Kinh tế

Doanh nghiệp

Việt Nam cam kết tạo lập môi trường kinh doanh tốt nhất hướng đến các chuẩn mực của OECD

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đó là lời cam kết tại Kết luận Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng khẳng định, trên tinh thần cùng thắng, "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ" với các nhà đầu tư bởi "nếu làm việc với nhau mà bên thua, bên thắng thì không phải là hợp tác".

Thủ tướng khẳng định khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực kinh tế khác. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng khẳng định khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực kinh tế khác. Ảnh: VGP/Nhật Bắc


Ngày 17-9, Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài có chủ đề "Vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội, hợp tác phát triển" được tổ chức tại trụ sở Chính phủ, kết nối trực tuyến tới UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. Cùng tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đại diện các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Tại kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiêm túc tiếp thu các ý kiến của các đại biểu để hoàn thiện và sớm ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đầu tư nước ngoài; đồng thời, tiếp tục phản hồi, làm rõ hơn những vấn đề còn khúc mắc được nêu tại hội nghị.  

Chia sẻ một số suy nghĩ về các yếu tố nền tảng phát triển của Việt Nam, Thủ tướng cho biết, Việt Nam là một dân tộc yêu chuộng hòa bình, có lịch sử hào hùng đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước; có nền văn hóa lâu đời, phong phú, đa dạng; con người Việt Nam cần cù, bản lĩnh, sáng tạo, thân thiện và mến khách.

Việt Nam đang tiếp tục xây dựng và hoàn thiện: (i) Nền kinh tế thị trường, định hướng Xã hội chủ nghĩa (đầu tư, kinh doanh theo quy luật thị trường, theo quy luật cung-cầu nhưng có sự can thiệp của Nhà nước khi cần thiết); (ii) Xây dựng nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa (mọi người dân, mọi doanh nghiệp hoạt động theo luật pháp và được luật pháp bảo đảm quyền lợi chính đáng và hợp pháp của mình một cách tốt nhất); (iii) Nền dân chủ Xã hội chủ nghĩa, phát huy tối đa năng lực của tất cả mọi người, tất cả doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam.

Thủ tướng khẳng định khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực kinh tế khác. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Quang cảnh Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Ảnh: VGP/Nhật Bắc



Quan điểm xuyên suốt là lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực, nguồn lực cho sự phát triển; phát huy tối đa trí tuệ, tài năng, phẩm chất, đạo đức của con người Việt Nam; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội, môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Để các nhà đầu tư yên tâm sản xuất kinh doanh, bảo tồn vốn và có lợi nhuận, trên tinh thần cùng thắng, Việt Nam đã và đang: (i) Kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, ổn định chính trị, bảo đảm trật tự xã hội, an ninh, an toàn, an dân; (ii) thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; (iii) quyết tâm xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, đủ sức chống chịu với những biến động bên ngoài và tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, chủ động, thực chất, hiệu quả; lấy nội lực là cơ bản, quyết định lâu dài, ngoại lực là quan trọng, đột phá; (iv) tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược (hoàn thiện thể chế; phát triển nguồn nhân lực; xây dựng kết cấu hạ tầng).

Sau hơn 35 năm đổi mới, Việt Nam chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Quy mô nền kinh tế Việt Nam tăng từ khoảng 4 tỷ USD khi bắt đầu đổi mới lên khoảng 400 tỷ USD trong năm nay. Thuộc nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế, Việt Nam đã ký kết 15 hiệp định thương mại tự do với trên 60 nước, vùng lãnh thổ trong đó có những thị trường lớn nhất trên thế giới và ngày càng đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, các chuỗi cung ứng.

Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, Việt Nam ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; điều hành hài hòa, hợp lý, hiệu quả, hỗ trợ lẫn nhau giữa các chính sách tiền tệ-tài khóa; triển khai Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội (với quy mô 340 nghìn tỷ-khoảng 4% GDP), tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, an toàn, minh bạch.

Thời gian tới, tình hình có khó khăn, thách thức và cơ hội, thuận lợi đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn là cơ hội và thuận lợi. Việt Nam tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, đồng thời tích cực cùng chung tay với cộng đồng quốc tế giải quyết các vấn đề đặt ra, thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Đồng thời, càng khó khăn, thách thức, càng đoàn kết, thống nhất, chủ động, sáng tạo, phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể, lắng nghe các ý kiến khác nhau, phát huy tinh thần "lửa thử vàng, gian nan thử sức", biến nguy thành cơ", bởi "Non cao vẫn có đường trèo/Đường dù hiểm nghèo vẫn có lối đi".

Thủ tướng cho biết, 8 tháng qua, trong bối cảnh kinh tế thế giới nhìn chung có lạm phát cao và tăng trưởng thấp, thì kinh tế Việt Nam đạt được những kết quả khá tích cực, lạm phát được kiểm soát và tăng trưởng có xu hướng cao, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm.

Quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đối ngoại và hội nhập được thúc đẩy, mở rộng phù hợp tình hình. Đời sống nhân dân được cải thiện, nâng lên cả về tinh thần và vật chất. Nhiều tổ chức quốc tế đánh giá tích cực về tình hình và triển vọng của Việt Nam, Nikkei đánh giá chỉ số phục hồi Covid-19 của Việt Nam xếp thứ 2 toàn cầu.

Những kết quả đạt được là nhờ sự lãnh đạo đúng đắn, sâu sát, kịp thời của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự đồng hành, hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ của Quốc hội, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm của Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương; sự đồng tình, ủng hộ và tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước; sự hỗ trợ, giúp đỡ hiệu quả của bạn bè quốc tế, trong đó có các nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.

Từ năm 2021 tới nay, Thủ tướng Chính phủ đã có rất nhiều cuộc gặp gỡ, tiếp xúc, làm việc với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhất là trong bối cảnh rất khó khăn do dịch Covid-19.

Thủ tướng ghi nhận, biểu dương và cảm ơn sự chung tay, đồng hành, đóng góp, chia sẻ và nỗ lực của các nhà đầu tư nước ngoài trong công tác phòng chống dịch, duy trì và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, góp phần cùng Chính phủ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

"Chúng ta có rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng chúng ta đã chung tay, chung sức, đồng lòng để vượt qua. Chúng tôi hết sức trân trọng và xúc động vì điều đó", Thủ tướng nói. Theo Thủ tướng, nếu làm việc với nhau mà "bên thua, bên thắng" thì không phải là hợp tác. Nếu "bên thua, bên thắng" thì chúng ta phải ngồi lại, lắng nghe, trao đổi với nhau để hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro.

Thủ tướng khẳng định, Việt Nam tạo mọi điều kiện để có môi trường thuận lợi, an toàn, minh bạch cho các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư lâu dài tại Việt Nam "với tinh thần bình đẳng, cùng phát triển, cùng có lợi, cùng có trách nhiệm với xã hội, người lao động, bảo vệ môi trường"; "không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm"; "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".


 

Thủ tướng đề nghị các hiệp hội doanh nghiệp và các nhà đầu tư tiếp tục giữ vững niềm tin, nêu cao tinh thần hợp tác cùng có lợi, khắc phục khó khăn, vượt qua thử thách, tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng đề nghị các hiệp hội doanh nghiệp và các nhà đầu tư tiếp tục giữ vững niềm tin, nêu cao tinh thần hợp tác cùng có lợi, khắc phục khó khăn, vượt qua thử thách, tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Việt Nam cam kết tạo lập môi trường kinh doanh tốt nhất hướng đến các chuẩn mực của OECD, đó là: (1) giữ vững ổn định chính trị xã hội và kinh tế vĩ mô; (2) tháo gỡ những điểm nghẽn của nền kinh tế về thể chế pháp luật, hạ tầng cơ sở và nguồn nhân lực; (3) phát triển các chuỗi cung ứng, giảm chi phí giao dịch, đặc biệt là chi phí về logistics và chi phí hành chính; (4) xây dựng môi trường - chính sách ổn định, có tính dự báo cao, thực thi minh bạch và trách nhiệm giải trình; (5) hợp tác thân thiện, lắng nghe, tôn trọng ý kiến của nhau, cùng giải quyết các khó khăn, thách thức.

Về nội dung này, ngày 15-9 vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Đối với đầu tư nước ngoài, Việt Nam chủ trương thu hút, hợp tác đầu tư có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Đồng thời, ưu tiên thu hút các dự án: (i) thuộc lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển; (ii) tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị; (iii) thúc đẩy kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển điện gió, điện mặt trời, mong muốn các nhà đầu tư nước ngoài, các tổ chức, đối tác quốc tế tăng cường hợp tác, hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi năng lượng sạch bảo đảm công bằng, công lý, nhất là có ưu đãi về tài chính với lãi suất phù hợp cho các dự án trong lĩnh vực này.

Trong bối cảnh tình hình thế giới dự báo tiếp tục tiềm ẩn nhiều biến động, rủi ro, Chính phủ Việt Nam xác định tiếp tục thực hiện các trọng tâm chỉ đạo, điều hành:

"4 ổn định" gồm: Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; phát triển các loại thị trường, ổn định giá cả hàng hóa, dịch vụ; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần Nhân dân; ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội);

3 "tăng cường" gồm: tăng cường nắm tình hình, phản ứng chính sách kịp thời, linh hoạt, hiệu quả; tăng cường bảo đảm an sinh xã hội và công tác y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng, tiêm phòng vaccine COVID-19; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nhất là trong hệ thống hành chính nhà nước.

"2 đẩy mạnh" gồm đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phát triển doanh nghiệp và tạo công ăn việc làm; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và công tác quy hoạch.

“1 tiết giảm" là tiết kiệm triệt để, giảm mọi khoản chi tiêu không cần thiết;

"1 kiên quyết không" là không điều hành giật cục, chuyển trạng thái đột ngột.

Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm: Giữ ổn định trong sự bất định; giữ chủ động trong thế bị động; giữ sự kiên định, nhất quán trong bối cảnh chuyển đổi và xáo trộn; thiết kế công cụ kiểm soát rủi ro trong nền kinh tế thị trường với đặc tính là có khủng hoảng, suy thoái; xây dựng phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập, phát triển kinh tế quốc tế.


 

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát toàn diện các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài; có kế hoạch kịp thời, hiệu quả, giải quyết dứt điểm. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát toàn diện các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài; có kế hoạch kịp thời, hiệu quả, giải quyết dứt điểm. Ảnh: VGP/Nhật Bắc


Với tinh thần đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương quán triệt nghiêm túc, triển khai hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tập trung tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng, với phương châm "Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, động lực".

Đồng thời, việc thu hút đầu tư nước ngoài cân đối, hợp lý, linh hoạt trên cơ sở đặc trưng của các địa phương, vùng miền, đảm bảo phù hợp với định hướng, quy hoạch và yêu cầu phát triển theo tinh thần các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ.

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát toàn diện các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài; có kế hoạch kịp thời, hiệu quả, giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc, khắc phục những hạn chế, bất cập trong xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện thể chế, chính sách về hợp tác đầu tư nước ngoài.

Cùng với đó, tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn; đẩy mạnh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút đầu tư và sản xuất kinh doanh.

Rà soát, đánh giá và chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết (pháp lý, quỹ đất, hạ tầng, năng lượng, lao động…) để đón các dự án đầu tư. Nghiên cứu tạo hành lang pháp lý đối với các hình thức, phương thức đầu tư mới, hợp tác công-tư để thu hút nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội.

Ưu tiên phát triển một số lĩnh vực cụ thể thuộc công nghiệp hỗ trợ như chuyển đổi xanh, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, đa dang hóa chuỗi cung ứng, đổi mới công nghệ... Xây dựng cơ sở dữ liệu doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế để kết nối, hỗ trợ nhà đầu tư nước ngoài.

Có chính sách hỗ trợ phát triển phù hợp đối với các ngành, lĩnh vực, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh chủ đạo; hình thành các trung tâm năng lượng lớn phù hợp với lợi thế cạnh tranh của các địa phương; đa dạng hoá hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh để huy động các nguồn xã hội hoá cho đầu tư phát triển.

Nghiên cứu, đề xuất xây dựng các trung tâm logistics có quy mô lớn, trang thiết bị hiện đại, ứng dụng kỹ thuật số nhằm đáp ứng nhu cầu cao của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài; tập trung nâng cao năng suất lao động, trình độ công nghệ, đổi mới sáng tạo. Đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh…


 

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh, lãnh đạo một số bộ, ngành và đại diện hiệp hội doanh nghiệp, nhà đầu tư - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh, lãnh đạo một số bộ, ngành và đại diện hiệp hội doanh nghiệp, nhà đầu tư. Ảnh: VGP/Nhật Bắc


Đối với các hiệp hội doanh nghiệp và các nhà đầu tư, Thủ tướng đề nghị tiếp tục giữ vững niềm tin, nêu cao tinh thần hợp tác cùng có lợi, khắc phục khó khăn, vượt qua thử thách, tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam; phục hồi sản xuất kinh doanh, tiến tới mở rộng đầu tư; chia sẻ, cùng nhau tháo gỡ những khó khăn, thách thức của Việt Nam là một nước đang phát triển, còn nhiều khó khăn.

Đồng thời, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên đầu tư với lợi ích nhà nước và nhân dân trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ". Nghiêm túc tuân thủ luật pháp, điều kiện về phát triển bền vững và các quy định về an ninh-quốc phòng. Đề cao trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường; chú trọng tạo việc làm, sinh kế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người lao động; làm tốt công tác an sinh xã hội.

Thủ tướng cũng đề nghị các nhà đầu tư, doanh nghiệp đẩy mạnh xây dựng, áp dụng những mô hình quản lý mới, thực hiện đổi mới mô hình hướng tới kinh doanh xanh, công nghệ xanh và phát triển bền vững. Tăng cường chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp; hình thành các trung tâm nghiên cứu và phát triển; đầu tư vào những lĩnh vực, ngành nghề mới có giá trị gia tăng cao; công nghệ kỹ thuật, khoa học hiện đại.

Các Hiệp hội kịp thời cung cấp và báo cáo các vướng mắc, khó khăn của các hội viên trong quá trình hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam; đồng thời kiến nghị, đề xuất các chính sách, pháp luật phù hợp.

Một lần nữa, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực kinh tế khác.

Chính phủ Việt Nam hoan nghênh và cam kết tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư kinh doanh hiệu quả, thành công và bền vững tại Việt Nam với tinh thần "Vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội, hợp tác phát triển".

 

G.B

 

Có thể bạn quan tâm