắc xin. Một phần nghe thông tin sai lệch, tiêu cực từ mạng xã hội như: khi tiêm vắc xin sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe sau này, thậm chí có trường hợp tử vong. Vì vậy, dù cán bộ, nhân viên y tế ra sức tuyên truyền, giải thích nhưng họ vẫn thiếu hợp tác, trốn tránh lực lượng chức năng”-ông Hưng nói.
Quyết tâm “phủ” vắc xin trong cộng đồng
Đề cập giải pháp trong thời gian tới, ông Ksor Tâm-Chủ tịch UBND xã Ia Tul-cho biết: “Cán bộ phụ trách thôn, làng phải gõ cửa từng nhà để vận động, sẵn sàng chở bà con đến điểm tiêm, hỗ trợ ăn uống. Những trường hợp có bệnh nền được nhân viên y tế khám sàng lọc chặt chẽ, lên danh sách và phương án cụ thể để vẫn có thể tiêm cho các đối tượng này”.
Nhân viên y tế đến nhà để khám sàng lọc và tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho những người lớn tuổi. Ảnh: Lê Văn Ngọc |
Tại hội nghị sơ kết công tác quý I-2022, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành chỉ đạo: Huyện Ia Pa có tỷ lệ tiêm vắc xin phòng Covid-19 thấp nhất tỉnh. Thời gian tới, lực lượng y tế phối hợp với hệ thống chính trị cơ sở phải vào làng, vào rẫy để tiêm vắc xin cho người dân. Đề nghị Bí thư, Phó Bí thư cấp ủy phải hết sức lưu tâm vấn đề tiêm vắc xin phòng Covid-19. |
Trong khi đó, Chủ tịch UBND xã Kim Tân thì chia sẻ: “Thời gian qua, cán bộ xã cùng lực lượng y tế phải chờ người dân trở về nhà để vận động tiêm vắc xin. Xã cũng đề nghị các chức sắc tôn giáo phối hợp cùng chính quyền để tuyên truyền giúp người dân hiểu được lợi ích của việc tiêm vắc xin phòng Covid-19. Tổ tiêm vắc xin thường xuyên đến từng nhà để tiêm cho người dân đến 9-10 giờ tối. Chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động và đẩy mạnh hơn nữa các biện pháp nhằm hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao và sẵn sàng kế hoạch tiêm vắc xin cho trẻ em từ 5 đến 12 tuổi”.
Đề cập giải pháp trong thời gian tới, ông Huỳnh Ngọc Thiên nhấn mạnh: “Mục tiêu của Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch Covid-19 huyện là phải hoàn thành tiêm mũi 2 cho những đối tượng đã được tiêm mũi 1. Không chỉ tiêm tại trạm y tế mà phải tăng cường nhân lực để vận động và tiêm vắc xin tại nhà. Ban Chỉ đạo các xã cần rà soát những người đã đủ thời gian tiêm mũi 3 để triển khai kịp thời”.
LÊ VĂN NGỌC