Điểm đến Gia Lai

Vùng đất của những người trường thọ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ở xã Nam Yang (huyện Đak Đoa) có 129 cụ già sống đến độ tuổi trường thọ (từ 80 tuổi trở lên). Những người tuổi từ 60 đến 80 của xã cũng chiếm tới vài trăm. Các cụ già đều sống rất khỏe mạnh, minh mẫn dù họ cho biết, không có bí quyết gì ngoài lối sống thanh đạm và điều độ.

Ông Nguyễn Tẩu-Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã cho biết những thông tin thú vị: Toàn xã có 576 hội viên người cao tuổi, trong đó có 3 người trên 100 tuổi là bà Trần Thị Diễn (106 tuổi), bà Huỳnh Thị Lý (102 tuổi) và cụ ông Nguyễn Lương (101 tuổi). Số người trên 90 tuổi cũng rất nhiều. “Các cụ đều có con đàn cháu đống, sống vui vẻ sum vầy. Con cháu hiếu thuận, thành đạt là yếu tố khiến các cụ tự nhiên sống vui sống khỏe, cộng với khí hậu ôn hòa của vùng thung lũng này nên các cụ già ở đây rất khỏe mạnh, ít đau ốm”-ông Tẩu cho biết.

 

Dù đã 101 tuổi nhưng ông Nguyễn Lương (trái) vẫn giữ được sắc vóc khỏe mạnh. Ảnh: H.N
Dù đã 101 tuổi nhưng ông Nguyễn Lương (trái) vẫn giữ được sắc vóc khỏe mạnh. Ảnh: H.N

Ở độ tuổi 87, ông Nguyễn Tẩu vẫn hài hước cho rằng mình còn “trẻ” so với hàng trăm cụ cao niên trong xã. Sau một cuộc điện thoại gọi cho người bạn già, chừng dăm phút đã thấy ông Nguyễn Lương thong thả trên chiếc xe đạp cũ xuất hiện. 2 người bạn già ngồi uống nước mía dưới gốc cây si già trước Bưu điện xã, chuyện trò sôi nổi về cuộc sống, về công việc của con cháu. Nói vậy để thấy tuổi tác dường như không chạm đến cái nếp sinh hoạt còn rất trẻ trung ở những bậc cao niên này.

Ông Nguyễn Lương làm chúng tôi kinh ngạc trước sắc vóc khỏe mạnh ở tuổi trường thọ. Ông ăn vận gọn gàng với quần tây và sơ mi, đội chiếc mũ phớt sẫm màu. Hàng ngày ông vẫn đi lại trên chiếc xe đạp cũ mà không cần phiền tới con cháu. Ông Lương nói rằng, rất lâu rồi ông không biết ốm đau là gì ngoài vài cơn hắt hơi, sổ mũi. Ông cũng không bị đau nhức xương khớp như thường thấy ở những người già cả và huyết áp luôn duy trì ổn định. Ông chia sẻ: “Tôi không có bí quyết gì ngoài lối sống điều độ. Mỗi ngày tôi ngủ sớm-lúc 9 giờ tối và thức dậy lúc 5 giờ sáng để tập thể dục. Tôi tập không nhiều, sáng 15 phút, chiều 15 phút nhưng duy trì thường xuyên, không bỏ ngày nào. Mỗi bữa ăn chỉ lưng chén cơm, ăn nhiều rau và hạn chế cá thịt. Chỉ vậy thôi nhưng không bao giờ tôi biết đến một viên thuốc”. Ông Lương cũng có quan niệm rất khác về thuốc bổ, vì thế, dù con cháu có thương ông già cả, muốn bồi bổ mua cho ông cũng không dùng tới. “Đã nói tới thuốc là để “giã” bệnh. Mình không có bệnh tật thì không việc gì phải dùng đến thuốc, cho dù là thuốc bổ”-ông nói. Hiện ông có khoảng 150 người con, cháu, chắt. Nhiều người trong xóm vẫn tin tưởng nhờ ông xem ngày cưới hỏi, làm nhà... Điều này cho thấy ông không chỉ khỏe mạnh về thể chất mà trí óc vẫn rất minh mẫn.

Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết, trong số 129 cụ thượng thọ của xã Nam Yang có 18 cặp vợ chồng; trong đó có những người sống trong khó khăn, thiếu thốn nhưng vẫn rất khỏe mạnh như vợ chồng ông Mai Nhiên và Lê Thị Thí.

Vợ chồng ông Mai Nhiên (97 tuổi) và bà Lê Thị Thí (91 tuổi) sống trong ngôi nhà được chắp vá từ những miếng tôn và ván ép bên hông ngôi chùa Linh Sơn. Ngôi nhà hướng ra đường, trên sân có gốc bồ đề cổ thụ tỏa bóng mát rượi giữa nắng chiều. Con cái của ông bà có người đã mất vì tuổi cao, người còn sống cũng khó khăn, vất vả. Ông bà sống dựa vào nhau, vào trợ cấp dành cho người cao tuổi của Nhà nước, mỗi tháng 270 ngàn đồng/người. Ở độ tuổi xưa nay hiếm, hàng ngày ông vẫn chống gậy đi chơi khắp làng trên xóm dưới, gặp gỡ những người bạn già, kể dăm ba câu chuyện phiếm. Ông nói, ông bà luôn tìm thấy những niềm vui nho nhỏ từ cuộc sống thường nhật và  nhìn cuộc sống bằng tinh thần lạc quan. “Chúng tôi sống trong khổ nghèo từ nhỏ nhưng quên nó đi. Từ ngày rời quê Quảng Nam lên đây, cuộc sống đã đỡ khổ hơn rất nhiều. Nên nhìn vào mặt tích cực đó mà mừng. Nếu cứ nghĩ đến cái nghèo thì chỉ tổ làm khổ mình và chắc chắn không sống thọ được”-ông Mai Nhiên nói.

Nói về nếp sinh hoạt thường nhật, cả 2 ông bà đều cho rằng, có lẽ sự thanh đạm trong mỗi bữa ăn hàng ngày, cùng lối sống đơn giản, ít hưởng thụ khiến ông bà sống đến hôm nay với rất ít bệnh tật. “50 năm qua tôi không biết đến một giọt rượu, bia dù đó là một trong những món “khoái” thời tuổi trẻ ngang dọc. Thuốc lá tôi cũng bỏ nhiều năm nay. Ngoài triệu chứng của tuổi già như mắt mờ, chân chậm thì tôi vẫn rất khỏe mạnh”-ông nói.

Những người già cả ở vùng đất Nam Yang này đều nói rằng, họ có một cuộc đời nhiều khó khăn, vất vả, làm luôn tay chân không biết đến ngơi nghỉ. Có lẽ một cuộc sống luôn vận động, cùng với sự thanh đạm trong bữa ăn hàng ngày (có một phần của sự thiếu khó mà ra) khiến người già ở đây rất ít bệnh tật, sức khỏe dẻo dai. Họ như bóng mát của đại thụ, không chỉ che chắn, làm chỗ dựa vững chãi cho con cháu, mà còn giúp người ta hiểu thêm nhiều điều về lẽ sống.

Hoàng Ngọc

Có thể bạn quan tâm