Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Vùng đất giàu trầm tích văn hóa

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) nằm giữa thung lũng bát ngát tươi xanh như một đồng bằng trên Tây Nguyên. Gắn liền với nền văn minh lúa nước, vùng đất này mang trong mình những trầm tích văn hóa vô cùng đặc sắc và trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách thập phương.  
Nhắc đến Phú Thiện không thể bỏ qua truyền thuyết về Vua Lửa (Pơtao Apuih) và thanh gươm thần có quyền năng hô mưa, gọi gió. Truyền thuyết kể rằng: Gươm thần do 2 anh em ruột là T’dia và T’diêng rèn từ một hòn đá ở miệng núi lửa khổng lồ. Nhưng khi rèn xong, thanh gươm cứ đỏ rực, không chịu nguội, nhúng vào ghè ghè cạn, nhúng xuống suối suối khô, nhúng xuống sông sông hết nước… Đến khi một người chẳng may vấp ngã trúng thanh gươm, máu tuôn chảy nhuộm kín thanh gươm thì nó mới chịu nguội. 
Trải qua 14 đời Vua Lửa, gươm thần gắn liền với biết bao câu chuyện huyền bí. Sau ngày thống nhất đất nước, do người dân nhập cư ngày một đông, sợ gươm thần và các linh khí bị thất tán nên Pơtao Siu Nhót đã cho dời gươm từ núi thiêng Chư Tao Yang (làng Plei Ơi, xã Ayun Hạ) về cất ở đầu làng nhưng vẫn tránh xa khu vực đông người, ô uế. Thanh gươm được bọc trong lớp vải trắng đặt cạnh một số thanh gươm khác vốn được xem như  “người hầu” của thần gươm. Do không có người kế vị nên ông Rơ Lan Hieo-người phò tá của Vua Lửa đời thứ 14-Siu Luynh, được giao trọng trách giữ gươm thần. 
Tương truyền, các Pơtao Apuih cùng với quyền năng của gươm thần có sức mạnh phi thường, có thể hô mưa gọi gió, điều khiển thời tiết cho mùa màng tốt tươi, dân làng no ấm. Các Vua Lửa còn liên kết với tộc trưởng các vùng và cùng người dân chống lại các thế lực ngoại xâm để bảo vệ bình yên cho buôn làng. Hàng năm, cứ đến mùa trồng trỉa (khoảng tháng 4 Dương lịch) thì các Vua Lửa lại tiến hành lễ cầu mưa.
Lễ cúng cầu mưa của Yang Pơtao Apuih huyện Phú Thiện. Ảnh: Đ.T
Lễ cúng cầu mưa của Yang Pơtao Apuih tại huyện Phú Thiện. Ảnh: Đ.T
Lễ hội cầu mưa của Pơtao Apuih là một trong những nghi lễ thuộc tín ngưỡng dân gian, phản ánh nguyện vọng của một bộ phận cư dân nông nghiệp. Nó tồn tại song hành cùng nền kinh tế nông nghiệp. Hiện công trình thủy lợi Ayun Hạ cung cấp nước tưới bốn mùa, không còn nỗi lo hạn hán nhưng Pơtao Apuih vẫn là vị thủ lĩnh tinh thần của người Jrai. Những năm gần đây, đồng bào Jrai ở buôn Rbai (xã Ia Piar, huyện Phú Thiện) vẫn tổ chức lễ cầu mưa vào ngày 30-4 hàng năm. 
Ông Phạm Văn Trần Hưng-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Phú Thiện-cho hay: Không chỉ duy trì lễ hội cầu mưa cùng thanh gươm thần, người Jrai nơi đây còn giữ được nhiều nghi lễ gắn liền với đời sống như: lễ tạ ơn, lễ cầu sức khỏe, lễ thổi tai… Hiện nay, bà con vẫn còn lưu giữ 120 bộ cồng chiêng. Đặc biệt, các nhà khảo cổ phát hiện trên địa bàn huyện Phú Thiện có 23 điểm có di chỉ đồ đá cũ, chứng tỏ vùng đất này là một trong những cái nôi của loài người.
Phú Thiện cũng là vùng đất giao thoa văn hóa khi quy tụ 16 dân tộc anh em cùng sinh sống. Nhiều nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc phía Bắc như: Thái, Tày, Nùng… cũng được người dân mang theo trong quá trình di dân từ hàng chục năm trước. Ông Mã Văn Chức-Trưởng ban liên lạc Hội đồng hương người Tày-Nùng tại huyện Phú Thiện-chia sẻ: “Trên địa bàn huyện có khoảng hơn 1.000 người Tày, Nùng quê ở các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn sinh sống. Vào mùng 4 Tết hàng năm, người Tày, Nùng ở Phú Thiện cũng tổ chức ngày hội vui xuân. Đó là dịp để những người con xa xứ gặp gỡ, giao lưu, thi thố các trò chơi dân gian của dân tộc mình như đánh cù, cà kheo, ném còn, lày cỏ…”.
Với bề dày truyền thống văn hóa, Phú Thiện được đánh giá là nơi giàu tiềm năng phát triển du lịch. Năm 2018 và 2019, lễ hội cầu mưa được tổ chức với quy mô lớn, thu hút hàng ngàn du khách gần xa. Khu di tích lịch sử văn hóa Plei Ơi (xã Ayun Hạ) cũng đã được quan tâm đầu tư nhiều hạng mục như: các trục đường, nhà của Vua Lửa và các phụ tá, nhà để gươm, nhà trưng bày, sân lễ hội… “Ngoài các lễ hội đặc sắc của người dân địa phương, Phú Thiện còn có nhiều điểm thu hút khách du lịch như khu vực hồ Ayun Hạ; ẩm thực truyền thống của người Jrai như muối, canh lá mì, cá rô một nắng; các sản vật từ nông nghiệp như gạo, trái cây; hồ sen ở xã Ia Yeng… Huyện cũng đã có phương án kêu gọi các nhà đầu tư vào vùng Chư A Thai với nhiều loại hình du lịch đa dạng”-ông Phạm Văn Trần Hưng nhấn mạnh.    
LÊ GIA

Có thể bạn quan tâm