Ngày 26.12, Trung tâm tiêm chủng thứ 14 của VNVC tại Cần Thơ đã được khai trương.
Tiêm vắc xin phải đảm bảo an toàn cho người dân. ẢNH: CTV
Tại buổi khai trương, PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, việc nghiên cứu ra vắc xin phòng bệnh là một trong những thành công vĩ đại nhất của y học. Nhờ có vắc xin mà nhiều dịch bệnh đã được khống chế, loại trừ và thanh toán, đặc biệt là các bệnh đậu mùa, uốn ván sơ sinh, bại liệt.
Rất nhiều bệnh dịch trước kia là phổ biến, đến mùa đến tháng thì lại có dịch bệnh, nhưng hiện nay, nhiều bệnh đã không còn. Chương trình tiêm chủng mở rộng được tiến hành từ những năm 1985; đến 1989 được nhân rộng trên phạm vi cả nước.
Từ 6 bệnh có tiêm vắc xin ban đầu, đến nay, Việt Nam đã tiêm chủng được 10 bệnh miễn phí, đó là: lao, sởi, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, Hib, Rubella. Nhờ có vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng mà Việt Nam đã thanh toán và khống chế một cách mạnh mẽ nhiều bệnh như: sởi, bạch hầu, ho gà, uốn ván và một số các bệnh khác.
Hiện nay trên thế giới cũng như ở Việt Nam đã có tới 30 loại vắc xin.
Để an toàn trong tiêm chủng vắc xin, ông Phu cho rằng các cơ sở tiêm chủng cần đảm bảo đủ trang thiết bị, phương tiện, nhân lực có chuyên môn; tiêm phải đúng lịch, đủ liều vì đó là vấn đề vô cùng cần thiết, bởi mỗi bệnh có 1 lịch tiêm khác nhau.
VNVC Cần Thơ có tổng diện tích 4.500 m2 hơn 30 phòng khám và phòng tiêm, có khả năng phục vụ trên 1.200 khách hàng mỗi ngày. Người dân ở khu vực miền Tây Nam bộ có thể tiêm vắc xin tại đây, không cần phải đi xa như trước.
Duy Tính (Thanh Niên)