Thời sự - Sự kiện

Vụ 19 học sinh Trường THPT Chi Lăng đau bụng nhập viện: Không đủ căn cứ kết luận là vụ ngộ độc thực phẩm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- 

Ngày 4-7, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Gia Lai có kết luận vụ nghi ngờ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại Trường THPT Chi Lăng (TP. Pleiku). Theo đó, không đủ căn cứ để kết luận đây là vụ ngộ độc thực phẩm.

Ngày 16-6-2024, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Gia Lai nhận được tin báo nghi ngờ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại Trường THPT Chi Lăng (địa chỉ 655 Trường Chinh, phường Chi Lăng, TP. Pleiku) khiến 19 học sinh nôn ói, đau bụng nhập viện điều trị tại Bệnh viện Đại học Y dược Hoàng Anh Gia Lai.

Nhận được tin báo, Chi cục đã phối hợp với Trung tâm Y tế TP. Pleiku, Trạm Y tế phường Chi Lăng cùng Đại diện Công an Kinh tế-Công an tỉnh, Ban Giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược Hoàng Anh Gia Lai, Ban Giám hiệu Trường THPT Chi Lăng tiến hành điều tra, xác minh thông tin và lấy mẫu thực phẩm, mẫu bệnh phẩm để phân tích.

Trường THPT Chi Lăng nơi xảy ra vụ nghi ngờ ngộ độc thực phẩm. Ảnh: Như Nguyện

Trường THPT Chi Lăng nơi xảy ra vụ nghi ngờ ngộ độc thực phẩm. Ảnh: Như Nguyện

Trong đó, Bệnh viện Đại học Y Dược Hoàng Anh Gia Lai chỉ định cấy phân định danh E.coli và Samonella trong mẫu bệnh phẩm của 3 bệnh nhân do một số bệnh nhân không có triệu chứng hoặc không còn xuất hiện triệu chứng đường tiêu hoá nên không lấy mẫu. Kết quả 3/3 mẫu phân không phát hiện Samonella. 3/3 mẫu phân dương tính với E.coli nhưng không phân lập chủng gây bệnh.

Về phía Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã tiến hành niêm phong toàn bộ thức ăn lưu ngày 15-6-2024 do nhà trường tự lưu bao gồm: sườn heo chiên, canh rau má, cải thảo xào, thịt gà chiên, canh rau cải ngọt, cải thảo xào và gửi Trung tâm kiểm nghiệm An toàn thực phẩm-Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên kiểm nghiệm xác định nguyên nhân.

Kết quả kiểm nghiệm mẫu gà chiên và sườn heo chiên (theo kết quả số 24353/03 và 24353/06 ngày 26-6-2024 của Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên): Không phát hiện E.coli và Samonella.

Mẫu canh cải thảo, cải thảo xào, canh cải ngọt (theo kết quả số 24353/01, 24353/05 và 24353/04 ngày 26-6-2024 của Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên): Samonella không phát hiện, E.coli nằm trong giới hạn cho phép theo QCVN 8- 3:2012/BYT đối với ô nhiễm vi sinh vật trong thực phẩm.

Mẫu canh rau má (theo kết quả số 24353/02 ngày 26-6-2024 của Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên): Samonella không phát hiện, E.coli vượt quá giới hạn cho phép theo QCVN 8-3:2012/BYT đối với ô nhiễm vi sinh vật trong thực phẩm. Tuy nhiên, qua trao đổi với Trung tâm kiểm nghiệm An toàn thực phẩm, mẫu thức ăn lưu không đủ để định danh chủng E.coli trong thực phẩm.

Nhân viên bếp ăn Trường THPT Chi Lăng chuẩn bị thực phẩm trước khi chế biến. Ảnh: Như Nguyện

Nhân viên bếp ăn Trường THPT Chi Lăng chuẩn bị thực phẩm trước khi chế biến. Ảnh: Như Nguyện

Dựa trên triệu chứng của các bệnh nhân hầu hết có triệu chứng nhẹ thoáng qua và không phù hợp với các triệu chứng theo tài liệu chuyên sâu về nhóm E.coli gây bệnh. Bên cạnh đó, E.coli phân lập được trên mẫu thực phẩm là E.coli chung và không đủ mẫu để định danh xác định chủng E.coli gây bệnh, do đó chưa đủ căn cứ để kết luận.

Về mẫu bệnh phẩm, 3/3 mẫu bệnh phẩm được phân lập dương tính với E.coli, tuy nhiên không phân lập được chủng gây bệnh, kết quả chỉ định danh chứ không định lượng do đó cũng không đủ căn cứ để kết luận E.coli là căn nguyên.

Căn cứ hồ sơ điều tra, xác minh thông tin, đánh giá của các chuyên gia thuộc Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên đối với kết quả kiểm nghiệm mẫu thực phẩm, với kết quả kiểm nghiệm bệnh phẩm không đủ căn cứ để kết luận đây là vụ ngộ độc thực phẩm.

Có thể bạn quan tâm