TN - Đất & Người

Vụ bò sữa chết ở Lâm Đồng: Đề nghị doanh nghiệp lên phương án bồi thường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tỉnh ủy Lâm Đồng đề nghị khẩn trương nghiên cứu các quy định, chính sách để xây dựng kế hoạch, phương án bồi thường hỗ trợ, cho người nuôi bò sữa bị ảnh hưởng, thiệt hại.
Một gia đình phải thuê xe kéo con bò gần 800kg đi tiêu hủy. (Ảnh: Chu Quốc Hùng/TTXVN)

Một gia đình phải thuê xe kéo con bò gần 800kg đi tiêu hủy. (Ảnh: Chu Quốc Hùng/TTXVN)

Tỉnh Lâm Đồng vừa thông báo Kết luận của Tỉnh ủy về nội dung cuộc làm việc với Đoàn công tác của Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và các đơn vị, địa phương có liên quan về tình hình phòng, chống và điều trị bệnh tiêu chảy trên đàn bò sữa.

Đáng chú ý, tại cuộc họp, lãnh đạo Tỉnh ủy Lâm Đồng đề nghị Công ty Cổ phần Thuốc thú y Trung ương (NAVETCO) phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ đảm bảo thỏa đáng và đúng quy định.

Tình hình bệnh tiêu chảy trên đàn bò sữa ở 3 địa phương Đức Trọng, Đơn Dương, Lâm Hà diễn biến phức tạp. Đây là vấn đề ngoài mong muốn của địa phương cũng như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Vấn đề hết sức nghiêm trọng vì các lý do liên quan đến lĩnh vực chăn nuôi, thú y; việc sử dụng vaccine viêm da nổi cục tiêm cho bò sữa; vấn đề trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn, chính quyền từ Trung ương đến địa phương, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân.

Tỉnh ủy Lâm Đồng đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, Ủy ban Nhân dân các huyện triển khai phương án phù hợp để điều trị cho đàn bò; tiếp tục cách ly bò bệnh để điều trị, chăm sóc, giảm nguy cơ bò chết; có phương án tập hợp bò có tình trạng bệnh nặng, nguy cơ chết cao về địa điểm tập trung để cứu chữa; tích cực sử dụng phác đồ được công bố trong quá trình điều trị. Đồng thời, phổ biến rộng rãi phác đồ điều trị đến các địa phương, cơ sở, từng hộ chăn nuôi bò sữa, kể cả những nơi chưa xảy ra bệnh để triển khai thực hiện và có phương án chuẩn bị, không để bị động, bất ngờ.

Bò của nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng bị chết. (Ảnh: Chu Quốc Hùng/TTXVN)

Bò của nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng bị chết. (Ảnh: Chu Quốc Hùng/TTXVN)

Đối với các vấn đề về vaccine viêm da nổi cục cho bò do Công ty Cổ phần Thuốc thú y Trung ương (NAVETCO) sản xuất, Tỉnh ủy Lâm Đồng đề nghị làm rõ quy trình đấu thầu; quá trình giao, nhận và bảo quản vaccine; các quy trình, hướng dẫn sử dụng và các vấn đề liên quan khác về việc lần đầu tiên sử dụng chủng loại vaccine viêm da nổi cục Navet-Lpvac để tiêm cho đàn bò trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Tỉnh ủy Lâm Đồng đề nghị khẩn trương nghiên cứu các quy định, chính sách để xây dựng kế hoạch, phương án bồi thường hỗ trợ, cho người dân bị ảnh hưởng, thiệt hại. Căn cứ kết luận nguyên nhân gây bệnh (sau khi được công bố chính thức), xác định rõ trách nhiệm của các bên liên quan trong việc bồi thường, hỗ trợ; đánh giá cụ thể tình hình từng hộ chăn nuôi về từng loại, tình trạng bò để xác định mức hỗ trợ, bồi thường phù hợp, thỏa đáng, đúng quy định.

Tỉnh ủy Lâm Đồng chỉ đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh tổ chức họp báo ngay sau khi có văn bản chính thức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thông tin đầy đủ về tình hình, diễn biến bệnh tiêu chảy trên đàn bò, quá trình triển khai phòng, chống, cứu chữa và công bố nguyên nhân bò bị bệnh.

Ông Trần Đình Nam ở tổ 2, thôn Bồng Lai, xã Hiệp Thạnh (huyện Đức Trọng) bên con bò sữa bị chết. (Ảnh: Chu Quốc Hùng/TTXVN)

Ông Trần Đình Nam ở tổ 2, thôn Bồng Lai, xã Hiệp Thạnh (huyện Đức Trọng) bên con bò sữa bị chết. (Ảnh: Chu Quốc Hùng/TTXVN)

Tỉnh ủy Lâm Đồng đề nghị Cục Thú y, Công ty Cổ phần Thuốc thú y Trung ương (NAVETCO) phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh và các cơ quan chuyên môn của tỉnh trong quá trình triển khai công tác phòng, chống, điều trị bệnh tiêu chảy ở bò; hỗ trợ nhân lực, trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc men, đảm bảo cung ứng đầy đủ phục vụ công tác cứu chữa đàn bò.

Theo báo cáo mới nhất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, trong 24 giờ từ ngày 18 đến ngày 19/8, trên địa bàn toàn tỉnh đã tăng thêm 380 con bị bệnh ở huyện Đơn Dương, 7 con bò bị chết thuộc 2 huyện Đơn Dương và Đức Trọng.

Lũy kế đến 16 giờ ngày 19/8, toàn tỉnh có 6.439 con bệnh, 348 con bị chết; 718 con bò hồi phục.

Tỉnh Lâm Đồng vẫn duy trì 136 người trực tiếp điều trị điều trị cho các đàn bò mắc bệnh, gồm 3 người là cán bộ thú y trung ương; 86 người thuộc lực lượng cán bộ thú y cấp huyện.

Tỉnh duy trì 21 người thuộc lực lượng cán bộ thú y các doanh nghiệp, đơn vị chăn nuôi, kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi trên địa bàn tỉnh tham gia điều trị; duy trì lực lượng 465 người tham gia phòng chống dịch, tiêu hủy bò bị bệnh thuộc các xã, huyện có bệnh. Hiện nay, lượng vật tư, thuốc thú y cơ bản đáp ứng nhu cầu điều trị bò bị bệnh hằng ngày.

Trước đó, từ ngày 7/8, phóng viên TTXVN đã liên tục thông tin về tình hình bệnh tiêu chảy sau khi tiêm vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục trên đàn bò sữa ở vùng trọng điểm bò sữa của tỉnh Lâm Đồng. Vụ việc trên gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hàng trăm hộ chăn nuôi bò sữa trên địa bàn tỉnh bởi hầu hết các nông hộ này đều thế chấp nhà cửa, vay vốn ngân hàng để đầu tư cho đàn bò sữa với số vốn hàng tỷ đồng.

Ngày 14/8, căn cứ triệu chứng lâm sàng, mổ khám kiểm tra bệnh tích, kết quả xét nghiệm và giải trình tự gene, Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã có báo cáo về nguyên nhân chính gây bệnh tiêu chảy ở đàn bò sữa tại tỉnh Lâm Đồng.

Cục Thú y bước đầu kết luận nguyên nhân chính gây bệnh tiêu chảy ở đàn bò sữa tại tỉnh Lâm Đồng là do bò bị nhiễm virus mang tên Pestivirus tauri sau khi tiêm vaccine phòng viêm da nổi cục của Công ty Cổ phần Thuốc thú y Trung ương (NAVETCO) sản xuất.

Theo Chu Quốc Hùng (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm