Sống trẻ - Sống đẹp

"Vua" trùn quế xứ Quảng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Với việc mạnh dạn đầu tư và dày công chăm sóc mô hình nuôi trùn quế (giun đỏ), chàng trai 29 tuổi được người dân ưu ái gọi là "vua trùn quế xứ Quảng" thu nhập gần 200 triệu đồng mỗi năm.

Chúng tôi ghé thăm khu trang trại nuôi trùn quế của anh Võ Văn Trúc (29 tuổi, thôn Phước Cẩm, xã Bình Tú, H.Thăng Bình, Quảng Nam) khi anh vừa “ráo” tay bón các chậu nuôi trùn, anh nói: “Trùn quế là loại khá dễ tính. Nuôi không khó chút nào, chỉ cần hiểu được tập tính, chăm sóc đúng kỹ thuật thì nó sẽ mang lại nguồn kinh tế rất cao”. Được coi là người có công đầu tiên trong việc đưa trùn quế về Quảng Nam, nên người dân ưu ái gọi anh Trúc là “vua trùn quế xứ Quảng”.

 

Anh Trúc giới thiệu sản phẩm trùn quế của trang trại.
Anh Trúc giới thiệu sản phẩm trùn quế của trang trại.

Anh đến với nghề nuôi trùn quế như một cơ duyên. Trong một lần xa quê vào TP. HCM làm ăn, tình cờ biết được mô hình nuôi trùn quế đầu tiên ở Việt Nam thông qua một chương trình trên truyền hình. Thấy thú vị, năm 2012 anh mua 10kg trùn quế giống mang về quê nuôi thử nghiệm. “Ban đầu, mình chỉ nuôi chơi để cải thiện chất đất cũng như làm thức ăn cho gà, vịt. Về sau thấy mô hình rất thích hợp, mang lại kinh tế cao nên quyết định đầu tư nuôi kinh doanh”, anh Trúc chia sẻ.

Vốn ít, lợi nhuận cao

Tận dụng phần đất còn bỏ trống của gia đình, anh Trúc bắt tay vào xây dựng trang trại với quy mô hơn 200 m2. “Trước đây tôi cũng đã từng thử sức với các trang trại nuôi gà, ếch, lươn… nhưng đầu ra không ổn định, lợi nhuận thấp nên đã thất bại”, anh nhớ lại.

Để có được những thành công như ngày hôm nay, trong quá trình nuôi anh vừa tìm hiểu học hỏi thêm kinh nghiệm từ nhiều trại trùn giống trên cả nước. Cũng theo anh Trúc, trùn quế là loài sinh sản nhanh. Nếu điều kiện sống thích hợp mỗi năm chúng có thể tạo ra từ 1.000 - 1.500 cá thể. “Nuôi trùn quế không khó, vốn ít mà lợi nhuận mang lại cao”, anh Trúc cười nói.

Sau hơn 3 năm nuôi, đến nay anh Trúc có 3 khu nuôi gồm: khu trùn quế giống, trùn thịt và phân trùn. Đầu tư hệ thống phun sương để giữ ấm cho chuồng trại, anh còn luôn lưu ý để chuồng trại được tưới nước thường xuyên, giữ nhiệt độ và độ ẩm thích hợp từ 20 - 28 độ C để trùn phát triển.

Trang trại nuôi trùn quế phải tránh ánh nắng trực tiếp chiếu quá nhiều, nếu không trùn sẽ chết. Anh Trúc chia sẻ, trùn quế có thể nuôi quanh năm, chỉ cần chăm sóc từ 1 - 2 tháng là có thể xuất bán một lần. Trùn giống thì có giá từ 100.000 - 150.000 đồng/kg, phân trùn hữu cơ 5.000 - 7.000 đồng/kg và trùn thịt từ 60.000 - 80.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, trang trại của anh có thể thu về gần 200 triệu đồng mỗi năm.

Cũng theo anh Trúc, để trùn phát triển nhanh và sinh trưởng tốt đòi hỏi phải đảm bảo chế độ ăn phù hợp. Cứ 2 ngày cho ăn 1 lần, thức ăn chủ yếu là phân động vật và các chất thải hữu cơ có thể phân hủy trong môi trường tự nhiên.

“Cái khó nhất hiện nay là thức ăn cho trùn. Trùn chủ yếu ăn phân động vật là chính, nhưng nguồn thức ăn này đang ngày càng thiếu hụt”, anh nói thêm. Không chỉ chăm lo cho trang trại mình, “vua” trùn quế xứ Quảng còn có khoảng 20 trại trùn quế vệ tinh khác trên địa bàn Quảng Nam. Anh cung cấp giống, hỗ trợ kỹ thuật nuôi và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho các trại…

Mạnh Cường/thanhnien

Có thể bạn quan tâm