Thể thao

Thể thao cộng đồng

V.League 2022: Nội binh… gánh ngoại binh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tình trạng nội binh phải "gánh" ngoại binh đang là vấn đề nhức nhối mà nhiều đội bóng gặp phải tại Night Wolf V.League 2022. 
Nhà giàu cũng khóc
Đừng nghĩ rằng chỉ các câu lạc bộ có tài chính khiêm tốn mới đau đầu về ngoại binh, mà ngay các đội bóng nhà giàu cũng vậy. Đầu mùa giải năm nay, câu lạc bộ Hà Nội khiến dư luận dậy sóng với 3 bản hợp đồng mang tên Djuro Zec, Vladimir Siladji và Josip Ivancic. Họ sở hữu lý lịch rất đẹp, ghi bàn tại Châu Âu, thậm chí là ghi bàn tại UEFA Champions League. 
Nhưng bước vào giải, người được kì vọng nhiều nhất là Zec gặp chấn thương nặng, phải nghỉ thi đấu 9 tháng. Siladji phần nào cho thấy sự hoà nhập với đội bóng nhưng không quá xuất sắc, không phải mẫu “gánh” đồng đội như nhiều người mong muốn. Riêng Josip Ivancic là nỗi thất vọng lớn bởi anh hoàn toàn vô hại.
 
Ngoại binh Ivancic chưa đáp ứng kỳ vọng của câu lạc bộ Hà Nội và người hâm mộ. Ảnh: HNFC
Ngoại binh Ivancic chưa đáp ứng kỳ vọng của câu lạc bộ Hà Nội và người hâm mộ. Ảnh: HNFC
Câu lạc bộ Bình Định sở hữu 3 ngôi sao hàng đầu của giải là Rafaelson, Hendrio và Jermie Lynch. Nói các cầu thủ này chơi tệ hại là không công bằng. Họ thể hiện được phẩm chất nhất định nhưng tổng số bàn thắng của nhóm này mới là 5. Tất nhiên, thành tích qua 8 trận đấu như vậy chưa thể thoả mãn với một đội bóng đua vô địch như Bình Định. 
Câu lạc bộ Đà Nẵng chưa bao giờ thiếu tiền, nhưng việc cất ngoại binh lên ghế dự bị là điều mà huấn luyện viên Phan Thanh Hùng làm thường xuyên. Osaguona chơi tốt nhất trong số 3 cầu thủ ngoại nhưng anh chấn thương liên miên, không đáp ứng được cường độ thi đấu.
 
Osaguona thi đấu ổn nhất trong 3 ngoại binh Đà Nẵng nhưng thường xuyên gặp chấn thương. Ảnh: ĐNFC
Osaguona thi đấu ổn nhất trong 3 ngoại binh Đà Nẵng nhưng thường xuyên gặp chấn thương. Ảnh: ĐNFC
Còn những đội bóng có tài chính eo hẹp, họ còn khổ hơn nữa với dàn “Tây” mà mình tuyển mộ. TP.HCM và Sài Gòn chìm sâu vì đóng góp của các cầu thủ ngoại gần như bằng không. Tương tự là Nam Định, Thanh Hoá đều phải gấp rút tìm người mới.
Nội binh “gánh” ngoại binh
Nhưng cũng còn may mắn cho một số đội bóng là họ có hệ thống đủ tốt và con người đủ tốt để “gánh” thay phần cầu thủ ngoại. Huấn luyện viên Phan Thanh Hùng tiếp tục cho thấy sự mát tay khi ông dẫn dắt Đà Nẵng giành chiến thắng liên tiếp chỉ với 1 cầu thủ ngoại trên sân. Nhà cầm quân này muốn có “Tây” xịn nhưng không được.
Vậy là ông Hùng chuyển sang sử dụng cầu thủ trẻ và biến họ trở thành những ngôi sao. Phi Hoàng sinh năm 2003 liên tiếp ghi bàn, Đình Duy sinh năm 2002 toả sáng ở vị trí tiền đạo cắm. Những Văn Long, Văn Hữu, Minh Đan chơi ấn tượng và khiến người ta quên đi các ông “tây” đang… mài đũng quần trên băng ghế dự bị.
 
Cầu thủ trẻ Phi Hoàng là phát hiện mới tại V.League 2022, thi đấu nổi bật giúp Đà Nẵng thoát khỏi nhóm cuối bảng. Ảnh: ĐNFC
Cầu thủ trẻ Phi Hoàng là phát hiện mới tại V.League 2022, thi đấu nổi bật giúp Đà Nẵng thoát khỏi nhóm cuối bảng. Ảnh: ĐNFC
Đội bóng Thủ đô trong lúc chờ các viện binh cũng kịp sử dụng linh hoạt Trần Văn Đạt, Lê Xuân Tú hay Nguyễn Văn Tùng. Các cầu thủ trẻ này đều có năng lực tốt, giàu tiềm năng và phần nào cho thấy hiệu quả. Văn Tùng xông xáo khi vào sân, Xuân Tú đá chính và ghi 2 bàn trong 2 trận liên tiếp, Văn Đạt tạo được đột biến nhờ cái chân trái khéo léo. 
Câu lạc bộ Thanh Hoá cũng có thể chờ đợi dàn nội binh chất lượng như Trọng Hùng, Thành Long, Quốc Phương, Minh Tùng. Họ chơi không đến nỗi nào và ít nhất thì vẫn còn tiền vệ Pinto thi đấu ấn tượng để bù đắp cho Paulo và Victor.  
Kì chuyển nhượng giữa mùa giải là cơ hội cuối cùng để các đội bóng thể bổ sung tân binh. Đây là giai đoạn mang tính quyết định đến thành tích vào cuối mùa giải. Nếu chọn đúng người, các đội bóng có thể thoát hiểm hoặc giành thành tích cao, bằng không họ sẽ phải trả giá đắt cho lựa chọn của mình.
Theo An Nguyên (LĐO)
 

Có thể bạn quan tâm