Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Vu lan báo hiếu – nét đẹp trong văn hóa người Việt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đạo hiếu vốn là giá trị truyền thống cốt lõi và rất quan trọng trong văn hóa Việt Nam, khuyến khích con cái tôn trọng và chăm sóc cha mẹ, cũng như những người già trong gia đình. Báo hiếu với tổ tiên, ông bà, cha mẹ là nét đẹp văn hóa của người Việt từ bao đời nay.

Khi những cơn gió thu se lạnh thổi về là một mùa Vu lan nữa lại đến, như nhắc nhở lòng người nhớ về tổ tiên nguồn cội, tri ân công lao trời biển của mẹ cha. Vu lan là một ngày lễ lớn quan trọng của đạo Phật.

Trong đạo nghĩa uống nước nhớ nguồn và tín ngưỡng tâm linh thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam, ngày lễ Vu lan đã trở thành nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Đây là thời gian để mỗi người thực hành và khắc sâu hạnh nguyện "tứ trọng ân": Ân dưỡng dục sinh thành của cha mẹ; ân quốc gia xã hội; ân Tam bảo Sư trưởng, thầy cô dạy học và ân chúng sinh vạn loại.

Ngày nay, lễ Vu lan không chỉ đơn thuần là một ngày lễ tôn giáo thiêng liêng mà còn là một ngày lễ của tình người, có ý nghĩa đặc biệt sâu sắc, hướng mỗi người trở về với cội nguồn dân tộc, trở về với đạo lý "uống nước nhớ nguồn".

Báo hiếu ông bà, cha mẹ là nét đẹp văn hóa của người Việt Nam. Ảnh minh họa.
Báo hiếu ông bà, cha mẹ là nét đẹp văn hóa của người Việt Nam. Ảnh minh họa.

Theo Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, hiếu đạo vốn là truyền thống quý báu tốt đẹp của Phật giáo từ ngàn xưa. Với tư tưởng từ bi nhân ái, triết lý nhân sinh cao cả, Phật giáo đã góp phần không nhỏ vào việc củng cố và thăng hoa đạo lý "uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa" của dân tộc Việt Nam. Một trong tứ trọng ân mà mỗi người Phật tử không bao giờ quên, đó là đạo hiếu với dân tộc, tinh thần nhân đạo - nhân văn.

Ba trụ cột văn hóa quan trọng nhất ở Việt Nam là gia đình – cộng đồng làng xã và quốc gia dân tộc. Đức báo ân trong Phật giáo có khả năng tạo lập chất keo gắn kết các cá nhân với gia đình, cộng đồng và xã hội. Điều này thể hiện qua Đại lễ Vu lan báo hiếu không chỉ nhắc nhở chúng ta tưởng nhớ đến thâm ân chư Phật, công ơn giáo dưỡng của thầy Tổ, công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ và trên tất cả, Vu lan là dịp để mỗi chúng ta bày tỏ sự tri ân sâu sắc đến đất nước, đồng bào, đến các Mẹ Việt Nam Anh hùng, nhớ tới ơn đức hy sinh cao cả của các bậc tiền bối, anh hùng liệt sỹ đã vị quốc vong thân, vì hòa bình, hạnh phúc cho dân tộc Việt Nam.

Không bia đá, không tượng đài, không một chút hoa mĩ, cầu kỳ, các anh đã mãi ra đi khi đang tuổi thanh xuân. Sự hy sinh cao cả của các anh đã giúp cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau hiểu rằng: “Chữ hiếu cá nhân đôi khi đành phải lặng lẽ bỏ lại phía sau, để báo đáp thâm ân với Tổ quốc, dân tộc và ân với chúng sinh vạn loại", Hòa thượng nói.

Lễ Vu lan đã trở thành truyền thống tinh thần báo hiếu, báo ân phù hợp với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người dân Việt, là Đại lễ mang tinh thần đậm nét nhân văn. Dịp lễ Vu lan, với những ai còn hạnh phúc được cài trên ngực bông hoa hồng nhung là còn được sống trong tình yêu thương của cha mẹ, còn có cơ hội báo đáp công ơn, chăm sóc đấng sinh thành.

"Công cha như núi Thái Sơn/Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra/Một lòng thờ mẹ, kính cha/Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con". Cuộc sống có biết bao nhiêu tình cảm cao đẹp, đáng trân quý nhưng thiêng liêng, ấm áp, cao cả mà thầm lặng nhất vẫn là tấm lòng yêu thương vô bờ bến, sự hy sinh của cha mẹ dành cho con cái. Tình cảm đó mỗi người đều mang theo từ lúc còn bé dại, thơ ngây cho đến khi khôn lớn, trưởng thành.

Được sinh ra trên cõi đời này đã là một ân đức rất lớn của cuộc đời, chúng ta hãy sống với lòng biết ơn và sống trọn đạo hiếu làm con để cuộc sống thêm tốt đẹp hơn. Chăm lo phụng dưỡng cha mẹ lúc tuổi già, khi ốm đau, san sẻ niềm vui, nỗi buồn, cầu cho cha mẹ được hưởng phúc lành, đó là cách thực hành hiếu đạo tốt nhất để tri ân, tưởng nhớ công lao ơn đức, dưỡng dục của sinh thành. Không phải cho đến khi cha mẹ nhắm mắt, xuôi tay, sửa soạn mâm cao, cỗ đầy, đốt nhiều vàng mã mới là yêu thương cha mẹ. Ông bà ta có câu "lễ bạc lòng thành", lễ vật không quan trọng bằng cái tâm của người dâng cúng. Điều quan trọng là phải thành tâm, không đốt vàng mã, phóng sinh, vừa lãng phí, vừa ảnh hưởng đến môi sinh, môi trường.

"Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ/Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha". Hiếu nghĩa phải bắt đầu từ tâm, từ mỗi hành động nhỏ mỗi ngày, trong mỗi gia đình, đừng để cha mẹ phải buồn phiền.

Không chỉ là cách biết ơn những bậc sinh thành, mỗi người cũng cần thực hành đức tri ân, báo ân, đề cao đức hiếu sinh, tình yêu với quê hương với đất nước, tinh thần tôn sư trọng đạo, yêu thương đồng bào – những nền tảng nuôi dưỡng ta trở thành con người có giá trị, có phẩm cách, đạo đức và trí tuệ, sống trọn vẹn với đạo hiếu hạnh, đạo làm người.

Có thể bạn quan tâm