(GLO)- Việc đẩy mạnh công tác phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai có hiệu quả phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới của lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh thời gian qua đã góp phần củng cố địa bàn, xây dựng thế trận lòng dân ngày càng vững chắc.
Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động
So với mặt bằng chung thì đời sống của nhân dân ở 50 thôn, làng trên biên giới của tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Theo thống kê, tại 7 xã biên giới của tỉnh vẫn còn khoảng 1.646 hộ nghèo (chiếm 14,96%) và 1.072 hộ cận nghèo (chiếm 9,7%). Tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội nơi đây vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, các thế lực thù địch vẫn không ngừng chống phá, lôi kéo một số người dân tộc thiểu số nhẹ dạ, cả tin vượt biên sang Campuchia...
Các tổ tự quản tham gia tuần tra, kiểm soát địa bàn. Ảnh: P.D |
Để phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân trong bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, những năm qua, các đồn Biên phòng đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương thường xuyên đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động quần chúng. Từ năm 2017 đến nay, các đồn Biên phòng đã tổ chức hàng trăm buổi tuyên truyền với trên 26 ngàn lượt người nghe và cảm hóa, giáo dục 203 thanh-thiếu niên. Mặt khác, thông qua hệ thống loa truyền thanh của xã, các đồn Biên phòng cũng đã tuyên truyền được 84 lần với hàng trăm bản tin; phối hợp vận động 48 học sinh trở lại trường lớp. Anh Đinh Tuân-người dân làng Tung (xã Ia Nan, huyện Đức Cơ) nhận xét: “Nhờ Bộ đội Biên phòng mà đời sống của bà con làng Tung đã khá lên rất nhiều. Bây giờ, trong làng không còn trộm cắp, bà con chịu khó lao động và nhắc nhau phải có trách nhiệm bảo vệ biên giới”.
Đặc biệt, các đồn Biên phòng cũng tranh thủ sự hỗ trợ của già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong cộng đồng để tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần xây dựng, củng cố địa bàn biên giới ngày càng vững mạnh. Già Siu Phyin (làng Goòng, xã Ia Púch, huyện Chư Prông) cho biết: “Trong các buổi họp dân, tôi vẫn thường nhắc nhở bà con chăm lo lao động sản xuất và nâng cao tinh thần cảnh giác, không để kẻ xấu lợi dụng; đặc biệt, khi thấy người lạ mặt vào khu vực biên giới thì báo ngay cho Bộ đội Biên phòng”. Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, đến nay đã có 6.979 hộ dân (đạt 63,4% tổng số hộ trên khu vực biên giới) ở 50 thôn, làng ký cam kết thực hiện phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”.
Nâng cao hiệu quả các tổ tự quản
Ảnh: P.D |
Bên cạnh đó, các đồn Biên phòng còn tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương duy trì, nhân rộng các mô hình tự quản an ninh trật tự thôn, làng và đường biên, cột mốc. Hiện 7 xã biên giới đã thành lập được 64 tổ tự quản với 404 thành viên, trong đó có 11 tổ “Tự quản đường biên, cột mốc”, 50 tổ “Tự quản an ninh trật tự thôn, làng”, 1 tổ “Tàu thuyền tự quản khu vực biên giới” và 2 tổ “Tự quản an ninh trật tự trong đồng bào có đạo”. Theo Trung tá Rơ Mah Tuân-Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, các tổ tự quản đã phát huy vai trò, trách nhiệm trong tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
Chỉ riêng năm 2017, các tổ tự quản đã tổ chức tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân trên khu vực biên giới được 124 buổi/11.770 lượt người nghe; tham gia tuần tra, kiểm soát và cung cấp hàng trăm nguồn tin liên quan đến trộm cắp tài sản, gây rối trật tự công cộng, vận chuyển lâm sản, buôn bán, sử dụng ma túy trái phép... Cũng trong năm 2017, các tổ tự quản đã tham gia giải quyết 115 vụ liên quan đến mâu thuẫn gia đình, tranh chấp đất đai; tham gia 520 ngày công để phát quang thông tầm nhìn đường biên giới, góp phần bảo vệ vững chắc đường biên, cột mốc, dấu hiệu đường biên giới.
Nhấn mạnh về vai trò của 4 tổ “Tự quản trật tự an ninh thôn, làng” và 2 tổ “Tự quản đường biên, cột mốc” trên địa bàn xã Ia Pnôn, Đại úy Vũ Đình Truyền-Đội trưởng Đội Công tác vận động quần chúng Đồn Biên phòng Ia Pnôn (huyện Đức Cơ) cho hay: “Hàng tháng, các tổ tự quản đều xây dựng kế hoạch cụ thể, đến từng hộ gia đình để tuyên truyền nhằm xóa bỏ tình trạng trộm cắp, vi phạm Luật Giao thông Đường bộ, đi xe lạng lách, đánh võng, nẹt pô... Các tổ tự quản cũng thường xuyên tham gia tuần tra, kiểm soát giữ gìn trật tự an ninh thôn, làng, khu vực biên giới”.
Phương Dung