Kinh tế

Tài chính

Vốn Trung Quốc tăng mạnh: Lập hàng rào chặn sai phạm...

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Việt Nam đã có hàng rào nhằm ngăn chặn sai phạm của tất cả các nhà đầu tư, nhưng hành xử trong tình huống cụ thể mới là điều đáng nói.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 4 tháng đầu năm 2019, Trung Quốc nổi lên giữ vị trí số một về số vốn đăng ký cấp mới vào Việt Nam với tổng số vốn đăng ký cấp mới là 1,3 tỷ USD, số dự án cấp mới là 187 dự án.
Trong báo cáo kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm, Viện Đào tạo nghiên cứu Ngân hàng BIDV cũng cho thấy vốn FDI tăng mạnh trong đó phần lớn từ hoạt động góp vốn, mua cổ phần và đầu tư từ Trung Quốc. Nếu tính cả hoạt động góp vốn mua cổ phần, các nhà đầu tư Trung Quốc (gồm cả Hồng Kông) đã đổ hơn 6,4 tỷ USD vào Việt Nam.
Sự đột biến về vốn đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam trong 4 tháng đầu năm được tạo ra từ sự dịch chuyển vốn khỏi Trung Quốc từ chính các doanh nghiệp của nước này. Trong ngắn hạn, sự dịch chuyển dòng vốn của các doanh nghiệp để ứng phó với căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, đồng thời tăng trưởng suy giảm là một nguyên nhân khác khiến doanh nghiệp Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư sang Việt Nam.
Trao đổi với Đất Việt bên hành lang Quốc hội, một số đại biểu đều khẳng định, vốn đầu tư rất cần thiết đối với sự tăng trưởng kinh tế của mỗi quốc gia nhưng điều quan trọng là phải lựa chọn, sử dụng như thế nào.
 
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân
Theo Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau), thực tiễn cho thấy các nhà đầu tư Trung Quốc và việc sử dụng nguồn vốn vay Trung Quốc có quá nhiều vấn đề khiến cho xã hội không yên tâm khi tiếp nhận. Dự án đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông là minh chứng sống động nhất khi liên tục đội vốn, liên tục chây ì và chậm tiến độ.
"Đó là bài học nhãn tiền mà ai ai cũng thấy lo ngại khi tiếp cận với nguồn vốn  Trung Quốc", đại biểu Lê Thanh Vân nhận xét.
Tuy nhiên, vị Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội nhấn mạnh, không vì thế mà chúng ta kỳ thị, phân biệt nguồn vốn Trung Quốc và việc thu hút vốn đầu tư của nước ngoài phải trên cơ sở bình đẳng. Vấn đề là phải kiểm soát năng lực của các nhà đầu tư và tính minh bạch của các nguồn lực huy động từ chính sách vay.
"Các cơ quan quản lý của Việt Nam phải tầm soát được độ tín nhiệm để xác định nguồn vay ở đâu cho an toàn, một mặt đạt được mục tiêu đề ra, mặt khác khôi phục sự tin tưởng của người dân đối với các nhà đầu tư nước ngoài bởi như đã nói, bài học của Trung Quốc khiến nhân dân ta phải cảnh giác.
Chúng ta không vì sai phạm của nhà đầu tư Trung Quốc mà kỳ thị họ. Trên cơ sở xem xét thận trọng, bình đẳng, chúng ta lựa chọn các nhà đầu tư tốt nhất, có uy tín để bảo đảm được tiến độ dự án, mang lại lợi ích cho đất nước", đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân bày tỏ.
Vị đại biểu lưu ý thêm, Việt Nam đã có hàng rào để sàng lọc các nhà đầu tư, nhưng hành xử trong tình huống cụ thể mới là điều đáng nói.
"Phải củng cố lại hàng rào, quan trọng nhất là phải xác định rõ trách nhiệm của những người có thẩm quyền liên quan đến việc lựa chọn nhà thầu. Nếu như chúng ta xử lý nghiêm minh, truy cứu bất cứ lúc nào, không có điểm hạ cánh an toàn thì trách nhiệm của họ sẽ được nâng cao lên", ông nhấn mạnh.
Cũng cho ý kiến về vấn đề vốn đầu tư Trung Quốc, đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) cho rằng, sử dụng nguồn vốn nước ngoài để phát triển kinh tế xã hội Việt Nam là điều hết sức cần thiết, đặc biệt là vốn Trung Quốc với lợi thế gần Việt Nam, giảm được nhiều chi phí, đồng thời có sự gần gũi, tương đồng về phong cách, lối sống, sinh hoạt...
Khẳng định việc Trung Quốc đầu tư nhiều vốn vào Việt Nam thời gian gần đây là điều đáng mừng, song đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cũng thừa nhận nhiều doanh nghiệp của Trung Quốc vào Việt Nam gây mất uy tín, khiến người dân Việt Nam thiếu tin tưởng, thậm chí lo lắng về đầu tư của Trung Quốc.
Để nâng cao hiệu quả đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt những cơ quan, đơn vị được trực tiếp hưởng vốn này, phải cân nhắc, rà soát kỹ lưỡng, kiểm tra chu đáo.
"Việc lập quy trình dự án phải có hợp đồng ký kết với doanh nghiệp Trung Quốc, trong đó nhà thầu Trung Quốc phải đảm bảo tiến độ, chất lượng và nếu các dự án đầu tư vào Việt Nam vi phạm thì phải bị xử phạt nghiêm. Có như thế mới đảm bảo dự án được thực hiện đúng theo luật pháp, phát huy vai  trò của vốn sử dụng, kiềm chế được tiêu cực, thất thoát vốn. Đây cũng là yếu tố quan trọng thuyết phục người dân đối với các dự án của Trung Quốc", đại biểu Nguyễn Ngọc Phương nói.
Thành Luân (Đất Việt)

Có thể bạn quan tâm