(GLO)- Các tài liệu lịch sử đã ghi nhận Vua Lửa đời thứ 11 Siu Ất là người lãnh đạo cuộc nổi dậy giết chết viên quan cai trị Pháp Odend’hand năm 1905 và coi đây là sự kiện tiêu biểu cho tinh thần chống Pháp của đồng bào Jrai trước khi có Đảng.
Tuy nhiên, điều có lẽ còn ít người được biết là có một Vua Nước (Pơtao Ia) cũng đã nổi dậy chống Pháp. Sự việc này đã được chính Henri Maitre-nhà thám hiểm địa lý người Pháp ghi chép trong “Les Jungles Moi” (Rừng người Thượng)-một công trình khảo sát toàn diện nhất về Tây Nguyên.
Như chúng ta biết, sau khi đặt ách đô hộ lên Tây Nguyên, thực dân Pháp cũng lập tức áp đặt các loại thuế, xâu để bóc lột, vơ vét. Không chỉ người Kinh, đồng bào dân tộc cũng phải đóng thuế đinh (thuế thân). Sau này, toàn quyền Đông Dương Paul Doumer thay việc nộp thuế bằng hiện vật sang tiền mặt. Để có tiền nộp thuế, đồng bào buộc phải đi làm công cho “nhà nước” hoặc các đồn điền mỗi năm hàng chục ngày. Chính sách bóc lột, vơ vét của thực dân Pháp đã dẫn đến sự xáo trộn lớn trong đời sống của đồng bào các dân tộc; làm dấy lên tinh thần phản kháng mạnh mẽ đối với chính sách sưu thuế của chúng. Một người Pháp viết: “Trong mắt họ, thuế chỉ là một thứ tiền phạt; còn lao dịch là một cảnh nô lệ mà đầu óc độc lập dữ tợn của họ không thể nào chấp nhận. Một công việc, thậm chí nhẹ nhàng, đối với họ là một gánh nặng nếu nó do một người thứ ba chỉ huy. Vì thế, rất dễ hiểu là các cố gắng của chúng ta để thiết lập các cơ sở đều bị chống đối…”.
Trong bối cảnh đó, tháng 12-1897, phái viên của Tòa khâm sứ Stung Treng (bấy giờ thực dân Pháp quy định phần đất phía Đông Gia Lai thuộc sự điều hành của Tòa khâm sứ Stung Treng, Campuchia) đến “lãnh địa” của Vua Nước đã bị tấn công. Không thấy Henri Maitre ghi tên, tuổi nhưng căn cứ vào thời điểm xảy ra sự kiện thì có thể suy đoán đó là vị Vua Nước Rơ Chăm Bo (1897-1955). Trước đó, vào tháng 1-1894, khi chưa “kế vị”, chính Rơ Chăm Bo cũng đã lãnh đạo một cuộc nổi dậy chống lại “phái bộ” do phái viên Tòa khâm sứ Stung Treng cầm đầu xâm nhập vùng đất của mình.
Tác giả không ghi chi tiết, chỉ cho biết “ông ta (phái viên tòa sứ) bị tấn công và xua đuổi”. “Lần này được sự thành công lần trước khích lệ và làm cho bạo dạn hơn, vị Sadet (tức Vua Nước) cũng “đón tiếp” đúng như vậy một chuyến khảo sát mới do phái viên Stung Treng tiến hành”. Henri Maitre, rất tiếc đã không cho biết diễn biến cụ thể nhưng qua vài thông tin vắn tắt có thể thấy: Rút kinh nghiệm của cuộc thâm nhập lần trước, lần này đoàn phái viên được cử thêm nhiều lính tham gia. Với một lực lượng áp đảo, cuộc nổi dậy của Vua Nước đã bị chúng đàn áp khốc liệt: “Làng ông ta bị đốt ra tro và người của ông chịu nhiều tổn thất”. Trước tình thế đó, Vua Nước đã phải “rời bỏ triền đất của ông và sang ở gần người đồng sự của ông là Sadet Lửa (tức Vua Lửa) bên triền sông Ayun; ít lâu sau, ông ta mới quay trở lại...”.
Khác với cuộc nổi dậy của Vua Lửa Siu Ất năm 1905 chủ yếu là do niềm tin tâm linh bị xúc phạm, cuộc nổi dậy của Vua Nước lại mang tính chất phản kháng ách cai trị, áp bức của thực dân Pháp. Có thể xem hành động này là truyền thống khởi đầu cho sự bất hợp tác với quân xâm lược sau này, dù chúng có ý định lôi kéo Vua Nước vào các mưu đồ chính trị trên đất cao nguyên.
NGỌC TẤN