Thể thao

Thể thao cộng đồng

V.League và giai đoạn mới: Không còn sự dễ dãi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đã có những điều rất thực tế để tin rằng, V.League phải thay đổi mạnh mẽ từ thời điểm này…

Cổ động viên có những đòi hỏi cao hơn về chất lượng cũng như thái độ thi đấu của các đội bóng tại V.League. Ảnh: SLNAFC
Cổ động viên có những đòi hỏi cao hơn về chất lượng cũng như thái độ thi đấu của các đội bóng tại V.League. Ảnh: SLNAFC
Sau mùa giải 2021 bị hủy giữa chừng, có thể cho rằng, 2022 sẽ là cột mốc đánh dấu một ngã rẽ của bóng đá Việt Nam trên con đường chuyên nghiệp. Có những lý do để tin vào điều đó.
Khán giả không còn dễ dãi 
Bóng đá Việt Nam nhiều vấn đề, đó là điều cần khẳng định khi nhìn lại hành trình 2 thập kỷ lên chuyên. Và dù thừa nhận vậy, cổ động viên các đội bóng, người hâm mộ vẫn dõi theo từng mùa giải. Trước nhiều vấn đề nhạy cảm, người hâm mộ cũng chỉ “xôn xao với nhau” thay vì “hành động”.
Thực ra cũng có, nhưng không tạo ra nhiều ảnh hưởng. Khán giả vẫn đến sân, vẫn chờ đợi và hy vọng, nhưng đổi lại vẫn quá ít chất lượng. Nói một cách hình ảnh, khán giả được thưởng thức “món ăn” mà V.League mang lại mà không được quyền phản đối. Vẫn phải chấp nhận những gì tồn tại như một lẽ tự nhiên.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, chuyện các cổ động viên Sông Lam Nghệ An tẩy chay đội bóng vì thái độ thi đấu không tích cực rất được quan tâm. Điều đó cho thấy, họ không còn giam mình ở vị trí “phải chấp nhận” nữa mà sẵn sàng phản ứng mạnh nếu đội bóng “có vấn đề”.
Phản ứng ngược lại từ các cầu thủ và ban lãnh đạo là sự yếu ớt về vị thế. Họ có quyền khẳng định mình không tiêu cực, nhưng những lý giải cho những kết quả không xứng với chất lượng đội bóng lại không đủ sức nặng. Vậy nên, điều quan trọng bây giờ là đón nhận những góp ý, tự thay đổi bản thân. 
Đến lúc khán giả có quyền được thưởng thức “món ngon hơn” thay vì mất tiền để ngồi xem những trận đấu “có mùi”. Chuyện này sẽ không chỉ riêng Sông Lam Nghệ An mà cả V.League cần phải thay đổi theo hướng tích cực.
Bản quyền truyền hình giá cao
2 thập kỷ chuyên nghiệp nhưng V.League vẫn không thể tự nuôi mình bằng những sản phẩm mà giá trị mình sở hữu, trong đó có bản quyền truyền hình. Theo thời gian, chất lượng bóng đá tăng dần lên, nhưng vẫn không đủ để khiến bản quyền truyền hình trở thành miếng mồi hấp dẫn với các nhà đài.
Kêu gọi tài trợ hẳn nhiên là khó dài hạn chứ chưa thể nói đến chuyện bền vững. Bản quyền truyền hình, về thực chất, phải là nguồn thu quan trọng bậc nhất với một giải đấu.
Thế nên, tin vui với Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) là FPT đã đầu tư một số tiền lớn để mua bản quyền truyền hình V.League từ mùa giải 2023.
Tất nhiên, cũng như người hâm mộ, đơn vị sở hữu bản quyền đòi hỏi các câu lạc bộ phải làm hình ảnh đẹp hơn, các trận đấu chất lượng hơn thay vì giữ “những thói quen” không hay. Nói cách khác, giải đấu phải mang đến giá trị tương xứng với số tiền nhận được, tạo cơ sở cho việc giá bản quyền tăng cao hơn nữa trong các giai đoạn sau.
Chuẩn bị có VAR
Công nghệ video hỗ trợ trọng tài giờ đây đang là “nhân vật” quan trọng tại các giải đấu hàng đầu thế giới. Giữa những luồng quan điểm, sự xuất hiện của VAR đã cho thấy sự cần thiết, mặc dù vẫn không thể tránh khỏi những tranh cãi.
Với giải đấu nhiều vấn đề như V.League, nơi sức ép dành cho các trọng tài là vô cùng lớn, VAR sẽ giải quyết được nhiều vấn đề. Các đội bóng bớt căng thẳng hơn, nhưng cũng với “người giám sát vô hình” đó, họ cũng cần thay đổi thói quen thi đấu vốn để lại nhiều hình ảnh xấu trong quá khứ.
VAR có thể sẽ được triển khai từ mùa giải 2023-2024, khi V.League đảm bảo đủ điều kiện. Từ giờ đến thời điểm đó cũng có thể coi là thời gian để tất cả “chuẩn bị tinh thần” cho những thay đổi.
Nói tóm lại, đã có những đòi hỏi khắt khe hơn để V.League và bóng đá Việt Nam buộc phải thay đổi theo hướng tích cực, phát triển đi lên chứ không thể đi ngang mãi.
Theo Tam Nguyên (LĐO)
https://laodong.vn/the-thao/vleague-va-giai-doan-moi-khong-con-su-de-dai-1111440.ldo

Có thể bạn quan tâm