Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Vỡ mộng về "miền đất hứa"

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Thời gian qua, chỉ vì tin vào lời dụ dỗ của kẻ xấu, nhiều người ở huyện Chư Sê đã để lại vợ con, tìm đường vượt biên ra nước ngoài với mong muốn “không làm mà cũng có ăn”. Thế nhưng, chỉ một thời gian sau, họ đã vỡ mộng với cái gọi là “miền đất hứa”.  

Cách đây hơn 2 năm, anh Siu Bút (SN 1986, ở làng Su A, xã Ia Ko, huyện Chư Sê)bị một số đối tượng xấu rủ rê, lôi kéo vượt biên sang Campuchia. Các đối tượng đã vẽ ra trước mắt anh Bút một cuộc sống mơ ước, không làm mà vẫn có ăn, được cho tiền tiêu xài thoải mái. Tin vào lời đường mật của kẻ xấu, anh đã cùng một số người khác bỏ lại vợ con vượt biên sang Campuchia. Tuy nhiên, khi vừa đặt chân đến Campuchia, anh Bút và những người cùng đi đã bị lực lượng chức năng nước sở tại giữ lại. Suốt  2 tháng sau đó, Siu Bút phải sống tại trại tị nạn của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn. Những tháng ngày bơ vơ lưu lạc nơi đất khách quê người, anh nhận ra là mình đã bị lừa.

 

Anh Rmah Ve (phải) được chính quyền xã đến tặng quà động viên. Ảnh: Đ.C
Anh Rmah Ve (phải) được chính quyền xã đến tặng quà động viên. Ảnh: Đ.C

Siu Bút chia sẻ: “Năm 2015, do thiếu hiểu biết nên tôi bị một số đối tượng xấu lôi kéo vượt biên ra nước ngoài, mong muốn có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, khi qua đến Campuchia, cuộc sống hết sức khó khăn, không có việc làm. Đến tháng 10-2015, tôi được về đoàn tụ với gia đình. Nhờ sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, đến nay, đời sống kinh tế của gia đình tôi đã dần ổn định. Tôi thấy cuộc sống hiện tại rất tốt. Tôi sẽ cố gắng chăm chỉ làm ăn để nuôi các con học hành. Nếu sau này có ai đó rủ ra nước ngoài làm ăn, tôi sẽ không đi nữa”.

Anh Rmah Ve (SN 1985, ở làng Su A, xã Ia Ko, huyện Chư Sê) cũng từng rơi vào hoàn cảnh như anh Siu Bút. Trong ngôi nhà nhỏ của mình, với khuôn mặt đượm buồn, anh Ve đã kể cho chúng tôi nghe sự thật về cái gọi là “miền đất hứa”. Năm 2015,  với 8 triệu đồng vay mượn được, nghe theo lời xúi giục của kẻ xấu, Rmah Ve đã bỏ lại vợ và 3 con nhỏ để vượt biên sang Campuchia.

Nhớ lại 2 năm sống tại Campuchia, anh cho biết đây là quãng thời gian tuyệt vọng nhất mà mình từng trải qua. Anh và một số người khác phải sống tại một nhà trọ hết sức chật hẹp, nóng bức, đồ ăn dựa vào viện trợ của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn. Biết mình bị lừa, nhiều lần Rmah Ve có ý định trở về Việt Nam, tuy nhiên không có tổ chức nào giúp đỡ. Phải đến tháng 6-2017, sau 2 năm ở Campuchia, anh mới được trở về đoàn tụ cùng gia đình trong niềm vui khôn tả. “Do người ta lừa phỉnh qua Campuchia có cuộc sống ấm no, tốt đẹp hơn ở làng mình nên tôi đã vay mượn tiền để vượt biên. Sang đến Campuchia không có việc làm, cuộc sống hết sức khó khăn, ăn uống cũng không đủ. Sau khi được hồi hương, nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương, cuộc sống gia đình tôi đã ổn định”.

Ông Rmah Vit-Trưởng ban Công tác Mặt trận làng Su A, cho biết: “Sau khi trở về địa phương, được sự quan tâm, động viên của chính quyền, các đoàn thể và gia đình, anh Bút và anh Ve đã chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”.

Câu chuyện về những cay đắng, tủi cực của Siu Bút và Rmah Ve trên đất Campuchia là lời cảnh tỉnh cho những ai đang còn nuôi mộng vượt biên đi tìm cái gọi là “miền đất hứa”. Nó chỉ là sản phẩm mà những phần tử xấu, thế lực thù địch vẽ ra để lôi kéo, dụ dỗ những người nhẹ dạ cả tin, lười làm nhưng lại ham hưởng thụ. Bởi lẽ, ai cũng biết rằng, ở bất cứ nơi đâu, muốn có cuộc sống tốt đẹp, mỗi người đều phải chăm chỉ lao động sản xuất, nỗ lực vươn lên.

Đức Chí

Có thể bạn quan tâm