Trước đó, từ ngày 20-2, hàng ngàn bác sĩ thực tập đã đình công để phản đối kế hoạch tăng chỉ tiêu tuyển sinh của các trường y. Trong khi Chính phủ muốn đối phó tình trạng thiếu hụt bác sĩ vốn dự kiến còn tăng, thì các bác sĩ lại lo ngại về chất lượng đào tạo và dịch vụ.
Hệ lụy từ việc các bác sĩ đình công kéo dài và vẫn chưa có dấu hiệu sẽ ngừng lại đã gây ra nhiều rắc rối cho hệ thống y tế. Dẫn đến việc người bệnh không được thăm khám, phẫu thuật, còn các bệnh viện lớn thì thiệt hại hàng tỷ won mỗi ngày. Chính vì lẽ đó, nhiều bệnh viện ở Hàn Quốc đã yêu cầu Chính phủ mở rộng các khoản vay lãi suất thấp cho họ trong bối cảnh hoạt động điều trị bị gián đoạn.
Các bác sĩ ở Hàn Quốc tham gia đình công. Ảnh: REUTERS |
TTXVN cho biết, trước đó, 40 trường đại học trên toàn Hàn Quốc đã yêu cầu nâng chỉ tiêu tuyển sinh thành 3.401 suất mới trong năm 2025, cao hơn nhiều so với kế hoạch tăng thêm 2.000 suất của Chính phủ và cao hơn so với tổng chỉ tiêu hàng năm là 3.058 suất.
Được biết, theo kế hoạch của Chính phủ, chỉ 20% chỉ tiêu tăng thêm sẽ được phân bổ cho các trường y trong và lân cận Seoul, phần còn lại được phân bổ cho các trường ở khu vực ngoại ô Seoul, qua đó phù hợp với mục tiêu của kế hoạch tăng hạn ngạch cải thiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở những khu vực này.
Lý giải cho vấn đề này, Hàn Quốc cho biết, nước này có tỷ lệ bác sĩ trên dân số thấp nhất trong số các nước phát triển, do đó Chính phủ đang nỗ lực tăng số lượng bác sĩ. Tuy nhiên, kế hoạch này đã vấp phải phản đối từ các bác sĩ và thực tập sinh. Họ lý luận rằng tăng chỉ tiêu vào trường y sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng, trong khi vấn đề thực sự là tiền lương và điều kiện làm việc, chứ không phải số lượng bác sĩ, TTO cho biết.