Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Vùng căn cứ cách mạng chuyển mình phát triển

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- 5 xã phía Nam của huyện Mang Yang (tỉnh Gia Lai) gồm: Lơ Pang, Kon Thụp, Kon Chiêng, Đêr Ar và Đak Trôi trước đây là căn cứ cách mạng. Sau ngày thống nhất, đồng bào các dân tộc nơi đây không cam chịu đói nghèo, quyết tâm thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nỗ lực xây dựng đời sống ấm no.

Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả

Trước đây, người dân 5 xã phía Nam sống chủ yếu độc canh cây lúa cạn nên thường thiếu đói lúc giáp hạt. Cuộc sống của người dân luẩn quẩn trong vòng khốn khó. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, người dân đã mạnh dạn thay đổi nếp nghĩ, cách làm, biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để cải thiện thu nhập.

Chị Ayom, làng Chưp chăm sóc đàn dê. Ảnh: Đinh Yến
Chị Ayom (làng Chưp, xã Lơ Pang) chăm sóc đàn dê. Ảnh: Đinh Yến



Gia đình chị Ayom (làng Chưp, xã Lơ Pang) vốn chỉ biết làm lúa rẫy. Năm 2018, gia đình chị được Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên hỗ trợ 1 con bò sinh sản và 3 con dê giống. Do chưa có kinh nghiệm chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh nên đàn gia súc chậm lớn, vào thời điểm chuyển mùa thường bị bệnh. Nhờ được cán bộ nông nghiệp xã hướng dẫn kỹ thuật nuôi nên bò, dê của gia đình khỏe mạnh, chóng lớn. “Đến nay, gia đình duy trì đàn dê và bò gần chục con. Tôi tham gia Nông hội chăn nuôi để có điều kiện trao đổi kinh nghiệm chăm sóc, phát triển đàn dê, bò. Đặc biệt, chúng tôi thường xuyên thông tin với nhau về thị trường tiêu thụ, cập nhật giá cả con giống, giới thiệu với nhau những địa chỉ cung cấp con giống chất lượng, cơ sở thu mua uy tín”-chị Ayom chia sẻ.

Ông Thok-Chủ nhiệm Nông hội chăn nuôi dê, bò làng Chưp-cho biết: 70% hộ dân trong làng đang nuôi bò, dê. Điều đáng mừng là bà con tích cực tham gia Nông hội, qua đó tiếp cận thêm được nhiều kiến thức bổ ích giúp chăm sóc đàn gia súc đúng kỹ thuật, phát triển tốt. “Người dân trong làng dành diện tích trồng cỏ, tận dụng phế phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho dê, bò và làm chuồng trại đảm bảo vệ sinh môi trường. Đồng thời, bà con còn nuôi giống dê lai sinh sản cho hiệu quả kinh tế cao hơn”-ông Thok bày tỏ.

Nhận xét về Nông hội chăn nuôi dê, bò ở làng Chưp, ông Đinh Kăi-Phó Chủ tịch UBND xã Lơ Pang-cho rằng: “Từ khi Nông hội được thành lập, hoạt động chăn nuôi gia súc của người dân đã có hiệu quả cao hơn. Đây là một trong những chủ trương giúp các hộ chăn nuôi kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc cũng như tìm kiếm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Thời gian tới, xã Lơ Pang tiếp tục nhân rộng mô hình nông hội tại 6 làng còn lại”.

Tương tự, mô hình sản xuất gạo Ba Chăm của người dân xã Đak Trôi cũng là hướng đi hứa hẹn nhiều triển vọng. Bà Trương Thị Đào-Chủ tịch UBND xã-cho hay: Toàn xã hiện có khoảng gần 400 ha lúa, phần lớn trồng giống lúa Ba Chăm trên những thửa ruộng bậc thang. Giống lúa này có thân to, cao, sức đề kháng tốt, được đồng bào Bahnar chọn lọc qua nhiều đời, canh tác theo phương thức truyền thống, chất lượng gạo rất tốt. “Gạo Ba Chăm có hàm lượng dinh dưỡng cao, dẻo cơm và mùi thơm nhẹ. Gạo ngon nên được nhiều người tìm mua. Hiện một số doanh nghiệp tìm về đặt hàng để người dân trồng lúa Ba Chăm, sau đó thu mua lúa xay xát, đóng gói bán ra thị trường”-bà Đào thông tin.  

Nông thôn khởi sắc

Làng Pờ Yầu (xã Lơ Pang) nằm chon von trên đỉnh núi, cách trung tâm xã chừng 7 km. Mấy năm trước, con đường độc đạo lổn nhổn đất đá lên đỉnh Pờ Yầu là nỗi ám ảnh cho bất kỳ ai một lần đặt chân đến. Giờ đây, con đường đã được đổ bê tông rộng rãi, sạch sẽ. Ông Ayưr-Bí thư Chi bộ làng Pờ Yầu-chia sẻ: “Không có niềm vui nào vui hơn khi con đường bê tông từ trung tâm xã lên làng Pờ Yầu được đưa vào sử dụng giữa năm 2020. Ngày trước, từ trung tâm xã lên tới làng mất 2 giờ đồng hồ nhưng bây giờ thì chưa đầy 30 phút. Cũng nhờ con đường bê tông này mà Pờ Yầu không còn là “ốc đảo” cách trở. Hạ tầng giao thông đã mở ra cơ hội trong sản xuất, giao thương, giao lưu văn hóa, góp phần giúp người dân thoát nghèo bền vững”.

Cầu Đờ Gơ bắc qua sông Ayun nối gần hơn 5 xã phía Nam về trung tâm huyện Mang Yang. Ảnh: Đinh Yến
Cầu Đờ Gơ bắc qua sông Ayun nối gần hơn 5 xã phía Nam về trung tâm huyện Mang Yang. Ảnh: Đinh Yến


Không chỉ có Pờ Yầu, 100 hộ dân người Tày, Nùng, Mường, Dao, Sán Chỉ di cư từ các tỉnh, thành khác nhau sống rải rác tại các xã Kon Chiêng, Đak Trôi, Kon Thụp cũng phấn khởi khi được đến định cư tại làng Dơ Nâu, xã Kon Thụp. Ông Lương Đình Lực-Chủ tịch UBND xã Kon Thụp-cho biết: Tháng 10-2021, chính quyền địa phương vận động các hộ dân tộc thiểu số di cư từ các tỉnh khác về định cư ổn định ở làng mới. Xã cũng đã thống kê và phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn giúp những lao động chưa có việc làm, đời sống khó khăn tìm việc làm phù hợp để cải thiện thu nhập. Các ngành, các cấp cũng tích cực giải quyết đất sản xuất, đất ở cho các hộ dân. Những giải pháp này giúp người dân có điều kiện thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Ông Tô Văn Giàu (dân tộc Tày, làng Dơ Nâu) phấn khởi chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi rất khó khăn, thiếu đất sản xuất, nhà ở, việc vận chuyển hàng hóa rất gian nan. Về nơi định cư mới, chúng tôi có đất, có nhà ở, đường sá đi lại thuận tiện nên yên tâm gắn bó mảnh đất này để xây dựng cuộc sống mới”.

Ông Lê Trọng-Chủ tịch UBND huyện Mang Yang-thông tin: “Với những giải pháp đồng bộ, kết hợp các chương trình, dự án hỗ trợ, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tạo sự đồng thuận và phát huy ý chí tự lực vươn lên trong Nhân dân, đến nay, 5 xã phía Nam huyện đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội được đầu tư khang trang; nhiều mô hình sản xuất mới phát huy hiệu quả tích cực, đời sống người dân được cải thiện rõ rệt”.

 

 ĐINH YẾN

Có thể bạn quan tâm