Sống trẻ - Sống đẹp

Thế giới trẻ

“Vững bước trên con đường hoàn lương”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Để giúp những người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng, Công an xã Hà Tam (huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai) đã tham mưu giúp chính quyền địa phương thành lập mô hình “Vững bước trên con đường hoàn lương”. Mô hình này góp phần giúp đỡ những người từng lầm lỗi xóa bỏ mặc cảm, vươn lên làm người có ích cho xã hội.

Trong lúc trò chuyện với chúng tôi, anh L.T.V. (SN 1980, trú tại thôn 1, xã Hà Tam) có nhắc đến quá khứ lầm lỗi của mình. Theo đó, năm 2021, anh cùng một số người lén lút khai thác gỗ trái phép tại xã Chư Krêy, huyện Kông Chro. Vụ việc bị phát hiện, anh bị Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân huyện Kông Chro kết án 4 tháng tù về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”.

Nhiều người chấp hành xong án phạt tù ở xã Hà Tam được hỗ trợ vay vốn để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Ảnh: R.H

Nhiều người chấp hành xong án phạt tù ở xã Hà Tam được hỗ trợ vay vốn để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Ảnh: R.H

Những tháng ngày chấp hành án phạt tù, anh V. luôn tự nhủ phải cải tạo tốt để sớm được đoàn tụ với gia đình. Sau khi chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương, mặc cảm về quá khứ lầm lỗi của mình nên anh sống khép mình. Cuộc sống gia đình vốn đã khó khăn lại càng thêm bế tắc. Biết được hoàn cảnh của anh, cán bộ chính quyền và Công an xã thường xuyên đến động viên, nắm bắt tâm tư để tìm cách tháo gỡ.

“Tháng 10-2023, tôi được chính quyền địa phương hướng dẫn làm thủ tục vay 100 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Đak Pơ. Tôi dùng số tiền này mua 2 con bò sinh sản về nuôi và đầu tư trồng 1,4 ha bạch đàn, hơn 1 sào lúa để phát triển kinh tế gia đình. Để đáp lại sự quan tâm, giúp đỡ của địa phương, tôi sẽ cố gắng làm ăn, phát triển kinh tế; nhắc nhở người thân trong gia đình, bà con hàng xóm tránh vi phạm pháp luật”-anh V. bày tỏ.

Cũng vì ăn chơi lêu lổng, anh L.Đ.T. (SN 1981, trú cùng thôn) đã vướng vào vòng lao lý. Cụ thể, tháng 2-2021, trong một lần tham gia đánh bạc, anh bị lực lượng Công an phát hiện, bắt quả tang. Sau đó, anh T. bị Tòa án nhân dân huyện Đak Pơ kết án 7 tháng cải tạo không giam giữ. Được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và lực lượng Công an, anh đã nỗ lực cải tạo tốt để tái hòa nhập cộng đồng.

“Hiện tại, tôi làm nghề cắt tóc và chăn nuôi bò. Thời gian tới, tôi sẽ đề xuất với chính quyền địa phương hướng dẫn các thủ tục vay vốn để đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Ngẫm lại những lầm lỗi trong quá khứ, tôi rất ân hận và tự nhủ sẽ cố gắng sống tốt, giáo dục con cái trở thành người có ích cho xã hội”-anh T. bộc bạch.

Đại úy Đinh Suơ-Trưởng Công an xã Hà Tam-cho hay: Hầu hết những người chấp hành xong án phạt tù tại địa phương đều chấp hành tốt các quy định pháp luật. Tuy nhiên, nhiều người trong số này không có việc làm ổn định nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, chính quyền địa phương và Công an xã thường xuyên tiếp xúc để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng nhằm có giải pháp hỗ trợ phù hợp, tránh trường hợp tái phạm.

Để giúp đỡ người chấp hành án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng, tháng 6-2023, Công an xã Hà Tam đã tham mưu giúp UBND xã thành lập mô hình “Vững bước trên con đường hoàn lương” với 10 thành viên. Sau khi thành lập, đơn vị đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật để những người từng lầm lỗi nâng cao nhận thức, ý thức, tránh tái phạm.

Ngoài ra, UBND xã đã phân công các ban, ngành, đoàn thể chịu trách nhiệm giáo dục, giúp đỡ và hướng dẫn các thành viên tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống, chăm lo phát triển kinh tế hộ gia đình. Đồng thời, chính quyền xã phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện hỗ trợ cho 5 thành viên trong mô hình được vay vốn đầu tư phát triển kinh tế với tổng số tiền 370 triệu đồng.

Trao đổi với P.V, Thiếu tá Nguyễn Viết Dũng-Đội trưởng Đội Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (Công an huyện Đak Pơ) thông tin: Sau khi tham gia mô hình “Vững bước trên con đường hoàn lương”, những người chấp hành xong án phạt tù đã có sự thay đổi về suy nghĩ, tự tin hòa nhập cộng đồng, tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế và tham gia các hoạt động do địa phương tổ chức. Thời gian tới, Công an huyện Đak Pơ sẽ nhân rộng mô hình này tại xã Tân An và Cư An, góp phần giúp người lầm lỡ vững bước trên con đường hoàn lương, hạn chế tái vi phạm pháp luật.

Có thể bạn quan tâm