Chính trị

Vững vàng khối đại đoàn kết toàn dân

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Ngày 5-12-2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai ban hành Chỉ thị số 13-CT/TU về tăng cường công tác kết nghĩa giữa các cơ quan, đơn vị với thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Chỉ thị một lần nữa khẳng định sự cần thiết và tính phù hợp của công tác kết nghĩa trên địa bàn tỉnh.

Qua đó nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của cán bộ, công chức, viên chức với tinh thần “hướng về cơ sở”, tạo sự tin tưởng, gần gũi, đoàn kết, gắn bó với người dân, nhất là đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa.

Chủ trương phù hợp với tình hình thực tiễn

Đầu những năm 2000, các thế lực địch và bọn phản động FULRO lưu vong gia tăng hoạt động chống phá trên địa bàn tỉnh. Chúng thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo, nhân quyền để khôi phục tổ chức phản động FULRO; kích động đồng bào DTTS biểu tình, gây rối an ninh, vượt biên. Chúng đã gây ra các vụ biểu tình gây rối an ninh quy mô nhỏ vào tháng 2-2001, tháng 4-2004 và tháng 4-2008.

Lễ kết nghĩa giữa Sở Giáo dục và Đào tạo với làng Châu, xã Chư Krêy, huyện Kông Chro. Ảnh: Mai Ka

Lễ kết nghĩa giữa Sở Giáo dục và Đào tạo với làng Châu, xã Chư Krêy, huyện Kông Chro. Ảnh: Mai Ka

Trước diễn biến phức tạp của tình hình an ninh chính trị, với chủ trương “Tỉnh nắm xã, huyện nắm thôn, làng; xã nắm từng hộ dân”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, phân công các sở, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể cấp tỉnh, doanh nghiệp và đồn Biên phòng phụ trách các xã trọng điểm; đồng thời, chỉ đạo triển khai quyết liệt công tác nắm tình hình, tập trung xóa bỏ tổ chức phản động FULRO bằng nhiều biện pháp như: tăng cường xây dựng thực lực chính trị cơ sở; đẩy mạnh công tác vận động quần chúng kết hợp tấn công chính trị đối với các đối tượng liên quan đến FULRO; đảm bảo an ninh nông thôn, phòng-chống tội phạm, không để xảy ra tội phạm có tổ chức, kiềm chế sự gia tăng của các loại tội phạm nguy hiểm, quyết tâm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên toàn tỉnh.

Ông Ksor B’Yơih-nguyên Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy-cho biết: “Chủ trương “Tỉnh nắm xã, huyện nắm thôn, làng; xã nắm từng hộ dân” giai đoạn 2001-2011 nhận được sự hưởng ứng, tích cực tham gia của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. Đây thực sự là chủ trương quan trọng, phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh lúc bấy giờ. Nhờ đó, an ninh chính trị từng bước được ổn định, sự đoàn kết, gắn bó và niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, chính quyền các cấp ngày càng được nâng cao”.

Sở Công thương và buôn Ma Giai (xã Đất Bằng, huyện Krông Pa) ký kết giao ước kết nghĩa. Ảnh: Vũ Chi

Sở Công thương và buôn Ma Giai (xã Đất Bằng, huyện Krông Pa) ký kết giao ước kết nghĩa. Ảnh: Vũ Chi

Nhân dịp lễ kết nghĩa, các sở, ban, ngành của tỉnh đã trao tặng những hộ có hoàn cảnh khó khăn 401 suất quà, 11 con bò giống, 8 ngôi nhà, 1.000 cây xà cừ giống, 2 dàn loa, 1 xe lăn, 4 thùng rác lớn, 100 ghế nhựa và tổ chức khám bệnh, cấp thuốc cho người dân... với tổng trị giá gần 900 triệu đồng. Hiện các cơ quan, đơn vị, địa phương và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục tổ chức kết nghĩa với các thôn, làng đồng bào DTTS.

Qua hơn 7 năm triển khai thực hiện, đến năm 2011, tình hình các xã trọng điểm cơ bản ổn định, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thôi phân công các sở, ban, ngành của tỉnh phụ trách xã mà bàn giao lại cho địa phương. Tuy nhiên, nhận thấy hiệu quả mang lại từ công tác phụ trách xã, 11/17 địa phương tiếp tục duy trì và tính đến cuối năm 2023 đã phân công 500 lượt cơ quan, đơn vị, phòng, ban chuyên môn trực thuộc kết nghĩa, phụ trách, giúp đỡ 375 thôn, làng đồng bào DTTS trên địa bàn. Trong đó, nhiều địa phương đã có những cách làm hay, hiệu quả. Đơn cử, ngoài phân công 50 cơ quan, đơn vị kết nghĩa với 53 thôn, làng đồng bào DTTS, Huyện ủy Đak Đoa còn chỉ đạo 41 trường học trên địa bàn tổ chức kết nghĩa với 41 thôn, làng, thường xuyên cử giáo viên xuống làng để kịp thời nắm bắt tình hình, trao tặng quần áo, sách vở, đồ dùng học tập quyên góp được cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn... Thành phố Pleiku cũng đã linh hoạt lồng ghép nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương để hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất, mua thẻ bảo hiểm y tế, trao mô hình sinh kế…

Hiệu quả của công tác kết nghĩa, phụ trách đã giúp người dân các làng đồng bào DTTS nâng cao nhận thức, chủ động ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng các loại cây trồng, vật nuôi, từng bước cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo. Đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 8,11%. Hệ thống chính trị các thôn, làng trọng điểm được củng cố, kiện toàn; cán bộ cơ sở ngày càng trẻ hóa và có trình độ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đề ra. Các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động được đẩy mạnh, nhất là các cuộc vận động: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới (NTM), đô thị văn minh”, “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” gắn với xây dựng làng NTM trong đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc... được người dân nhiệt tình hưởng ứng, tích cực tham gia.

Cục Quản lý thị trường Gia Lai kết nghĩa với làng Chuk (xã Kon Thụp, huyện Mang Yang). Ảnh: V.T

Cục Quản lý thị trường Gia Lai kết nghĩa với làng Chuk (xã Kon Thụp, huyện Mang Yang). Ảnh: V.T

Có thể khẳng định, công tác kết nghĩa, phụ trách với các thôn, làng đồng bào DTTS trong những năm qua là chủ trương đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh. Việc kết nghĩa giữa các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện với các thôn, làng đồng bào DTTS, thôn, làng đặc biệt khó khăn đến nay vẫn còn nguyên giá trị và có tầm quan trọng, ý nghĩa thiết thực. Nhất là trong điều kiện kinh tế-xã hội của tỉnh còn nhiều khó khăn và đang huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để triển khai thực hiện hiệu quả các chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng làng NTM trong vùng đồng bào DTTS, cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”. Đặc biệt, vụ việc xảy ra tại huyện Cư Kuin (tỉnh Đắk Lắk) đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm sâu sắc, trong đó có bài học về xây dựng cơ sở, nắm tình hình cơ sở và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân. Trước tình hình đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 13-CT/TU về tăng cường công tác kết nghĩa giữa các cơ quan, đơn vị với thôn, làng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh. Chỉ thị một lần nữa khẳng định sự cần thiết và tính phù hợp của công tác kết nghĩa trên địa bàn tỉnh.

Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị

Quán triệt thực hiện nghiêm Chỉ thị số 13-CT/TU, ngày 6-2-2024, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã ban hành Hướng dẫn số 03-HD/BDVTU về tổ chức triển khai kết nghĩa giữa các cơ quan, đơn vị với thôn, làng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh; UBND tỉnh ban hành Công văn số 321/UBND-NL phân công 20 sở, ban, ngành tỉnh kết nghĩa với 17 thôn, làng đồng bào DTTS. Trên cơ sở phân công, các sở, ban, ngành của tỉnh đã chủ động phối hợp với địa phương tiến hành khảo sát thôn, làng và thống nhất nội dung giao ước kết nghĩa phù hợp với chuyên môn, lĩnh vực công tác của đơn vị. Đồng thời, huy động các nguồn lực từ tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và cộng đồng để giúp đỡ thôn, làng, hộ dân kết nghĩa có điều kiện phát triển kinh tế-xã hội, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị trên địa bàn. Đến nay, 20/20 sở, ban, ngành đã hoàn thành việc tổ chức lễ kết nghĩa.

Sở Xây dựng, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã tổ chức lễ kết nghĩa với làng Wâu . Ảnh: N.H

Sở Xây dựng, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã tổ chức lễ kết nghĩa với làng Wâu . Ảnh: N.H

Đặc biệt, trong quá trình triển khai kết nghĩa, nhiều sở, ngành đã chủ động, linh hoạt tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa. Cụ thể, Sở Y tế tổ chức khám bệnh, phát thuốc miễn phí, tặng xe lăn cho người tàn tật và tặng thùng rác lớn để thu gom rác, đảm bảo môi trường sống hợp vệ sinh cho người dân làng Plei Hek, xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện. Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tổ chức chiếu phim phục vụ dân làng vào tối trước ngày kết nghĩa và giao lưu văn nghệ, thể thao, qua đó thắt chặt tình đoàn kết gắn bó với dân làng Dip, xã Ia Kreng, huyện Chư Păh. Sở Công thương vận động các nguồn lực để hỗ trợ xây dựng nhà ở cho các hộ dân khó khăn của buôn Ma Giai, xã Đất Bằng, huyện Krông Pa. Sở Giao thông-Vận tải cam kết hỗ trợ, hướng dẫn công dân đủ tuổi học và thi bằng lái xe mô tô hạng A1, tổ chức phổ biến pháp luật về an toàn giao thông ở làng Plei Hlốp, xã Chư Don, huyện Chư Pưh...

Bên cạnh đó, mỗi sở, ngành cam kết tập trung nguồn lực hỗ trợ, giúp đỡ 5 hộ khó khăn nhất tại thôn, làng kết nghĩa phát triển kinh tế trong năm 2024. Sự hỗ trợ ban đầu và những cam kết giúp đỡ theo lộ trình của các sở, ban, ngành tỉnh chắc chắn sẽ góp phần cải thiện cuộc sống người dân và nâng cao ý thức của bà con trong xây dựng, phát triển thôn, làng.

Lễ kết nghĩa giữa Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch với làng Díp (xã Ia Kreng, huyện Chư Păh). Ảnh: Minh Châu

Lễ kết nghĩa giữa Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch với làng Díp (xã Ia Kreng, huyện Chư Păh). Ảnh: Minh Châu

Xác định công tác kết nghĩa là một trong những chủ trương lớn của tỉnh, góp phần tăng cường sự đoàn kết gắn bó của các cơ quan, đơn vị với cơ sở và giữa cán bộ, công chức, viên chức với người dân, từng bước nâng cao đời sống người dân vùng đồng bào DTTS, cấp ủy, chính quyền các huyện, thị xã, thành phố đã nghiêm túc quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TU. Đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy đã luôn xác định rõ trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và phân công cụ thể các ủy viên ban thường vụ của địa phương phụ trách công tác kết nghĩa. Tiến hành rà soát, đánh giá tình hình địa bàn, tập trung nguồn lực, lựa chọn cơ quan, đơn vị cấp huyện kết nghĩa với thôn, làng khó khăn của địa phương mình, đảm bảo công tác kết nghĩa thực chất, thiết thực, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn, tránh hình thức, chạy theo thành tích.

Đề cập đến hoạt động kết nghĩa, Phó Bí thư Tỉnh ủy Rah Lan Chung cho rằng: Thời gian qua, các cơ quan, đơn vị, địa phương và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tích cực tổ chức kết nghĩa với các thôn, làng đồng bào DTTS. Với tinh thần, trách nhiệm cao và trên cơ sở chuyên môn, lĩnh vực công tác của mình, từng cơ quan, đơn vị đã triển khai những nội dung kết nghĩa một cách linh hoạt, phù hợp nhưng vẫn đảm bảo thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Chỉ thị số 13-CT/TU và đảm bảo phương châm “Hướng về cơ sở”, “Hướng về Nhân dân”, lan tỏa giá trị nhân văn sâu sắc của công tác kết nghĩa.

Chỉ thị số 13 không chỉ hướng đến việc huy động nguồn lực, sự hỗ trợ, hướng dẫn của các cơ quan, đơn vị mà còn khơi dậy sự chủ động, tinh thần tự lực, tự giác của mỗi người dân để vươn lên trong lao động sản xuất, nâng cao đời sống. Từ đó, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để công tác kết nghĩa trở thành phong trào sâu rộng trong toàn xã hội; góp phần tăng cường mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa các cơ quan, đơn vị với cơ sở và giữa cán bộ, công chức, viên chức với người dân; từng bước giúp người dân nâng cao nhận thức, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tập quán sản xuất, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.

Có thể bạn quan tâm