Điểm đến Gia Lai

“Vua ghè” ở Ayun Pa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hơn 20 năm qua, anh Nguyễn Công Trứ (SN 1968, trú tại 106 Trần Hưng Đạo, thị xã Ayun Pa) dành nhiều thời gian, công sức và tiền của cho việc sưu tầm hiện vật liên quan đến đời sống văn hóa, phong tục tập quán, lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số trong vùng, đặc biệt là các loại ghè.

Hiện anh đang sở hữu khoảng trên 3.500 chiếc ghè. Tên gọi “vua ghè” Ayun Pa cũng từ đây mà có.

Anh Nguyễn Công Trứ (bìa trái) hiện sở hữu khoảng trên 3.500 chiếc ghè và được mệnh danh là “vua ghè” ở Ayun Pa. Ảnh: Bá Tính

Anh Nguyễn Công Trứ (bìa trái) hiện sở hữu khoảng trên 3.500 chiếc ghè và được mệnh danh là “vua ghè” ở Ayun Pa. Ảnh: Bá Tính

Theo giới thiệu của anh Ksor Phúc-một người từng công tác trong ngành Văn hóa, chúng tôi đến gặp anh Nguyễn Công Trứ tại nhà riêng. Mới nhìn vào trong nhà, thật bất ngờ khi thấy đây là một cửa hàng sửa chữa, mua bán đồ điện tử với ngổn ngang các loại ti vi, loa đài. Như đoán biết được những thắc mắc của chúng tôi, anh Trứ cười giải thích: Đây là nơi anh sửa chữa và bán đồ điện tử. Còn nơi trưng bày ghè cách đây khoảng hơn 1 km, ở số 411 Trần Hưng Đạo, thị xã Ayun Pa.

Nhâm nhi ly trà đặc, anh Trứ chậm rãi tâm sự câu chuyện sưu tầm ghè của mình. Anh quê ở xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Cha mẹ anh rời quê hương lên vùng đất Chư Prông lập nghiệp khi anh chưa chào đời. Sau đó, cha mẹ anh lại chọn vùng đất Phú Bổn để an cư lập nghiệp.

Anh Trứ mê đồ gốm sứ từ khi còn bé. Ngày trước, đối diện nhà anh là một quán cơm, lúc nào cũng tấp nập người ra vào ăn uống. Trong số thực khách của quán, anh thấy có những nhóm người mặc đồ dân tộc Chăm, hỏi ra mới biết họ từ vùng Ninh Thuận, Bình Thuận lên mua đồ gốm sứ. Mỗi lần thấy họ thu mua được nhiều đồ gốm, anh lại lân la đến xem rồi năn nỉ họ bán lại cho mình vài món đồ để cất giữ lại. Cứ như vậy, đồ gốm của anh ngày một nhiều lên. Hầu như tất cả số tiền thu được từ tiệm mua bán, sửa chữa điện tử anh đều chuyển qua mua đồ gốm sứ.

Sau này, thấy anh mê đồ gốm sứ, nhiều người trong vùng mang đến tận nhà bán cho anh. Anh Trứ quan niệm, người dân đã mang đồ đến là anh mua hết. Với những món đồ quý đắt giá, nếu không đủ tiền thì anh đi vay mượn của người thân để mua bằng được.

Ngoài ra, khách đến sửa đồ điện tử, mua ti vi, đầu câm, âm ly... nếu không có tiền có thể thỏa thuận trao đổi với anh bằng ghè hoặc các hiện vật dân tộc học khác. Theo thời gian, đồ gốm sứ trong nhà ngày một nhiều lên, căn nhà nhỏ không còn đủ chỗ để cất giữ những hiện vật anh mua về.

Năm 2008, anh Trứ bàn với vợ mua thêm lô đất có diện tích 1.400 m2 ở số 411 Trần Hưng Đạo (thị xã Ayun Pa) để làm nơi trưng bày gốm sứ. Đến đây tham quan, chúng tôi có cảm giác choáng ngợp khi trước mắt mình đâu đâu cũng thấy đồ gốm sứ.

Ở giữa khu đất anh làm hồ thủy sinh, xung quanh là 4 tầng giá trưng bày, phía trước là ngôi nhà sàn xinh xắn để khách ngồi uống trà và chiêm ngắm hiện vật.

Anh Trứ tự hào cho biết, nhà anh trưng bày nhiều dòng gốm như: Chu Đậu, Quảng Đức, Gò Sành, Lái Thiêu, Cây Mai, Cây Me... với đủ các kích thước lớn nhỏ, các loại ghè có tai (từ 1 tai cho đến 12 tai), đủ các màu sắc và đủ các niên đại...

Nhưng có một điều anh Trứ không dám khẳng định là mình có bao nhiêu cái ghè, ước tính có khoảng trên 3.500 chiếc. Và thật không quá lời khi chúng tôi gọi anh là “vua ghè” Ayun Pa.

Hiện tại, không gian trưng bày ghè của anh Trứ khá chật chội, nhưng anh cho biết vẫn tiếp tục sưu tầm thêm. Ai có nhu cầu trao đổi các loại ghè anh vẫn sẵn lòng.

Anh ấp ủ mong muốn sẽ xây dựng một bảo tàng tư nhân chuyên trưng bày các loại ghè, nhưng còn e ngại các thủ tục pháp lý liên quan. Hy vọng trong thời gian tới, từ cơ sở vật chất, số lượng hiện vật hiện có, với sự tư vấn của các cơ quan chức năng liên quan, mong muốn xây dựng một bảo tàng ghè của anh Trứ sẽ trở thành hiện thực.

Có thể bạn quan tâm