Kinh tế

Doanh nghiệp

Vụ Alibaba: Kẽ hở pháp lý và trách nhiệm của ngành chức năng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công ty Alibaba cho thấy nhiều kẽ hở trong quản lý bất động sản cũng như trách nhiệm của ngành chức năng chưa rõ ràng.
Sau khi Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an  ra Quyết định khởi tố, bắt tạm giam đối với Chủ tịch HĐQT Công ty CP địa ốc Alibaba Nguyễn Thái Luyện để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhiều khách hàng của Alibaba rất mong pháp luật xét xử nghiêm minh. Cũng qua sự việc này cho thấy nhiều kẽ hở trong quản lý bất động sản cũng như trách nhiệm của ngành chức năng chưa rõ ràng. 
 Đọc lệnh bắt Nguyễn Thái Luyện – bên trong trụ sở Công ty cổ phần địa ốc Alibaba.
Đọc lệnh bắt Nguyễn Thái Luyện – bên trong trụ sở Công ty cổ phần địa ốc Alibaba.
Anh Nguyễn Phú Quý trú tỉnh Đồng Nai cho biết, khi Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba giới thiệu dự án Tân Thành Center City 5 tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; cho rằng dự án này có thể chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất thổ cư nên anh quyết định mua 4 nền. Anh Quý quyết định ký hợp đồng với Công ty Chiến Thắng (được cho là Công ty con của Công ty Alibaba nhưng pháp lý lại độc lập); đồng thời ký hợp đồng quyền chọn với Công ty Alibaba và cam kết thu mua lại với lãi suất 12% sau 6 tháng.
Thế nhưng, qua 5 lần liên hệ, Công ty Alibaba vẫn không mua lại như thỏa thuận. Sự đó sự việc càng trở nên phức tạp khi dù không có sự đồng ý của anh Quý nhưng Công ty vẫn tự ý ký nháy rút tiền của anh chuyển sang tái đầu tư sang dự án khác. Đó là hợp đồng đầu tư 7 lô đất tại Dự án Alibaba Center Phước Bình Đồng Nai. Thấy có dấu hiệu lừa đảo, anh Quý yêu cầu chấm dứt hợp đồng, rút lại vốn nhưng công ty không giải quyết.
Hôm 18/9, sau khi báo chí thông tin các lãnh đạo Công ty Alibaba bị bắt, anh Quý mong pháp luật xử lý thật nghiêm minh: “Tôi biết mình bị lừa rồi. Tôi muốn lên tiếng để nhiều người đừng bị sập bẫy Alibaba như tôi. Kiểu kinh doanh của Alibaba không làm dự án hay ra sổ chủ quyền đất là gì mà chỉ chiếm dụng vốn của khách. Họ đánh vào tâm lý ham lợi nhuận cao của khách hàng và họ trả 1-2 lần lợi nhuận (lãi suất hàng tháng) sau đó họ không trả nữa”.
Ngoài anh Quý, hôm nay, nhiều khách hàng sau khi hay tin bộ sậu lãnh đạo của Công ty Alibaba sa vòng lao lý đã không khỏi rối bời, bởi nhiều tài sản họ đầu tư vào dự án của công ty có nguy cơ mất trắng, dù rằng nhân viên của Alibaba vẫn tìm cách trấn an khách hàng.
Là người đại diện cho 3 khách hàng khiếu kiện, tố cáo Công ty Alibaba với cơ quan công an, Luật sư Trần Minh Cường–Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng, hiện nay pháp luật liên quan đến bất động sản còn nhiều kẽ hở nên chủ đầu tư có dấu hiệu lách luật, lừa đảo nhằm chiếm dụng vốn. Trường hợp của Alibaba là một ví dụ. Cho nên, các ngành cơ quan chức năng cần có những quy định chặt chẽ, rõ ràng hơn trong hợp đồng thỏa thuận, góp vốn, quyền chọn ở các dự án bất động sản.
Luật sư Trần Minh Cường cho biết: “Hiện nay, pháp luật quy định khi các dự án có đủ điều kiện huy động vốn thì chủ đầu tư được quyền ký hợp đồng mua bán với khách hàng. Tuy nhiên, các chủ đầu tư lách luật bằng cách ký các thỏa thuận dân sự nhằm huy động 1 phần vốn hoặc 95% phần vốn dưới dạng hợp đồng thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc hợp đồng góp vốn xây dựng hạ tầng, hợp tác đầu tư… Bản chất của các hợp đồng mua bán này đều lách luật dưới những tiêu đề khác nhau. Cơ quan chức năng cần xem xét lại vấn đề này và có quy định cụ thể, chặt chẽ hơn”.
Theo ông Phạm Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM thì đây là vụ việc xảy ra thời gian gian dài và có nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo của khách hàng nhưng các cơ quan chức năng chưa làm hết trách nhiệm của mình. Để tránh tình trạng đáng tiếc xảy ra trong thời gian tới thì các địa phương phải làm nghiêm vấn đề này.
Ông Phạm Ngọc Hưng cho biết: “Vấn đề quan trọng hiện nay là cơ quan quản lý Nhà nước không làm nghiêm việc này, vì nếu là người dân khi sửa nhà đổ đống cát thì trước nhà thì có lực lượng quản lý đô thị tới hỏi. Còn đây là những dự án rất lớn và rao bán rầm rộ mà các cơ quan quản lý nhà nước không ngó ngàng, khi xảy ra sự việc, có hành vi lừa đảo đảo rồi thì cơ quan chức năng mới nhảy vào. Để hạn chế tình trạng này thời gian tới, các địa phương phải kiểm soát chặt chẽ, phải quy trách nhiệm người đứng đầu các địa phương và cơ quan chức năng liên quan như thanh tra xây dựng, địa chính… khi xảy ra trên địa bàn thì họ phải chịu trách nhiệm”.
Lệ Hằng/VOV-TPHCM

Có thể bạn quan tâm