Muốn đưa V.League trở lại, không chỉ cần nỗ lực của Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghip Việt Nam (VPF), Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) mà còn từ chính 14 đội bóng tham dự giải đấu.
V.League trước thử thách cực lớn
Dịch COVID-19 bùng phát mạnh với lượng ca nhiễm ghi nhận lên đến 4 con số đẩy V.League vào một tình thế khó khăn. Giải đấu phải tạm hoãn ngay trước khi vòng 13 khởi tranh đúng 1 ngày, khi mà nhiều thành viên của câu lạc bộ Sông Lam Nghệ An bất ngờ trở thành F2 của một bệnh nhân tại Hà Tĩnh.
Từ đó đến nay, chưa có nhiều tín hiệu cho thấy V.League sẽ “chốt” được ngày trở lại. Ngày 2.7, cuộc họp trực tuyến giữa VFF, VPF và 14 đội dự giải bước đầu đi đến thống nhất về phương án tổ chức. Giải đấu có thể được tổ chức theo hình thức tập trung ở cụm 9 sân đấu phía Bắc, theo nguyên tắc "bong bóng" như cách Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) đã làm tại vòng loại thứ 2 World Cup 2022.
Thế nhưng, dự định này rồi cũng không thành khi câu lạc bộ TPHCM và câu lạc bộ Sài Gòn đều phải dừng việc tập luyện. Trong khi đó, vẫn còn một số đội chưa thể hoàn thành việc tiêm vaccine COVID-19 vì nhiều lý do khác nhau.
V.League 2021 đã tạm dừng gần 3 tháng vì COVID-19. Ảnh: VPF |
Một phần nguyên nhân khiến các nhà tổ chức đau đầu cũng đến từ thành tích của tuyển Việt Nam. Lọt vào vòng loại cuối cùng World Cup 2022 đồng nghĩa với việc thầy trò huấn luyện viên Park Hang Seo phải đá thêm 10 trận từ tháng 9.2021 đến tháng 3.2022. Vô tình cũng làm quỹ thời gian dành cho giải đấu quốc nội eo hẹp lại đáng kể.
Chính vì vậy, đã có nhiều ý kiến về phương thức tổ chức, thậm chí là có nên tiếp tục giải đấu hay không. Tuy nhiên, huỷ bỏ V.League vào thời điểm này không thể là một phương án phù hợp. Về mặt kinh tế, VPF và VFF chắc chắn sẽ phải đền bù số tiền “khổng lồ” cho các nhà tài trợ. Bản thân các đội bóng cũng rơi vào tình cảnh tương tự.
Riêng các cầu thủ, điều khoản tài chính trong hợp đồng với câu lạc bộ chủ quản chắc chắn sẽ phải thay đổi, đương nhiên là theo hướng không mấy tích cực. Với những cầu thủ nổi tiếng, có nhiều nguồn thu nhập thì không sao, nhưng với các đồng nghiệp kém danh tiếng hơn, chuyện ảnh hưởng đến đời sống thường nhật là điều khó tránh khỏi.
Cần sự chung tay của các đội bóng
Chia sẻ với Báo, chuyên gia Phan Anh Tú đánh giá: "Mọi kế hoạch vẫn đang ưu tiên cho đội tuyển, vì thế quan điểm của tôi là có thể tính phương án đưa V.League kéo dài sang năm sau. Chúng ta đành phải chấp nhận hoàn cảnh và khắc phục thôi, chứ không thể đòi hỏi một cái gì đó chuẩn chỉ cao được. Đến Olympic còn phải lùi lại 1 năm thì tôi cho rằng giải Vô địch quốc gia lùi lại cũng không có vấn đề gì quá lớn”.
Nếu tình hình dịch bệnh có thể diễn biến bất thường, những phương án khó chưa từng có tiền lệ cần được tính tới. Dĩ nhiên, điều này sẽ kéo theo chi phí hoạt động của các đội bóng tăng cao đột biến do phải trả thêm lương, phí kí hợp đồng cũng như chi phí sinh hoạt của cầu thủ.
Các nhà tổ chức đều mong sớm đưa V.League trở lại và cần sự chung tay của 14 đội bóng tham dự. Ảnh: VPF |
Tuy nhiên, ông Tú cho rằng đây là lúc mà tất cả cần sự đồng lòng: “Tôi hiểu rằng các câu lạc bộ sẽ gặp thiệt thòi khi giải đấu bị kéo dài, như vấn đề lương thưởng cho các ngoại binh là ví dụ điển hình. Tuy nhiên trong hoàn cảnh bất khả kháng hiện tại thì mỗi đơn vị chúng ta nên chia sẻ với nhau một chút".
Tất cả người hâm mộ, các cầu thủ, lãnh đạo đội bóng và nhà tổ chức giải đấu đều đang chờ đợi những tín hiệu tích cực. Nhưng, để V.League trở lại, trái bóng lại lăn trên sân cỏ thì sự chung tay của 14 đội bóng với VPF và VFF là điều hết sức cần thiết vào lúc này.
AN NGUYÊN (LĐO)