Du lịch

"Viên ngọc thô" của ngành du lịch Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trải nghiệm ở các làng du lịch cộng đồng trở nên lôi cuốn, hấp dẫn du khách vì có vai trò rất lớn của đội ngũ hướng dẫn viên (HDV) người bản địa. Tuy vậy, vấn đề là họ chưa được đào tạo chuyên nghiệp, thậm chí có làng chưa có nhân lực dành cho công việc này.
“Những viên ngọc thô”
Chị Đinh Thị Sơm-HDV Làng du lịch cộng đồng (DLCĐ) Mơ Hra (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) đi chân đất, mặc trang phục truyền thống của phụ nữ Bahnar; cổ và tay đeo vài món trang sức giản đơn nhưng đậm tính văn hóa. Cô mỉm cười mời khách bước vào tham quan “ngôi nhà bảo tàng” của làng. Hình ảnh mộc mạc, duyên dáng của nữ HDV lọt vào ống kính của đoàn du khách đến thăm làng.
Qua lời giới thiệu của chị, từng hiện vật dân tộc học trong không gian trưng bày trở nên sinh động và có hồn khi tái hiện dòng chảy văn hóa của cư dân bản địa Đông Trường Sơn. Trước những câu hỏi của một vài du khách liên quan đến hiện vật, chị chăm chú lắng nghe và giải thích lại cho khách rõ.
Chị Đinh Thị Sơm-hướng dẫn viên Làng du lịch cộng đồng Mơ Hra giới thiệu các hiện vật dân tộc học. Ảnh: Minh Châu
Chị Đinh Thị Sơm-hướng dẫn viên Làng du lịch cộng đồng Mơ Hra giới thiệu các hiện vật dân tộc học. Ảnh: Minh Châu
Ở ngôi làng DLCĐ cạnh bên, HDV Đinh A Ngưi (làng Kgiang) cũng nhiều lần giới thiệu cho các đoàn du khách hiểu rõ những giá trị văn hóa địa phương đặc sắc. Là người khá am hiểu về văn hóa bản địa nên những thắc mắc của du khách đều không làm khó được anh.
Đối với du khách lưu trú tại homestay của mình, anh A Ngưi trực tiếp hướng dẫn khám phá thiên nhiên vùng đất qua các tour trekking trải nghiệm thác 50, thác Kon Bông, Kon Lôk, Hang Dơi. Anh còn giới thiệu đến du khách các món ẩm thực đặc sắc của cư dân Bahnar bắt nguồn từ thảo mộc thiên nhiên gắn với văn hóa rừng như: mật ong, rau rừng, các loại cá, ốc suối...
Nhờ có sự dẫn dắt của những HDV bản địa am hiểu về tự nhiên, văn hóa truyền thống mà hành trình trải nghiệm của du khách ở các làng DLCĐ luôn đong đầy ấn tượng.
Cần sự mài giũa
Đinh Thị Sơm, Đinh A Ngưi là những HDV du lịch người bản địa ít nhiều được đào tạo nghiệp vụ hướng dẫn thông qua các khóa tập huấn, dự án phát triển DLCĐ. Nhưng đội ngũ này vẫn còn khá mỏng so với quy hoạch phát triển các làng DLCĐ và còn thiếu nhiều kỹ năng, kiến thức.
“Khách đến làng chủ yếu muốn tìm hiểu văn hóa và trải nghiệm thực tế. Tham gia làm du lịch giúp tôi ý thức hơn sự cần thiết bổ sung kiến thức, tìm hiểu các giá trị văn hóa mà cha ông để lại. Nhưng trước nhiều câu hỏi, thắc mắc của du khách, tôi vẫn chưa hết lúng túng”-chị Sơm chia sẻ.
Còn với anh A Ngưi thì, mặc dù đã tham gia hướng dẫn cho nhiều đoàn khách nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, nhiều thứ phải học hỏi. 
Đóng vai một du khách tìm hiểu du lịch địa phương trong khóa cập nhật kiến thức cho đội ngũ HDV du lịch của Gia Lai, ThS. Mã Xuân Vinh (Trường Đại học Ngoại ngữ-Tin học TP. Hồ Chí Minh) cho biết, anh khá ấn tượng với phong cách hướng dẫn của một số HDV người bản địa. Họ hiểu biết văn hóa, có tri thức bản địa, nhưng lấy cái chính yếu để truyền tải cho du khách thì lại chưa xác định được.
Theo ThS. Mã Xuân Vinh, Gia Lai muốn phát triển loại hình DLCĐ thì cần đặc biệt chú trọng vai trò của đội ngũ HDV bản địa. “Tiếp xúc với một vài người, tôi thấy ở họ có tố chất, sự chân chất, mộc mạc, chỉ cần rèn giũa thêm kỹ năng, dẫn nhiều đoàn, va chạm nhiều hơn… thì chắc chắn sẽ có kinh nghiệm và hướng dẫn tốt. Có thể nói, họ như những viên ngọc thô chờ được mài giũa. Nhưng đội ngũ này ở Gia Lai rất hạn chế, nếu không nói là số ít”-anh Vinh nhìn nhận.
Đội ngũ hướng dẫn viên du lịch của tỉnh thể hiện nghiệp vụ hướng dẫn trong chuyến thực tế tại các điểm du lịch (2)
Đội ngũ hướng dẫn viên du lịch của tỉnh thể hiện nghiệp vụ hướng dẫn trong chuyến thực tế tại các điểm du lịch. Ảnh: Minh Châu
Tham gia khóa tập huấn nói trên, anh A Ngưi cho rằng, hoạt động này vô cùng cần thiết đối với đội ngũ HDV, đặc biệt là HDV người bản địa. Bên cạnh đó, anh bày tỏ mong muốn tỉnh sớm có bộ tài liệu chuẩn dành cho HDV.
“Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch cần phối hợp với các địa phương để hệ thống và soạn thảo tài liệu hướng dẫn, tổ chức hội thảo lấy ý kiến đóng góp và ban hành bộ tài liệu chuẩn dùng chung cho đội ngũ HDV nói chung và HDV bản địa ở các làng du lịch cộng đồng nói riêng. Ngoài ra, các ngôi làng nằm trong kế hoạch phát triển DLCĐ, cần rà soát, lựa chọn HDV đủ điều kiện phục vụ du khách.
Tiếp xúc với nhiều du khách, tôi thấy họ đều mong muốn được trải nghiệm những điều chân thật từ văn hóa, thiên nhiên, các món ăn, sinh hoạt của bà con… Đặc biệt, những huyền thoại gắn với những tên núi, tên thác, tên làng rất hấp dẫn du khách”-anh A Ngưi nói.
Hướng dẫn viên du lịch bản địa chính là cầu nối để du khách bước vào cánh cửa di sản, tìm hiểu những giá trị văn hóa, thiên nhiên, con người bằng chính sự hiểu biết của mình. Do đó, trong phương hướng phát triển du lịch năm 2021, một trong những nhiệm vụ của ngành du lịch chính là đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ này.
Ông Nguyễn Đức Hoàng-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch-cho biết: “Phát triển mô hình du lịch nông thôn, DLCĐ là ưu tiên của ngành du lịch trong thời gian tới. Do đó, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho các loại hình du lịch nhằm xóa đói giảm nghèo được ngành xem là nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, chú trọng nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ lao động ngành du lịch qua các hội thi nghiệp vụ du lịch, các lớp bồi dưỡng nâng cao kỹ năng, cập nhật kiến thức định kỳ, nhất là cho đội ngũ HDV bản địa tại các thôn, làng”.
MINH CHÂU

Có thể bạn quan tâm