TN - Đất & Người

Vĩnh biệt người Bí thư của làng-chú Ksor Krơn!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thế là chú Ksor Krơn (Nguyễn Văn Sỹ) đã ra đi thật rồi! Nằm viện mấy chục ngày, người khỏe chú trở lại nhà, tôi chưa kịp qua thăm thì đột ngột chú lại mệt nặng phải vào bệnh viện gấp. Cùng mấy anh cựu chiến binh lối phố đến thăm chú, chẳng dám nói ra, song tôi đoán chú sẽ không qua khỏi lần này.

Và đúng vậy, một buổi sáng cùng đồng nghiệp có chuyến lênh đênh trên lòng hồ Ayun Hạ để tìm kiếm tài liệu thực tế và cảm xúc cho bài viết số báo Tết năm tới, thì nhận tin chú Ksor Krơn đã ra đi… Dẫu biết với căn bệnh hiểm nghèo và sức yếu, tuổi cao chú khó qua cơn bạo bệnh, nhưng lòng tôi vẫn như vừa biết một tin… không thể nào tin được.

 

Đồng chí Nguyễn Văn Sỹ (bên phải) cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm xã Gào (TP. Pleiku) năm 1979. Ảnh: Đức Thanh
Đồng chí Nguyễn Văn Sỹ (bên phải) cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm xã Gào (TP. Pleiku) năm 1979. Ảnh: Đức Thanh

Một trong những người có thời gian được sống và làm việc bên chú-Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Sỹ, giúp tôi có điều kiện học hỏi về ông, lấy nó làm thước đo công việc mình được giao, tinh thần, tư tưởng mình trong lúc khó khăn cũng như thuận lợi. Có lần chú bảo, đại thể là các cháu còn trẻ, còn nhiều điều kiện để học hành tiến bộ. Nhưng vấn đề là cần phải có ý chí và trí thông minh, hai cái đó hợp lại sẽ thành sức mạnh hoàn thành mọi việc. Ngoài ra là cán bộ thì cần rèn luyện tư tưởng, xây dựng quan điểm gần dân, sát dân, hiểu dân, yêu dân… Ngần ấy câu mà tôi học cho tới giờ, đem nó ứng dụng vào công việc thấy thật sự có hiệu quả. Từ công việc khá đặc thù của mình, tôi có nhiều cơ hội gần gũi và trực tiếp làm việc, nhận việc từ nhiều lãnh đạo các cấp. Mỗi người một tính, một công việc, một lĩnh vực đảm nhận khác nhau, tôi chọn lọc cho mình những bài học cụ thể ở từng người và từng việc.

Với chú Ksor Krơn, 5 năm theo làm người giúp việc cho chú, để lại trong tôi bao điều có ích. Trong hồi ký “Lớn lên nhờ cách mạng” của mình, chú kể về tôi: “Trong xây dựng văn bản, từng có đồng chí nói, đã có lúc không đồng tình với cách dùng (diễn đạt) một vài từ ngữ của tôi (chú Sỹ), nhưng rồi sau khi tra từ điển thì mới hiểu là thủ trưởng của mình sử dụng từ chính xác, nên đồng chí ấy khâm phục và đồng ý kiên trì viết lại” (trang 207). Rất bình đẳng giữa người giúp việc với Bí thư, chú Sỹ coi tôi như một người đồng chí, một người bạn, luôn tôn trọng suy nghĩ cá nhân của cấp dưới trong mọi công việc. Khi xây dựng một văn bản, dù đó chỉ là một bài phát biểu, một vài ý kiến kết luận thông thường trong những cuộc họp, làm việc, nhưng chú cháu vẫn trao đổi, thận trọng khi thể hiện bằng chữ nghĩa, nhất thiết câu chữ phải rõ ràng, không để người nghe, người đọc hiểu sai lệch.

Thời trẻ tuổi tôi vốn ít sa đà chè rượu, thế nhưng khi được giao trọng trách làm người giúp việc cho Bí thư Tỉnh ủy Ksor Krơn, thì đấy lại là điểm yếu, (là tôi nghĩ vậy). Tôi bắt đầu tập la cà nhậu nhẹt với nhiều người, nhiều thành phần khi có dịp đi xuống làng, xuống xã, huyện… cùng Bí thư. Nhiều hôm say không biết lối về, nhưng lại biết và hiểu ra nhiều điều có ích. Có một hôm về làng, một ngôi làng nằm xa trong rừng sâu của huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum ngày nay), một ngôi làng của bà con dân tộc Xê Đăng chừng vài chục nóc nhà sàn. Bao nhiêu nóc nhà là bấy nhiêu ghè rượu góp lại tiếp khách quý. Một con nghé, vài con dê, heo được mổ và cồng chiêng nổi lên cùng những vòng xoang con gái nối dài thâu đêm. Không gian ấy mà không “hết mình” thì mới lạ. Thế là hôm sau trên đường về, chú Ksor Krơn cho một bài học. Biết phận mình, tôi lặng lẽ nhìn chú và nhận ngay một lời chia sẻ, “là nói vậy, chứ xuống làng mà không hết mình với… làng, thì không được đâu…”. Mừng ơi là mừng!

Đi làng là chuyện không thể thiếu trong công việc lãnh đạo của chú Ksor Krơn, dù công việc bận rộn đến đâu, hàng tháng Bí thư Tỉnh ủy cũng dành thời gian nhất định để đi và ở, và nói, và nghe chuyện của làng, của cơ sở. Nhiều khi xuống đó, chú Sỹ thức cùng những già làng thâu đêm suốt sáng, quanh bếp lửa nhà rông, những câu chuyện cũ, mới nối nhau khi thì về những trận càn quét giết chóc dân lành của Mỹ-Ngụy, lúc thì chuyện làm ăn, thoát nghèo, diệt dốt, chống chọi với bệnh tật, lạt muối, thiếu vải. Chú Sỹ như một cụ già làng, cùng bàn chuyện nay, nhớ chuyện xưa, lắng nghe các cụ “ôn nghèo kể khổ”, và nước mắt chú lại ứa ra, chú bảo “Đấy, giải phóng rồi, chú cháu mình có được cuộc sống khấm khá, còn bà con, những người giúp mình từng hạt gạo, củ khoai, cùng tham gia kháng chiến mà giờ mình xa họ, để họ thiếu thốn, khổ cực, có phải là có tội với họ không?”. Những khi ấy, là người trong cuộc, tôi chỉ biết lặng lẽ để cho nước mắt trào ra, và mắt chú đã thâm quầng vì mất ngủ lại càng hoe đỏ…

 

Đồng chí Nguyễn Văn Sỹ tham quan Hội báo Xuân. Ảnh: Đức Thanh
Đồng chí Nguyễn Văn Sỹ tham quan Hội báo Xuân. Ảnh: Đức Thanh

Trong không ít bài viết của mình, tôi đã nhiều lần nói về chú Bí thư Ksor Krơn, mới đây nhất tôi từng kể: “Nhà Bí thư cũng là nơi “tạm trú” của người làng xa khi lên phố thăm tỉnh trưởng (đồng bào ở làng nói vậy), mà chẳng tháng nào không vài ba đoàn người của làng về thăm. Trên Tu Mơ Rông vùng chân núi của sâm Ngọc Linh quê ngoại xa tít tắp, cho đến tận Chư Mố làng của những chàng vua Lửa xứ nội cũng chẳng gần, rồi bà con quanh vùng, quanh xã nữa... Phương tiện đi lại ngày đó khó khăn đến là vậy mà bà con không quản ngại, khi đã yêu, đã quý, đã trọng rồi thì nào có ngại chi núi sông cách trở. Người ta bảo Ksor Krơn là Bí thư của làng cũng chẳng sai và với tôi thì càng đúng. Nhà Bí thư cũng vậy, phía trước còn có chút đất, bà Bí thư tận dụng làm vườn, nào cà đắng, khổ qua, cải, ớt... cứ như vườn ở làng. Thế mà cũng giúp được ít nhiều cho cả một bầy trẻ và đôi khi khách khứa nữa có thêm chút rau xanh và sạch.

Mấy năm trước, Bí thư Ksor Krơn ốm nặng, những tưởng không qua khỏi. Đến nhà thăm, ông bảo với tôi rằng “Chú mà qua tuổi 80, thì chú sẽ còn sống dai lắm”. Giờ ông đã 85, mấy nay chưa ghé nhà, chẳng biết cái sự “sống dai” của chú sẽ đến khi nào. Vẫn hy vọng lời của chú ấy linh ứng lắm thay!”-(báo Gia Lai Điện tử ngày 20-7-2015). Thế mà giờ chú Ksor Krơn, người Bí thư của làng ấy, đã bỏ chúng ta mà đi vĩnh viễn.

Kết thúc bài viết này, chưa nói gì được nhiều về chú Ksor Krơn, một người Bí thư mà tôi luôn coi chú như người cha, người thầy yêu quý của mình khi còn là người giúp việc của ông cũng như khi tôi đã đi làm việc khác và chú đã về nghỉ hưu, tôi xin dẫn mấy câu của chú: “Nhân đây cũng nhắc lại một điều đơn giản là, trong công tác quần chúng phải biết dựa vào tình hình cụ thể để khai thác thông tin. Trong số những người giúp việc, từng có đồng chí không biết uống rượu nhưng vẫn kiên trì tìm cách “đeo bám”, chờ khi “đối tượng” thấm men, để lộ những điều mình cần biết. Lại có đồng chí dùng biệt tài của mình, cụ thể là thông qua chén rượu, lời ca mà thuyết phục quần chúng… (và vì vậy) các đồng chí đã giúp thêm cho tôi được nhiều việc”-(Hồi ký “Lớn lên nhờ cách mạng”-trang 207, 208).

Vĩnh biệt chú Ksor Krơn, người Bí thư của làng, của chúng ta liên tục trong 20 năm từ thuở ấy, một người cán bộ, đảng viên luôn gần dân, sát dân, yêu dân, luôn tận tâm tận lực với công việc của mình, có lối sống lành mạnh, đạo đức sáng trong, dù ở cương vị nào, ở thời điểm nào, trong chiến đấu cũng như xây dựng hòa bình cũng vậy; điều đó là tấm gương sáng cho tôi, cho mọi người noi theo vậy.

Đoàn Minh Phụng

Có thể bạn quan tâm