Xã hội

Lao động - Việc làm

Vui buồn chuyện tăng lương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong thời điểm doanh nghiệp gặp khó khăn, người lao động đã không đòi hỏi mà sẵn lòng "đồng cam cộng khổ".

Đầu tháng 7, ngay khi Nghị định 74/2024/NĐ-CP quy định tiền lương tối thiểu (LTT) vùng được ban hành, Ban Giám đốc Công ty TNHH Phát triển thương mại Tuyết Hạnh (quận Gò Vấp, TP HCM) đã có buổi đối thoại với tập thể người lao động (NLĐ). Theo đó, do tình trạng thiếu đơn hàng và đồng yen Nhật giảm nên doanh nghiệp (DN) buộc phải lùi thời gian tăng lương cho NLĐ. Dù vậy, ban giám đốc cam kết mức LTT của NLĐ vẫn trên 5 triệu đồng/tháng - cao hơn mức LTT vùng mới.

Sẻ chia từ hai phía

Khi ban giám đốc thông báo, gần 200 lao động tại công ty dù buồn nhưng không bất ngờ bởi ai cũng hiểu tình cảnh khó khăn của DN hiện tại.

Bà Huỳnh Thị Mỹ Liên, một công nhân (CN), cho biết kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, công ty đã nhiều lần rơi vào khủng hoảng, phải tạm ngưng sản xuất. Ban giám đốc đã rất nỗ lực nối lại đơn hàng để CN có việc làm song khó khăn vẫn chưa thể khắc phục. Do vậy, việc DN không thể tăng lương nằm trong dự tính của nhiều CN, nên họ rất đồng cảm.

Một phần bởi những người ở lại đều là CN lâu năm, muốn làm việc cho tới lúc nghỉ hưu và ban giám đốc cũng muốn tạo điều kiện để họ gắn bó. "Công ty gặp khó nhiều năm liền nhưng ban giám đốc không bỏ rơi CN. Thời điểm khởi sắc, dù Chính phủ không tăng lương thì công ty vẫn sẵn lòng tăng và cải thiện chất lượng bữa ăn giữa ca. Do vậy, cho dù DN khó khăn đến mấy, chúng tôi vẫn quyết tâm bám trụ" - bà Liên bộc bạch.

Tình hình tại Công ty CP Bách Hưng Sinh (chuyên may kimono, KCN Tân Bình, TP HCM) cũng không khá hơn khi đơn hàng đang vào mùa thấp điểm. Ban giám đốc buộc phải tính đến phương án giảm giờ làm và sắp xếp cho CN làm việc luân phiên. Với các bộ phận giảm giờ làm, công ty trả lương bằng với mức LTT vùng và hỗ trợ tiền cơm; nếu NLĐ không muốn nghỉ chờ việc thì công ty sẽ sắp xếp cho làm việc khác bộ phận.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Duyên, Chủ tịch Công đoàn công ty, do tình hình DN không thuận lợi, ban giám đốc đã thương lượng với Công đoàn mong muốn lùi thời hạn tăng lương đến cuối năm và thông tin cụ thể tình hình cho NLĐ biết. Do trong tháng 7-2023, DN đã chủ động tăng 7% đơn giá sản phẩm nên mức LTT mà DN đang áp dụng là 5,1 triệu đồng/người/tháng, cao hơn LTT Chính phủ quy định.

Hiểu được khó khăn của DN nên NLĐ không có ý kiến thắc mắc hoặc bức xúc gì. "NLĐ và DN đều có cái khó riêng nên cần sự chia sẻ từ hai phía. Trong trường hợp này, NLĐ đã đồng lòng chia sẻ cùng DN" - bà Duyên cho biết.

Công nhân Công ty CP Bách Hưng Sinh luôn đồng hành vượt khó với doanh nghiệp

Công nhân Công ty CP Bách Hưng Sinh luôn đồng hành vượt khó với doanh nghiệp

Hài hòa lợi ích

Ở một số DN ít khó khăn hơn, ban giám đốc đã cố gắng cân đối tài chính để bảo đảm việc điều chỉnh lương từ ngày 1-7.

Tại Công ty TNHH Tai Nan International Vietnam (quận 8, TP HCM), từ tháng 7, hơn 340 CN đã được tăng lương thêm 280.000 đồng/người. Sau khi điều chỉnh, mức LTT công ty áp dụng là 5,55 triệu đồng/người/tháng. Theo bà Lê Thị Thúy Hằng, Chủ tịch Công đoàn công ty, thời điểm này DN đang gặp nhiều thách thức từ việc giảm đơn hàng cộng với đơn hàng khó thực hiện khiến khâu cắt vải chậm tiến độ kéo theo đó là không đủ việc làm cho các khâu khác.

Để kịp tiến độ xuất hàng, DN buộc phải tính tới phương án xuất hàng bằng đường hàng không thay vì đường thủy nên chi phí đội lên không ít. Dù gặp nhiều trở ngại nhưng Công đoàn và ban giám đốc luôn nỗ lực chăm lo cho NLĐ. Cùng với việc tăng lương, Công đoàn đã đề xuất DN tăng khẩu phần ăn cho CN và tặng thêm mỗi người một hộp sữa tươi để bồi bổ sức khỏe.

"Thực tế, mức tăng 280.000 đồng/người chưa phải lý tưởng, song khi thương lượng, Công đoàn công ty phải cân nhắc rất nhiều vấn đề, trong đó có khả năng tài chính của DN. DN trụ được thì NLĐ mới có việc làm, do vậy, khi đề xuất tăng lương, Công đoàn cũng phải xem xét nguyện vọng và khả năng của hai phía để hài hòa lợi ích" - bà Hằng nói.

Tương tự, dù đơn hàng khan hiếm, Công ty TNHH Quilling Card Vietnam (chuyên sản xuất các loại thiệp giấy, bao bì; quận Gò Vấp) vẫn quyết định tăng lương cho NLĐ, đồng thời giữ nguyên 7% phụ cấp tay nghề cho hơn 550 CN. Hiện nay, mức LTT mà công ty áp dụng từ ngày 1-7 là 5,3 triệu đồng/người/tháng. Sau khi điều chỉnh, thu nhập thấp nhất của NLĐ tại công ty đạt hơn 6 triệu đồng/người/tháng.

Đại diện Công đoàn công ty cho biết đặc thù của DN là NLĐ làm việc thủ công, yêu cầu sự tỉ mỉ. Những năm gần đây, việc tuyển dụng CN tại công ty vô cùng khó nên DN luôn cố gắng giữ họ ở lại lâu dài. Để làm được điều đó, DN phải bảo đảm thu nhập cho CN. Trong thời điểm đơn hàng ít, khi Công đoàn yêu cầu thương lượng về việc tăng lương, DN vẫn đồng thuận.

Giám sát điều chỉnh LTT vùng

Theo ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Chính sách và Pháp luật Tổng LĐLĐ Việt Nam, hiện nay, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã phân cấp cho các cấp Công đoàn cơ sở tuyên truyền và giám sát việc thực hiện tăng LTT vùng. Công đoàn cơ sở cần đề xuất, giám sát người sử dụng lao động có trách nhiệm triển khai và thực hiện mức LTT vùng theo đúng quy định mới. Trường hợp thang lương, bảng lương của DN không còn phù hợp, cần rà soát, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Đồng thời, phối hợp rà soát các thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể và các quy chế, quy định của người sử dụng lao động để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.

N.Tú

Có thể bạn quan tâm