Kinh tế

Doanh nghiệp

VNPT Gia Lai: Thúc đẩy chuyển đổi số ở nhiều lĩnh vực

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) hiện là đơn vị dẫn đầu ngành công nghệ thông tin (CNTT) ở nước ta với những đóng góp tích cực trong việc xây dựng nền kinh tế số. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, VNPT Gia Lai đang tập trung phát triển các ứng dụng, đẩy mạnh cung cấp giải pháp CNTT phù hợp với nhu cầu thực tế, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng.
Tại Gia Lai, xu hướng ứng dụng CNTT thúc đẩy số hóa trong nhiều lĩnh vực đang trên đà phát triển, tạo được hiệu ứng lan tỏa tích cực. Đơn cử như dịch vụ VNPT Check. Với dịch vụ này, người tiêu dùng chỉ cần quét mã tem QR Code trên sản phẩm hàng hóa là có thể nhanh chóng xác thực thông tin, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, định vị thương hiệu, quy trình sản xuất hoặc kết nối một cách dễ dàng với nhà sản xuất qua đường dẫn liên kết. Chưa đầy 2 năm triển khai trên địa bàn tỉnh, dịch vụ VNPT Check đã được hơn 60 doanh nghiệp, nhà sản xuất, tổ chức đăng ký sử dụng với số lượng tem điện tử cung cấp ra thị trường rất lớn.
Chuyên viên của VNPT (bìa trái) khảo sát vườn cây tại huyện Ia Grai để nắm bắt nhu cầu của khách hàng trong việc ứng dụng hệ thống điều khiển tưới tiêu tự động VNPT Smart Agri. Ảnh: S.C
Chuyên viên của VNPT (bìa trái) khảo sát vườn cây tại huyện Ia Grai để nắm bắt nhu cầu của khách hàng trong việc ứng dụng hệ thống điều khiển tưới tiêu tự động VNPT Smart Agri. Ảnh: S.C
Dưới góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Lê Huy Toàn-Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông-Lâm sản và Thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho rằng: “Ngày càng có nhiều doanh nghiệp, nhà sản xuất đầu tư ứng dụng CNTT vào hoạt động sản xuất là tín hiệu rất tốt. Ứng dụng tem QR Code truy xuất nguồn gốc sản phẩm về bản chất là giải pháp công nghệ mang thông tin từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng một cách nhanh nhất, thuận tiện nhất. Hiệu quả rõ nét nhất của ứng dụng này là minh bạch thông tin về quy trình sản xuất, nguồn gốc sản phẩm ra toàn xã hội, góp phần làm lành mạnh thị trường, loại bỏ các yếu tố chủ quan trong quy trình sản xuất. Giải pháp này cũng là yêu cầu căn bản nhằm hoàn thiện các tiêu chí về chất lượng sản phẩm, hàng hóa dịch vụ mà doanh nghiệp, nhà sản xuất phải có, đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng”.
Trong lĩnh vực thuế, từ năm 2018 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 7.239 doanh nghiệp và đơn vị đăng ký sử dụng dịch vụ thuế điện tử (eTax), mang lại hiệu quả tích cực. Việc phát triển hệ thống dịch vụ thuế điện tử eTax là bước đi cần thiết nhằm đáp ứng xu thế phát triển xã hội, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho cả cơ quan Thuế và người nộp thuế, hỗ trợ tối đa doanh nghiệp trong việc quản trị nội bộ lẫn thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước. Tiếp theo thành công của eTax, cơ quan Thuế đang đẩy mạnh thực hiện việc triển khai sử dụng hóa đơn điện tử có mã xác thực tại các đơn vị kinh doanh trên toàn tỉnh, hướng dẫn, hỗ trợ các đơn vị thực hiện đầy đủ các quy định của Chính phủ về hóa đơn điện tử. “Khi doanh nghiệp, tổ chức sử dụng hóa đơn điện tử thì chi phí in ấn, vận chuyển, lưu trữ giảm rõ rệt so với hóa đơn truyền thống. Mặt khác, tính bảo mật, chính xác được nâng cao nhằm tránh tình trạng làm giả hóa đơn, gian lận thương mại cũng như những rủi ro khác. Sử dụng hóa đơn điện tử cũng giúp tiết kiệm thời gian, giảm thủ tục hành chính, tăng hiệu quả cho người dân và doanh nghiệp, tạo sự yên tâm cho người mua hàng hóa, dịch vụ. Theo kế hoạch đặt ra, đến tháng 10-2020, doanh nghiệp bắt buộc phải sử dụng hóa đơn điện tử; đến tháng 11-2020, 90% hàng hóa lưu thông trên thị trường sử dụng hóa đơn điện tử”-ông Trần Viết Trà-Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế TP. Pleiku-cho biết.
Trong thời gian qua, VNPT Gia Lai đã cung cấp trên 35 dịch vụ, giải pháp CNTT, đáp ứng kịp thời các nhu cầu của từng đối tượng khách hàng, tư vấn, hỗ trợ để mang lại hiệu quả tối đa về mặt kinh tế cho khách hàng. Đơn cử như việc VNPT Gia Lai là đơn vị tiên phong triển khai dịch vụ biên lai, hóa đơn điện tử từ tháng 10-2017 tại Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trung tâm Y tế các huyện, thị xã và các doanh nghiệp trên địa bàn. Đồng thời, đơn vị phối hợp với cơ quan Thuế triển khai dịch vụ hóa đơn điện tử, mang lại nhiều tiện ích như: hạn chế thất thu ngân sách, quản lý chính xác dòng tiền, phục vụ thống kê, báo cáo, lưu trữ đám mây điện tử, tăng cường độ bảo mật. Về ứng dụng CNTT trong lĩnh vực nông nghiệp theo cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trong tháng 9-2019, VNPT Gia Lai đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Sở Nông nghiệp và PTNT với nội dung hỗ trợ, tư vấn về công nghệ thông tin như: giải pháp nông nghiệp thông minh (VNPT Smart Agri); dịch vụ xây dựng website; dịch vụ tem xác thực nguồn gốc hàng hóa VNPT Check. Trên tinh thần hợp tác đồng hành cùng thịnh vượng, hỗ trợ khách hàng một cách tốt nhất, VNPT Gia Lai đã tích cực tham gia các chương trình, hội thảo, đề án phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, của các huyện, thị xã, thành phố nhằm nắm bắt kịp thời nhu cầu của từng khách hàng, thực hiện truyền thông về các ứng dụng-dịch vụ, tư vấn đưa ra giải pháp CNTT tối ưu nhất theo từng điều kiện, yêu cầu của khách hàng.
“Với thế mạnh về hệ sinh thái CNTT, chúng tôi đặt ra mục tiêu hỗ trợ khách hàng, doanh nghiệp phát triển, đồng hành cùng thịnh vượng. Thông qua việc lắng nghe yêu cầu, nhu cầu của từng khách hàng, VNPT Gia Lai sẽ cung cấp các ứng dụng, giải pháp CNTT hiện đại trong sản xuất kinh doanh, góp phần giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả tài chính, đưa sản phẩm, dịch vụ ra thị trường một cách nhanh nhất”-ông Nguyễn Xuân Tình-Giám đốc Phòng Khách hàng tổ chức-doanh nghiệp của VNPT Gia Lai-khẳng định.
 SƠN CA

Có thể bạn quan tâm