Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Vinh dự hôm nay, động lực ngày mai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tại Lễ trao giải Báo chí tỉnh Gia Lai lần thứ III (năm 2013-2014), PV GLO đã có cuộc trao đổi, trò chuyện với một số tác giả đạt giải cao về quá trình thực hiện tác phẩm cũng như những tâm tư, trăn trở trong nghề cầm bút…

* Nhà báo Ngọc Tấn-Báo Nông thôn Ngày nay, Giải A-báo in:
 

Ảnh: Nguyễn Giác
Ảnh: Nguyễn Giác

“Những ngôi làng sau cơn sóng cả” phản ánh một vấn đề không mới nhưng vẫn giữ nguyên tính thời sự chính trị trong giai đoạn hiện nay. Khi bắt tay vào thực hiện tác phẩm, tôi đã dành rất nhiều thời gian để về thăm lại các làng mà ngay hồi những năm 2001, 2004 tôi đã từng lăn lộn, gắn bó. Ở đây, tôi đã gặp lại được rất nhiều nhân chứng, cả những người một lòng bám làng và những người đã từng một thời nhẹ dạ cả tin, nghe theo lời xúi giục của kẻ xấu; lắng nghe họ giãi bày để có một cái nhìn hết sức cụ thể, sinh động về cuộc sống hiện tại của người dân. Thực tế đã cho thấy, cuộc sống của người dân trong những ngôi làng này đã và đang từng ngày đổi thay, vươn mình phát triển; sự nhận thức của người dân ngày một chuyển biến.

Trong tác phẩm “Những ngôi làng sau cơn sóng cả”, bên cạnh nêu lên những bài học kinh nghiệm trong công tác giải quyết điểm nóng, đấu tranh với âm mưu, thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch, tôi vẫn muốn đặt ra những vấn đề cần được giải quyết thấu đáo để người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số có một cuộc sống ổn định, bền vững mà cụ thể ở đây là việc thực hiện những chính sách liên quan đến công tác xoá đói giảm nghèo…

* Nhà báo Minh Dưỡng-Phó Trưởng Phòng Báo Gia Lai điện tử, Giải B-Báo in:


 

 

Gia Lai nói riêng, Tây Nguyên nói chung là “điểm nóng” về tình trạng phá rừng trong các năm qua. Vấn đề này dường như vẫn còn là thách thức lớn đối với ngành chức năng và chính quyền địa phương.

Ý tưởng thực hiện một tác phẩm dài hơi về chủ đề nạn phá rừng được chúng tôi nung nấu từ khá lâu. “Nước mắt rừng xanh” có thể nói đã đề cập một cách sâu sắc đến những nguyên nhân và hệ lụy; khó khăn, bất cập hiện nay trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và phần nào đề ra được những giải pháp để giữ rừng… Bằng tâm huyết của những người cầm bút, chúng tôi hy vọng, tác phẩm một lần nữa sẽ nói lên tiếng nói cảnh báo, đồng thời kêu gọi mọi người chung tay gìn giữ “lá phổi xanh” của trái đất.

Khi triển khai thực hiện, dù gặp rất nhiều khó khăn bởi tính chất đề tài nhạy cảm, trong khi đó, êkip phóng viên theo đuổi đề tài lại trẻ cả ở tuổi đời, tuổi nghề. Tuy nhiên, với sự nỗ lực vượt qua mọi khó khăn cũng như được sự hỗ trợ kịp thời từ phía các đồng nghiệp, bạn bè… chúng tôi đã hoàn thành khá xuất sắc loạt bài viết. Hy vọng rằng, từ thành công của những “đứa con tinh thần” này, chúng tôi có thêm động lực để cho ra đời nhiều hơn nữa các tác phẩm báo chí chất lượng gửi đến bạn đọc.

* Nhà báo Song Nguyễn-Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh, Giải A-Báo Phát thanh:

 

Ảnh: Lê Hòa
Ảnh: Lê Hòa

Là phóng viên chuyên theo dõi mảng dân tộc, qua nhiều năm bám làng, bám xã-chủ yếu là những làng thuộc vùng sâu, vùng xa của tỉnh, tôi nhận thấy, dù đã được Đảng, Nhà nước quan tâm, hỗ trợ thường xuyên, mọi mặt nhưng cuộc sống của người dân nơi đây vẫn còn gặp rất nhiều gian khó; đặc biệt là ở những làng tái định cư, tập trung ở các huyện: Phú Thiện, Krông Pa, Ia Pa, Kbang. Từ đây, ý tưởng thực hiện phóng sự phát thanh “Khắc khoải làng mới” được hình thành, tôi và nhà báo Khắc Quang-Trưởng phòng Chuyên đề Văn nghệ giải trí (Đài Phát thành-Truyền hình tỉnh) cùng thực hiện.

Với độ dài 8 phút, “Khắc khoải làng mới” vẽ nên một bức tranh toàn cảnh về cuộc sống còn nhiều khó khăn, bất cập của người dân vùng tái định cư với những tên đất, tên người cụ thể như ở làng Bir (xã Ia Yeng, huyện Phú Thiện); làng Kon Von, Kon Tanh Te (xã Kroong, huyện Kbang) và một số làng của xã Chư Răng (huyện Ia Pa), xã Chư Rcăm (huyện Krông Pa)… Nếu ở làng Bir-một ngôi làng tái định cư được biết đến với tên gọi “làng 3 không”: không điện, không nước, không đất sản xuất với 90% hộ nghèo; người dân không trụ nổi phải quay về làng cũ thì ở làng Kon Von, sau 10 năm thực hiện chính sách tái định cư, người dân vẫn chưa có một cuộc sống ổn định, vì thiếu đất sản xuất mà dẫn đến chuyện phá rừng làm nương…

Ngay cả giờ đây, khi tôi và nhà báo Khắc Quang được vinh dự nhận giải A thể loại báo nói cho tác phẩm về những ngôi làng này thì cuộc sống của bà con nơi đây cũng chưa có một sự đổi thay tích cực, người dân làng Bir (xã Ia Yeng, Phú Thiện) vẫn chưa có điện thắp sáng dù đường dây cao thế đã chạy ngang làng…

* Nhà báo Siu Hương-Phòng Biên dịch tiếng Dân tộc-Đài Phát thanh-Truyền hình Gia Lai, Giải B-Báo Truyền hình:

 

Ảnh: Lê Hòa
Ảnh: Lê Hòa

Có thể nói, bắt gặp đề tài và cho ra đời phóng sự truyền hình “Bào tồn văn hóa-Tình yêu và trách nhiệm” là một sự may mắn, một phát hiện tình cờ khi chúng tôi đến tại xã Ia Kreng-Chư Pah.

Từ câu chuyện người dân làng Díp giữ gìn nét truyền thống chỉ ăn loại nếp than-một loại gạo truyền thống với cách nấu nướng, ăn uống còn “nguyên chất” của người Jrai với ống lồ ô, lá mì, đu đủ… chúng tôi đã đề cập tới một vấn đề lớn hơn: Để giữ gìn được văn hóa dân tộc phải cần có tình yêu và trách nhiệm từ mỗi người và cả cộng đồng. Đó cũng là mong muốn của những người làm báo chúng tôi trong việc góp phần gìn giữ, lưu truyền các nét đẹp văn hóa truyền thống, để chúng không bị mai một trước sức ép của kinh tế thị trường.

18 năm trong nghề, được đi đến nhiều nơi, dự nhiều lễ hội cũng như có cơ hội khám phá những nét đẹp văn hóa của người Jrai, Bahnar… nhưng nét đẹp truyền thống trong nếp sinh hoạt của người dân làng Díp vẫn đọng lại trong tôi rất nhiều ấn tượng, cảm xúc; càng ý nghĩa hơn khi tác phẩm được vinh danh ở giải thưởng Báo chí của tỉnh lần này. Đó là niềm vui, động lực cho chúng tôi trên những bước đường tiếp theo.

Thu Huế-Lê Hòa (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm