Bộ Y tế tính phương án lập Trung tâm xạ trị proton và hạt nặng, khi đi vào hoạt động, Việt Nam sẽ là quốc gia đầu tiên tại ASEAN sử dụng kỹ thuật mới này điều trị ung thư.
Bên lề hội thảo ứng dụng xạ trị proton và hạt nặng trong điều trị ung thư, PGS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc BV K cho biết, đây là phương pháp tiên tiến, hiện đại và an toàn, được nhiều nước phát triển áp dụng. Tuy nhiên tại Châu Á mới chỉ có Nhật Bản và Hàn Quốc triển khai.
PGS Thuấn cho biết, trị xạ trị bằng ion nặng cho phép xạ trị những khối u kháng với các xạ trị khác (xạ trị Cobalt, xạ trị gia tốc… ). Bên cạnh đó, thời gian xạ trị ngắn hơn, đơn cử xạ trị khối u ở phổi bằng máy gia tốc thông thường phải mất 4-5 tuần, nhưng với phương pháp xạ trị mới chỉ cần 1 lần (khoảng 10 phút).
Ông Trần Văn Thuấn, Giám đốc BV K |
Ông cũng cho biết, với các phương pháp xạ trị thông thường hay hoá trị, khó tránh khỏi ảnh hưởng đến tế bào lành hay các cơ quan kế cận quanh khối u, tuỷ xương, nhưng với phương pháp xạ trị mới, hầu như không có tác dụng phụ nên đây là biện pháp xạ trị duy nhất được áp dụng trong ung thư ở trẻ em...
Phương pháp này cũng áp dụng rất hiệu quả cho điều trị ung thư phổi, đầu cổ, tiền liệt tuyến.
Nghiên cứu từ các nước dẫn chứng, tỉ lệ bệnh nhân điều trị bằng ion nặng có kích thước khối u giảm hoặc không tăng lên sau 3 năm rất khả quan. Như ung thư phổi không tế bào nhỏ, tỉ lệ này là trên 90%; ung thư gan là 80-90%; ung thư tiền liệt tuyến là gần 100%.
Đồng nghĩa, thời gian sống của bệnh nhân ung thư cũng tăng lên, tỉ lệ sống thêm sau 3 năm của ung thư phổi giai đoạn 1 và 2 là 86%, ung thư gan là 72%; ung thư đầu cổ 74%...
Tuy nhiên cản trở lớn nhất trong việc đưa phương pháp này về Việt Nam là chi phí. Nếu làm cả 2 hệ thống, cần đầu tư 150 triệu đô (khoảng 3.500 tỷ đồng). Do đó BV K trình lên Bộ Y tế theo phương án từng bước, trước mắt triển khai xạ proton.
Tại VN, xạ trị bằng gia tốc là thế hệ xạ trị ung thư hiện đại nhất hiện nay |
Được biết trong chiều qua, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã cùng ngồi lại với các chuyên gia trong nước và nước ngoài để bàn phương án sớm thành lập trung tâm xạ trị proton và hạt nặng tại BV K. Nếu được triển khai, đây sẽ là trung tâm xạ trị hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á.
“Hiện có nhiều phương án, nếu được Chính phủ cấp kinh phí là phương án tối ưu nhất, nếu không sẽ huy động xã hội hoá, mời các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài cùng làm trên cơ sở công khai, minh bạch”, ông Thuấn cho hay.
Ông cho biết, ở nước ngoài, chi phí mỗi lần xạ trị proton mất từ 500-700 triệu đồng, tuy nhiên khi triển khai tại VN sẽ phải tính toán kỹ và chắc chắn rẻ hơn.
PGS Thuấn cũng hy vọng, BHYT sẽ cùng hỗ trợ chi trả một phần chi phí cho các bệnh nhân ung thư để nhiều người được hưởng lợi từ phương pháp điều trị tiên tiến này.
Thúy Hạnh (Vietnamnet)