Pháp luật

Vụ siêu lừa chiếm đoạt 433 tỉ: Căn cứ để đại gia đòi 122 tỉ đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đại gia Đặng Nghĩa Toàn cho rằng không bị Nguyễn Thị Hà Thành chiếm đoạt tiền gửi tiết kiệm và đề nghị các ngân hàng giải tỏa và trả sổ.
Cả đại gia Đặng Nghĩa Toàn (ảnh) cùng luật sư đều cho rằng không có quan hệ vay mượn với siêu lừa Nguyễn Thị Hà Thành. Ảnh: Việt Dũng

Cả đại gia Đặng Nghĩa Toàn (ảnh) cùng luật sư đều cho rằng không có quan hệ vay mượn với siêu lừa Nguyễn Thị Hà Thành. Ảnh: Việt Dũng

Trong một ngày (18.3), TAND Hà Nội tiếp tục phiên sơ thẩm xét xử 26 bị cáo trong vụ án Nguyễn Thị Hà Thành lừa đảo chiếm đoạt hơn 433 tỉ của 3 ngân hàng và 4 cá nhân, với phần bảo vệ quan điểm trả, không trả số tiền liên quan đến đại gia Đặng Nghĩa Toàn.

Theo công bố bản luận tội của Viện KSND Hà Nội, đề nghị toà buộc bị cáo Thành bồi thường cho VietABank 249 tỉ đồng, bồi thường cho NCB 47,5 tỉ đồng và cho PVcomBank 49,4 tỉ đồng.

Đối với số tiền 122 tỉ đồng mà ông Toàn có trong các sổ tiết kiệm gửi 3 ngân hàng, Viện Kiểm sát đề nghị giữ lại để giải quyết việc vay mượn.

Tại tòa, luật sư bảo vệ quyền lợi của đại gia Toàn đề nghị toà tuyên 3 ngân hàng trên phải trả cho thân chủ mình 122 tỉ đồng trong các sổ tiết kiệm.

Luật sư cho rằng, ông Toàn và vợ khi gửi tiền vào 3 ngân hàng trên đều đúng quy định pháp luật. Toàn bộ số tiền vợ chồng ông Toàn gửi vào ngân hàng đều có giấy tờ nộp tiền đầy đủ chữ ký của các cán bộ có thẩm quyền và được đóng dấu pháp nhân của ngân hàng.

Luật sư tiếp tục khẳng định giữa thân chủ mình và Nguyễn Thị Hà Thành không phải là quan hệ vay - mượn tiền.

Về việc vay hay không, trước đó Thành khai tại toà rằng bị cáo có vay và trả lãi cho đại gia Toàn. Và bản thân ông này khi đưa sổ tiết kiệm cho Hà Thành đã biết bị cáo dùng để vay tiền ngân hàng. Thành còn khai trả lãi cho ông Toàn số tiền hàng chục tỉ, cũng như đã trả gốc 35 tỉ đồng.

Căn cứ tiếp theo, luật sư cho hay, trước đó các ngân hàng đã cam kết giải tỏa sổ tiết kiệm cho vợ chồng đại gia Đặng Nghĩa Toàn.

Luật sư đưa ra luận cứ rằng, lời khai của Thành đã khẳng định rõ ông Toàn không hề biết về mục đích, hành vi của bị cáo mà chỉ gửi tiền vào các ngân hàng do Thành chỉ định để hưởng lãi suất.

Ý chí chủ quan của bị cáo nhằm mục đích móc nối với ngân hàng để thực hiện các thủ tục vay vốn được ngân hàng dễ dàng giải ngân vốn vay và chiếm đoạt tiền.

Từ đó, luật sư cho hay, các ngân hàng phải tự chịu trách nhiệm toàn bộ với quyết định giải ngân vốn vay khi căn cứ vào các hồ sơ, giấy tờ giả mạo do các bị cáo thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản cung cấp.

Trình bày tại tòa ngày 18.3, luật sư của các ngân hàng nêu trên đều chung quan điểm khi cho rằng quá trình tố tụng, Hà Thành thừa nhận quan hệ với ông Toàn là quan hệ vay tiền. Bị cáo này nhiều lần hứa hẹn sẽ có nghĩa vụ trả nợ cho các đồng sở hữu tại 3 ngân hàng.

Luật sư của PVcomBank đánh giá đây là quan hệ dân sự được xác lập bằng lời nói. Các ngân hàng là công cụ đảm bảo cho quan hệ dân sự này.

Căn cứ các quy định hiện hành, luật sư đánh giá hợp đồng vay tiền trả lãi cao giữa bị cáo Thành và vợ chồng ông Toàn được phát sinh từ thỏa thuận giữa 2 bên.

"Nguyễn Thị Hà Thành đã dùng các ngân hàng để làm công cụ tài chính rút tiền vay từ vợ chồng ông Toàn và những người đồng sở hữu khác", luật sư nêu quan điểm và cho rằng người phải trả tiền cho ông Toàn phải là Hà Thành.

Có thể bạn quan tâm