Kinh tế

Nông nghiệp

Vụ mùa 2022: Thâm canh lúa chất lượng cao để tăng năng suất

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trước tình hình giá phân bón và vật tư nông nghiệp đang ở mức cao, vụ mùa năm nay, bà con nông dân trong tỉnh tập trung đẩy mạnh thâm canh lúa chất lượng cao nhằm tăng năng suất, chất lượng cây trồng.


Thâm canh lúa chất lượng cao

Từ đầu tháng 4, Sở Nông nghiệp và PTNT đã xây dựng kế hoạch sản xuất vụ mùa 2022 dựa trên điều kiện thời tiết từng vùng, địa phương; đồng thời, định hướng cho người dân sản xuất các loại cây trồng phù hợp với nhu cầu thị trường. Đặc biệt, nhiều địa phương đã chủ động hỗ trợ giống lúa chất lượng cao giúp bà con nông dân sản xuất theo mô hình cánh đồng một giống.

Nông dân xã An Phú (TP. Pleiku) xuống giống lúa nước vụ mùa 2022. Ảnh: Nguyễn Diệp
Nông dân xã An Phú (TP. Pleiku) xuống giống lúa nước vụ mùa 2022. Ảnh: Nguyễn Diệp


Để cung ứng giống lúa tốt, loại bỏ các giống lẫn tạp ra khỏi đồng ruộng, đồng thời hướng dẫn người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tiết kiệm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích, vụ mùa năm nay, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã Ayun Pa đã triển khai mô hình “Thâm canh lúa chất lượng cao” tại phường Đoàn Kết và xã Chư Băh trên diện tích 22,6 ha với 77 hộ tham gia. Giống lúa được triển khai là Đài Thơm 8. Tổng kinh phí thực hiện mô hình là trên 351,7 triệu đồng, trong đó, vốn ngân sách thị xã hơn 253,3 triệu đồng, phần còn lại do người dân đối ứng. Tham gia mô hình, người dân được hỗ trợ 70% giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật và được tập huấn kỹ thuật. Đến thời điểm hiện tại, việc cấp phát lúa giống đã hoàn thành.

Ông Nguyễn Thái Nguyên-Phó Chủ tịch UBND xã Chư Băh-cho hay: Việc tham gia mô hình “Thâm canh lúa chất lượng cao” giúp bà con làm quen với các giống lúa có độ thuần cao, chất lượng tốt. Nhờ áp dụng quy trình sản xuất ICM và IPM mà lượng lúa giống giảm từ 20-25 kg/sào xuống còn 15-16 kg/sào. Cùng với đó là giảm lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thay thế dần bằng phân hữu cơ nhằm bảo vệ đất, tạo ra sản phẩm an toàn, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Trong khi đó, vụ mùa năm nay, huyện Chư Păh tập trung xây dựng cánh đồng một giống tại 4 xã: Ia Ka, Ia Mơ Nông, Ia Khươl, Ia Phí trên diện tích khoảng 490 ha bằng những giống lúa chất lượng cao như: J02, HN6, ĐT100, OM18. Ông Nguyễn Công Sơn-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-cho biết: “Đây là bước đột phá nhằm giúp người dân sản xuất đại trà trong những vụ tới. Chúng tôi cũng đã mở các lớp tập huấn kỹ thuật canh tác và phòng trừ sâu bệnh gây hại, chờ thời tiết thuận lợi, bà con sẽ xuống giống đồng loạt để quản lý, chăm sóc theo quy trình kỹ thuật”.

Tương tự, huyện Mang Yang cũng đã xây dựng mô hình liên kết sản xuất gắn tiêu thụ lúa gạo chất lượng cao. Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Võ Minh Quang: Vụ mùa 2022, từ nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp huyện khoảng 100 triệu đồng, đơn vị phối hợp cùng Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Đak Trôi xây dựng mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm và chuyển giao công nghệ sản xuất lúa Ba Chăm tại xã Đak Trôi trên diện tích khoảng 17 ha, có 30 hộ tham gia. Hiện tại, người dân bắt đầu xuống giống và chăm sóc theo hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn.

Xuống giống đồng bộ

Theo ông Nguyễn Thanh Quang-Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ayun Pa, để gieo sạ lúa vụ mùa theo đúng kế hoạch và đạt hiệu quả cao trong điều kiện biến đổi khí hậu, đơn vị đã chủ động thông báo kế hoạch, lịch gieo sạ cụ thể đến từng xã, phường. Theo đó, trà lúa sớm bắt đầu gieo sạ từ ngày 1 đến 7-6, áp dụng cho diện tích chủ động được nguồn nước. Bà con sử dụng các giống lúa có thời gian sinh trưởng từ 105 ngày trở lại như: OM6976, OM18, Đài Thơm 8, Nếp 97, MT10, Q5. Lúa đại trà bắt đầu gieo sạ từ ngày 10 đến 25-6; sử dụng các giống có thời gian sinh trưởng 90-100 ngày trở lại như: OM5451, OM18, Đài Thơm 8, Lộc Trời 1, ĐV108, ML49, TH6, Q5, Nếp 97. Trà lúa muộn áp dụng với những chân ruộng cao, nước về muộn, sử dụng các giống IR50404, ML48, khuyến cáo kết thúc gieo sạ lúa vụ mùa trước ngày 30-6 để tránh thiệt hại do mưa bão làm giảm năng suất, sản lượng cây lúa.

2 Hiện tại bà con nông dân thị xã Ayun Pa đang tập trung gieo sạ đảm bảo kịp thời vụ. Ảnh: Vũ Chi
Hiện nông dân thị xã Ayun Pa đang tập trung gieo sạ đảm bảo kịp thời vụ. Ảnh: Vũ Chi
Hiện toàn tỉnh đã xuống giống hơn 126.593 ha cây trồng các loại, đạt trên 57,2% kế hoạch, cao hơn so với cùng thời điểm năm 2021. Qua theo dõi cho thấy, các loại sâu bệnh hại trên cây trồng đều giảm so với năm ngoái.

Ngoài ra, đối với những vùng có khả năng bị hạn, các địa phương tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi sang cây trồng cạn như: bắp, mè, đậu, rau… Diện tích chuyển đổi cũng phải gieo trồng tập trung nhóm cây trồng để dễ điều tiết nước tưới. “Chúng tôi khuyến cáo người dân lựa chọn vật tư có chất lượng, nguồn gốc rõ ràng để phục vụ sản xuất. Chi phí đầu tư sản xuất vụ mùa tiếp tục tăng cao. Do vậy, người dân hạn chế sử dụng phân vô cơ mà chuyển sang sử dụng các loại phân hữu cơ, lân vi sinh, phân chuồng hoai mục để giảm chi phí sản xuất, tăng độ phì nhiêu cho đất, giúp cây trồng sinh trưởng phát triển tốt, tăng hiệu quả kinh tế”-ông Quang nói.

Còn ông Nguyễn Công Sơn thì cho hay: Tại những khu vực thuận lợi, người dân đang tập trung làm đất, xuống giống vụ mùa theo lịch thời vụ. Đặc biệt, 4 xã sản xuất theo mô hình cánh đồng một giống sẽ xuống giống đồng loạt để dễ chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh gây hại, giúp cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt.

Tại khu vực phía Đông tỉnh, vụ mùa năm nay thời tiết diễn biến thuận lợi giúp người dân tập trung xuống giống lúa và rau màu các loại. Theo ông Nguyễn Hiệp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Pơ: Hiện mực nước tại các công trình thủy lợi còn cao, người dân kỳ vọng vụ mùa năm nay đạt năng suất và sản lượng.

Trao đổi với P.V, ông Trần Xuân Khải-Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh-cho biết: Từ đầu tháng 4, Sở Nông nghiệp và PTNT đã có văn bản hướng dẫn các địa phương sản xuất vụ mùa sớm hơn mọi năm; đồng thời, tham mưu giúp UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất an toàn, chất lượng. Bên cạnh đó, ngành tập trung hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và hợp tác xã đẩy mạnh sản xuất nông sản xuất khẩu thông qua thiết lập, xây dựng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, tổ chức sản xuất theo hướng nông nghiệp tốt, tuần hoàn, hữu cơ đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu.

 

 VŨ CHI - NGUYỄN DIỆP

 

Có thể bạn quan tâm